Tăng lương nhờ nhảy việc
Theo một bài báo từ tạp chí Forbes, nếu làm hơn 2 năm, bạn sẽ bị giảm đi 50% thu nhập trong vòng 10 năm mà lẽ ra bạn đáng được hưởng. Nghe có vẻ phũ phàng nhưng bà Bethany Devine, giám đốc phụ trách tuyển dụng tại thung lũng Silicon của Mỹ cũng có ý kiến tương đồng. Theo bà, bạn bắt đầu làm việc tại một công ty với một mức lương cơ bản và hàng năm được tăng thêm một chút dựa vào lương hiện tại. Thông thường, mức tăng này có giới hạn nhất định và ngang với mặt bằng chung của công ty bởi sếp biết rất rõ khả năng của bạn và luôn đưa ra nhiều nguyên nhân để thuyết phục rằng, bạn chưa đủ khả năng để đạt được mức lương như đề xuất.
Trong khi đó, nếu chuyển sang công ty khác, bạn sẽ bắt đầu lại từ đầu và có thể yêu cầu một mức lương cơ bản cao hơn và khả năng của bạn hoàn toàn được thể hiện thông qua buổi phỏng vấn, cơ hội nhận được mức lưng cao sẽ nhiều hơn.
Theo những nhận định về thị trường từ các khảo sát lương toàn cầu thường niên gần đây, các ứng viên trình độ cao có thể có mức lương trung bình cao hơn từ 10% – 25% khi nhảy việc và con số này gia tăng qua từng năm vì Việt Nam đang là một nền kinh tế phát triển, rất “khát” nhân lực, đặc biệt là nhân lực trình độ cao.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều các bạn trẻ lựa chọn nhảy việc sau một thời gian gắn bó tại công ty để “offer” mức lương cao hơn.
Nhảy việc có phải lựa chọn tốt nhất?
Mặc dù các số liệu trên chỉ ra rằng, nhảy việc là cách để bạn tăng lương, tăng thu nhập của mình tuy nhiên, đây không hẳn là cách tốt nhất dành cho tất cả mọi người. Đa phần những người “offer” lương cao hơn công ty cũ đều là những người giỏi, kinh nghiệm dày dặn, đa năng. Với những người mới đi làm, kinh nghiệm chưa nhiều và kỹ năng mềm còn thiếu thì nhảy việc hoàn toàn không phải là cách để tăng lương. Sẽ không có ông chủ nào đồng ý chi ra một số tiền lớn để tuyển dụng một người chưa thực sự giỏi.
Chính vì vậy, nhảy việc phải đúng lúc – đúng người mới có thể tăng lương như mong muốn. Đúng lúc ở đây chính là khi bạn đã vững chuyên môn, tích lũy nhiều kinh nghiệm và tự tin về khả năng của mình. Đúng người là bạn tìm được một ông chủ tốt, một công việc yêu thích và một môi trường nhiều cơ hội phát triển.
Còn nếu bạn là người mới, chưa nhiều kinh nghiệm, kỹ năng thì không nên vội vàng nhảy việc. Các nhà tuyển dụng cũng sẽ không đánh giá cao ứng viên có “lịch sử” nhảy việc quá dày đặc. Thay vào đó, bạn nên cân nhắc đến các giá trị khác ngoài tiền lương mà mình nhận được ở công ty hiện tại: cơ hội phát triển, chế độ phúc lợi, môi trường làm việc, quan hệ đồng nghiệp,… Tiếp tục ở lại nỗ lực làm việc, trau dồi kinh nghiệm và kỹ năng, bạn hoàn toàn có cơ hội được tăng lương, thăng tiến và lúc đó, nếu còn muốn nhảy việc, bạn dư sức để tìm một công việc tốt, lương cao.
Cách để được tăng lương khi ở lại
Nếu bạn đã quyết định ở lại nhưng muốn rút ngắn thời gian được tăng lương, hãy thử tham khảo một số cách sau:
Chủ động làm việc nhiều hơn: Đừng đợi người khác giao việc cho mình, cũng đừng chỉ làm những công việc được giao, chủ động làm việc nhiều hơn để khi đề xuất tăng lương, bạn có cơ sở để nói rằng, mình đã cố gắng và nỗ lực thế nào thời gian qua.
Tạo ra các giá trị: Các ông chủ chỉ bị thuyết phục dựa trên các kết quả cụ thể. Do đó, hãy tạo ra các giá trị bằng các con số như: ký được bao nhiêu hợp đồng, mang về doanh thu bao nhiêu,…
Lựa chọn thời điểm thích hợp: Việc đề xuất tăng lương của bạn có thành công hay không còn phụ thuộc rất lớn vào thời điểm bạn chọn để trình bày. Nếu bạn đưa ra yêu cầu tăng lương giữa lúc công ty đang gặp khó khăn về tài chính, doanh số bán hàng sụt giảm… thì khả năng được chấp thuận là rất thấp.
Hy vọng rằng, qua bài viết này, bạn đã có câu trả lời cho mình rằng có nên nhảy việc để tăng lương hay không và đưa ra quyết định phù hợp nhất với khả năng cũng như định hướng lâu dài của bản thân.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.