Ở Việt Nam, “Nhảy việc” là một văn hóa?
Thật ra điều này không chỉ xảy ra ở mỗi Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng có nét “văn hóa” này. Nếu lên Google và search “những lí do nghỉ việc”, dù ở ngôn ngữ nào thì bạn cũng tìm được nhiều trang gợi ý những lí do nhảy việc nghe thật wow. Trên đơn nghỉ việc là thế, nhưng trong thực tế, “nhảy việc” còn do nhiều nguyên nhân. Có cái vì mục đích tích cực mang tính dài hạn, nhưng cũng có cái chỉ vì những điều tiêu cực tức thời mà họ không biết nên làm thế nào để giải quyết.
Thật ra mà nói, chuyện nhân viên và sếp không hợp tính nhau chẳng phải là câu chuyện mới. Mỗi người có nhân sinh quan khác nhau dẫn đến những quan điểm và sở thích cá nhân khác nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên có những người lại không thích mọi thứ đi ngược lại với ý của mình.
Mình vẫn còn nhớ 1 triết lí của Triết học, Mâu Thuẫn là nguồn gốc của sự Phát Triển. Chính vì sự khác biệt và con người không ngừng đấu tranh cho những điều họ tin là đúng mà thế giới ngày nay mới hiện đại hóa và bùng nổ công nghệ. Cứ tưởng tượng nếu chúng ta ai cũng có những suy nghĩ như nhau, chẳng ai chịu thay đổi, phát triển gì cả, thì chắc bây giờ loài người vẫn còn lon ton làm bạn với tinh tinh ý!
Quay lại chuyện mâu thuẫn, khi có mâu thuẫn thì chúng ta nên làm thế nào. Một vài cách giải quyết mâu thuẫn mà tôi từng áp dụng
- Đừng nóng! Đừng vội! và Đừng nói! Hãy bắt đầu từ bản thân mình. Khi có mâu thuẫn, sự nóng giận dễ khiến ta đưa ra những quyết định sai lầm. Đừng vội nói, hãy lắng nghe nếu bạn thực sự muốn giải quyết nó một cách hợp tình hợp lí và đủ tính thuyết phục cho cả đôi bên.
- Đừng áp đặt. Đừng tự cho là mình đúng và ý kiến của người khác thì không tốt. Sẽ có những trường hợp, nhìn chung đúng là ý kiến của bạn tốt hơn thật. Nhưng điều đó không đồng nghĩa là ý kiến của người khác hoàn toàn sai. Sẽ có những điểm đúng, điểm hay, quan trọng là bạn có đủ bình tĩnh để nhìn ra không thôi.
- Đừng lạm quyền. Nếu dùng quyền lực, cấp bậc quản lí để ép người khác phải làm theo ý của mình, nhưng lại không đưa ra những lí do xác đáng, họ cũng sẽ làm theo ý của bạn, nhưng tính hiệu quả không cao. Không hẳn vì họ không hài lòng với bạn mà để công việc bị ảnh hưởng, mà vì họ không hiểu rõ những điều mình đang làm thì sao có thể làm tốt được.
Một ví dụ thật mà bạn tôi là người trong cuộc. Một chị sinh viên trường Y sau nhiều năm vất vả học hành, giành thủ khoa, chị được tuyển vào một bệnh viện lớn của thành phố làm việc. Nhưng chẳng lâu sau chị bị buộc thôi việc với lí do “Sao anh bảo cái gì em cũng gật đầu làm theo vậy?”. Một câu chuyện tưởng như chỉ có trong truyện biếm họa, nhưng vẫn thực tế vẫn có.
Quay lại chuyện nhân viên và sếp không hợp tính nhau. Mình đồng ý rằng không phải ai cũng đều có thể là “Hoa hậu thân thiện” hoặc có kỹ năng “bán mai”. Con người nên có sự yêu ghét rõ ràng, đừng sống trái với cảm xúc của mình. Tuy nhiên tôi vẫn đề cao sự công tư phân minh. Nếu đã đi làm, hãy đưa hiệu quả và chất lượng công việc của tập thể lên trên. Đừng vì những sở thích cá nhân mà biến người khác thành “nhân viên tồi” trong một nốt nhạc. Đừng mãi chỉ trích ý kiến của người khác khi bạn chẳng thế đưa ra giải pháp tốt hơn. Chỉ trích thì dễ, không cần suy nghĩ nhiều, nói vài câu, viết vài dòng là được. Nhưng để đưa ra giải pháp thuyết phục, bạn cần có một cái đầu thông minh.
Nếu sau những điều trên, bạn vẫn mãi không thoát được cảm giác mệt mỏi khi làm việc với đồng nghiệp, thì tốt nhất bạn hãy rời đi. Đừng níu kéo vì vốn nó chỉ khiến bạn thêm tổn thương mà thôi.
– HR Insider VietnamWorks –