Chia sẻ từ bạn đọc Thụy Anh
Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc tế với tấm bằng xuất sắc, tôi được nhận vào làm tại một công ty liên doanh xuất nhập khẩu có công ty mẹ tại Đài Loan. Cuộc sống văn phòng vô cùng khác biệt so với thời đi học đã dạy cho tôi rất nhiều về cuộc sống. Và người mang lại ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là Sếp của tôi – Trưởng phòng Kinh doanh, người mà tôi vẫn thầm gọi là “hoàng tử bé” của văn phòng.
Vậy thế nào là hoàng tử nơi văn phòng?
Đẹp trai chưa chắc đã là hoàng tử
Bạn nghĩ đâu là đặc điểm nổi bật nhất của hoàng tử? Đẹp trai? Tài năng? Giỏi giang? Không đâu bạn, để có thể trở thành hoàng tử thì trước hết, bố của bạn phải là vua đã. Còn nếu bạn vừa có tài có sắc, thì bạn cũng chỉ là hot boy/hot girl nơi công sở mà thôi. Được biết sau khi đi du học nước ngoài anh được mời ngay vào vị trí Trưởng phòng dù chưa (hay không) có nhiều kinh nghiệm. Đơn giản, vì Giám đốc công ty (bố anh) đã tin tưởng giao cho anh vị trí đó.
Anh quý ai thì người đó thắng
Qua những câu chuyện cổ tích, chúng ta có thể nhận ra được đặc điểm chung giữa các hoàng tử: vô cùng tùy hứng. Hoàng tử chọn vợ bằng cách đi vừa đôi giày thủy tinh (Lọ Lem) hay lao đầu vào nguy hiểm để cứu nàng công chúa chưa biết mặt biết tên (Công chúa ngủ trong rừng). Và sếp của tôi cũng vậy, anh áp dụng quy tắc bất thành văn: anh quý ai thì người đó thắng để giải quyết mọi bất đồng trong công việc.
Nhân vật chính phải xuất hiện vào phút cuối
Cũng giống như những hoàng tử khác trong truyện cổ tích, Sếp tôi luôn xuất hiện vào phút cuối khi mọi vấn đề đã được giải quyết gần xong. Sau đó, sếp lại tiếp tục biến mất giống như một vì sao băng vụt qua bầu trời. Một tháng chắc tôi được gặp sếp khoảng 2 lần, đầu tháng để nhận task mới sếp giao và cuối tháng tổng kết lại để gửi sếp. Còn quá trình làm sao thì tôi tự giải quyết, nếu không đúng ý sếp thì làm lại chứ tuyệt nhiên không có chỉ dẫn hay gợi ý gì. Đôi lúc tôi cảm giác mình đang chơi trò giải mật mã vì những yêu cầu thường khó hiểu và gần như oái ăm của Sếp.
Nhưng …
Mọi vấn đề đều có phương hướng giải quyết khác nhau. Và chính tôi phải tự giải quyết những khó khăn của mình. Vậy làm sao để đối phó khi sếp là “hoàng tử”? Hãy áp dụng 4 KHÔNG đây và bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt.
♠ KHÔNG suy nghĩ tiêu cực: Lọ Lem bị đì như con ở mà vẫn có thể hát vang mỗi ngày thì bạn cứ lạc quan lên nhé. Suy nghĩ tích cực chính là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề.
♠ KHÔNG im lặng: Lên tiếng và nói rõ quan điểm của mình. Trước khi nói chuyện với sếp, bạn hãy list và note ra giấy nhưng gì cần thảo luận. Và vì sếp rất bận rộn, tôi thường tập nói trong đầu để chọn những gì là quan trọng và cần thiết nhất để tránh mất thời gian của sếp.
♠ KHÔNG thụ động: Luôn luôn chủ động trong công việc. Bạn sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng nên đừng chờ đợi mà hãy tự tìm cách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu sếp thường xuyên vắng mặt ở công ty, bạn luôn có thể liên hệ với sếp bằng những cách khác ngoài gặp mặt trực tiếp.
♠ KHÔNG mập mờ: Rõ ràng và chi tiết trong mọi việc. Sau nhiều lần bị xoay như chong chóng với tính sớm nắng chiều mưa của sếp, tôi tập thói quen mang theo sổ tay và hỏi rõ ràng về task được giao. Ba câu hỏi cơ bản mà tôi luôn phải đặt trước khi nhận bất kỳ nhiệm vụ nào là: Mục đích để làm gì?, Thời gian để làm? và Yêu cầu của Sếp về chất lượng công việc?
Cuộc sống công sở vốn không ngọt ngào và dễ dàng như truyện cổ tích, nhưng tôi học được điều quan trọng nhất sau những tháng đầu đi làm. Đó là hãy giữ tinh thần lạc quan và một trái tim nhiệt thành để đương đầu với mọi thử thách.
_ #CSCN – Chia Sẻ Chủ Nhật
Mr. Vui Vẻ_
=>> Cẩm nang đối phó với sếp tồi
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.