“Lương cảm xúc” là một thành phần đặc biệt quan trọng trong quy trình tuyển dụng và quá trình giữ chân nhân viên nữ. Phụ nữ rất chú ý đến các yếu tố giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Đối với họ, mức lương cảm xúc cũng quan trọng chẳng kém các đề nghị chi trả trực tiếp bằng tiền. Hãy tìm hiểu điều này cùng VietnamWorks qua bài viết ngắn sau đây nhé!
Định nghĩa về mức lương cảm xúc
Đây là một phần trong gói chi lương, bổ sung thêm giá trị cảm xúc và mang lại lợi ích cao hơn cho nhân viên khi họ đồng ý ký hợp đồng làm việc. Lương cảm xúc không phải là tiền, nó thường được cung cấp thông qua các ưu đãi hoặc đồ vật. Lương cảm xúc có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc thu hút ứng viên và giữ chân nhân viên.
Trước đây các công ty thường dùng các hình thức như tổ chức ăn nhẹ vào buổi xế, hoặc liên hoan công ty vào cuối tháng như một cách chi lương cảm xúc. Tuy nhiên, ngay thời điểm hiện tại, khi sự cạnh tranh giữa các công ty thực sự gay gắt thì nhà tuyển dụng cần sáng tạo hơn nữa mới đủ khả năng để giành được ứng viên tốt nhất.
Một mức lương cảm xúc có thể liên quan đến:
– Hỗ trợ cá nhân và hiệu quả làm việc
– Phát triển sự nghiệp
– Sức khoẻ tại nơi làm việc
Các loại lương cảm xúc điển hình
1. Chương trình chăm sóc sức khoẻ và kế hoạch nghỉ hưu
Từng có lúc các lợi ích dành cho người lao động dạng này được xem là tiêu chuẩn tại hầu hết công ty và tổ chức. Nhưng thời gian đang thay đổi dần mọi thứ, hiện tại nó được xem là quyền lợi “thiết kế sẵn” như một phần trong gói lương cảm xúc. Các lợi ích và sự hỗ trợ về chế độ thai sản cũng rất quan trọng, đặc biệt là ở những địa phương chưa đủ điều kiện để hỗ trợ mạnh mẽ cho nữ nhân viên.
2. Chế độ làm việc linh hoạt hoặc từ xa
Với những thách thức của đời sống công sở bận rộn, quyền được làm việc từ xa hoặc linh động là hai trong số những yếu tố được tìm kiếm nhiều nhất trong gói lương cảm xúc. Hoặc một kiểu đặc quyền đơn giản như được kết thúc giờ làm sớm hơn hay đến phòng gym tập thể dục cũng được đánh giá cao. Quan trọng là các công ty phải chủ động cung cấp các phúc lợi này trước. Nếu không thì dù miễn cưỡng, phụ nữ vẫn thường hỏi vì sợ chúng bị loại khỏi gói chi lương, nhưng điều đó làm họ giảm mất đi sự thoải mái.
3. Hỗ trợ phát triển cá nhân
Mục tiêu học tập suốt đời ngày càng trở nên quan trọng. Các nhà tuyển dụng cần đi trước một bước trong cuộc chơi, tạo ra những nỗ lực tài chính tốt nhất cho nhân viên về mặt này. Công ty có thể chủ động tạo ra các khoá huấn luyện, chương trình đào tạo nâng cao về chuyên môn, tổ chức các buổi chia sẻ về kỹ năng có thể chuyển đổi… cho nhân viên có cơ hội nâng cao năng lực bản thân và phát triển sự nghiệp lên tầm cao hơn.
4. Chế độ chăm sóc con tại chỗ hoặc trợ cấp cho trẻ
Con cái luôn là mối bận tâm lớn nhất của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, việc phân phối thời gian và sức lực để chăm sóc con hoàn hảo như ý muốn thật không hề dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh làm việc bận rộn như hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí chăm sóc trẻ cộng với tình trạng bạo hành trẻ em hay bảo mẫu thiếu kỹ năng là những vấn đề thực sự căng thẳng khiến mọi cha mẹ đều phải lo lắng.
Vì thế, khi một công ty nào đó đưa ra gói lương cảm xúc bao gồm các khoản trợ cấp/khen thưởng hay chế độ hỗ trợ con em nhân viên sẽ được đánh giá rất cao. Thử tưởng tượng, nếu bạn có thể đưa con đến phòng vui chơi trẻ em ngay tại công ty để yên tâm làm việc trong những tình huống khẩn cấp hoặc cuối tuần sẽ tốt đến thế nào!
5. Tiện nghi giải trí hoặc quyền lợi hội viên
Nhu cầu giải trí, thư giãn hoặc chăm sóc cá nhân là ưu tiên khá cao trong danh sách quyền lợi dành cho nhân viên của nhiều quản lý điều hành. Việc xây dựng không gian giải trí, hoặc phòng tập thể dục, câu lạc bộ thể thao… cho nhân viên thực sự có thể tạo nên sự khác biệt. Dù có thể không cần thoả thuận trước, nhưng việc cung cấp một vài giờ học thiền, tặng phiếu tập gym hay vé xem phim là quyết định mang đến những cảm xúc rất tốt cho nhân viên. Khi được quan tâm và thấu hiểu như vậy, bạn hẳn sẽ đánh giá rất cao và muốn gắn bó lâu dài với tổ chức.
— HR Insider/ Theo Cafebiz —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.