Anh Lê Quang (26 tuổi, Bình Thạnh) đã chia sẻ về câu chuyện phỏng vấn của mình cho vị trí chuyên viên tư vấn chiến lược
“Bạn có bao giờ”:
Thể hiện quá mức trong buổi phỏng vấn và nhận về cái kết ê chề
“Khi bước vào phòng phỏng vấn, mình cũng cảm thấy hồi hộp như bao ứng viên khác, nhưng đồng thời cũng muốn chứng tỏ bản thân mình là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí này. Sau vài câu hỏi đầu tiên về thông tin cá nhân và kinh nghiệm làm việc, mình dần dần cảm thấy tự tin hơn và bắt đầu có xu hướng chia sẻ nhiều hơn.
Đến câu hỏi về dự án lớn nhất mà bản thân từng tham gia, mình kể rất tỉ mỉ về từng giai đoạn của dự án, cũng như những khó khăn gặp phải và cách mà mình đã giải quyết chúng. Tuy nhiên, có một sai lầm to lớn mà mình không nhận ra rằng là bản thân đã nói liên tục trong gần mười phút mà không để cho nhà tuyển dụng kịp hỏi thêm bất kỳ câu hỏi nào.
Không chỉ vậy mình còn cố gắng thể hiện kiến thức và kỹ năng của mình bằng cách chêm thêm nhiều thuật ngữ chuyên ngành và câu chuyện khác vì nghĩ rằng điều này sẽ gây ấn tượng mạnh. Thế nhưng khi theo dõi biểu cảm của nhà tuyển dụng, mình nhận ra rằng họ đang mất dần sự quan tâm…”
Anh Lê Quang cho biết vài ngày sau buổi phỏng vấn, anh đã nhận được email từ chối từ phía công ty. Nhà tuyển dụng cho biết mặc dù anh có những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp, nhưng lại không thể hiện được khả năng lắng nghe và giao tiếp hiệu quả trong buổi phỏng vấn. Cũng chính nhờ trải nghiệm này mà anh đã nhận ra được một bài học giá trị về cách lắng nghe và phản hồi hợp lý.
Những biểu hiện cụ thể của việc thể hiện quá mức
Việc tự tin trong buổi phỏng vấn là một điểm cộng, tuy nhiên tự tin quá mức có thể dẫn đến những tác dụng ngược lại. Ứng viên nếu không biết kiểm soát hành vi của mình có thể dẫn đến việc thể hiện quá mức, chẳng hạn như nói quá nhiều, khoe khoang và phóng đại thành tích cá nhân, hoặc thậm chí tệ hơn là cắt lời nhà tuyển dụng.
Hành vi thích thể hiện có thể không xuất phát từ sự cố ý của ứng viên, mà còn do một số nguyên nhân như sự thiếu tự tin nên cần phải nói nhiều để chứng tỏ năng lược, hoặc do hiểu nhầm rằng cứ khoe khoang và nói nhiều sẽ tạo ấn tượng mạnh.
Đây cũng có thể là một trong những lý do mà bạn bị nhà tuyển dụng đánh rớt, nếu không kiểm soát cách giao tiếp của mình trong buổi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng có thể cảm thấy khó chịu, mất thời gian và dần mất hứng thú với nội dung bạn chia sẻ. Từ đó, họ cũng sẽ đánh giá bạn là người thiếu chuyên nghiệp, tự cao và không biết cách lắng nghe.
Cách kiểm soát ngôn từ và thể hiện bản thân một cách hiệu quả
Nhiều người vẫn nói rằng giao tiếp cũng là một loại nghệ thuật. Vậy giao tiếp trong vòng phỏng vấn chính là một chiến lược để bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Do đó, để tránh trường hợp nói lan man dài dòng và tạo ấn tượng xấu, bạn hãy lưu ý 02 bí quyết giúp thể hiện bản thân một cách hiệu quả sau đây:
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước phỏng vấn
Việc chuẩn bị trước buổi phỏng vấn luôn là bước đệm quan trọng để mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn. Bạn hãy bắt đầu với việc nghiên cứu sâu về công ty và vị trí ứng tuyển, chẳng hạn như lịch sử hình thành, sứ mệnh, tầm nhìn, và giá trị cốt lõi của công ty.
Bên cạnh đó, hãy đọc kỹ mô tả công việc để hiểu rõ các trách nhiệm chính và yêu cầu cụ thể của vị trí. Thông qua đó xác định các kỹ năng và kinh nghiệm mà công ty đang tìm kiếm ở ứng viên để đối chiếu với kỹ năng và kinh nghiệm của bản thân, từ đó biết mình cần nhấn mạnh những điểm nào trong buổi phỏng vấn.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị trước những câu trả lời ngắn gọn, súc tích về bản thân liên quan đến điểm mạnh, điểm yếu, kinh nghiệm, kỹ năng, thành tựu, trình độ, định hướng phát triển, v.v. Sau cùng, hãy thực hành buổi phỏng vấn bằng cách nhờ người thân, bạn bè luyện tập cùng hoặc tự ghi hình lại để xác định những điểm cần cải thiện.
Tình hình tuyển dụng từ chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng – 7-Eleven tuyển dụng mới nhất tại đây!
Lắng nghe và phản hồi một cách lịch sự, chuyên nghiệp
Trong quá trình phỏng vấn, bên cạnh việc truyền tải thông tin của mình một cách khéo léo, bạn cũng cần chú ý đến việc lắng nghe nhà tuyển dụng. Khi họ đặt câu hỏi, bạn hãy tập trung toàn bộ sự lắng nghe của mình vào câu hỏi đó. Nếu chưa rõ ý định câu hỏi, bạn có thể nhờ họ diễn giải lại theo cách dễ hiểu hơn một cách lịch sự.
Quan trọng nhất vẫn là tập trung phản hồi theo tiêu chí đầy đủ nhưng súc tích. Đồng thời cũng nên ghi nhớ chia sẻ thông tin một cách khiêm tốn, hạn chế các tình huống phóng đại hoặc khoe khoang quá mức, vì chúng có thể gây ấn tượng xấu cho nhà tuyển dụng.
Nhìn chung thì các nhà tuyển dụng không đề cao những ứng viên quá rụt rè, nhưng họ cũng sẽ ngần ngại với những ai thể hiện quá mức. Vì thế, bạn hãy giữ thái độ khiêm tốn để có thể cân bằng cả hai trạng thái, nhưng đồng thời vẫn khéo léo thể hiện những kinh nghiệm và kỹ năng giá trị của mình cho nhà tuyển dụng thấy. Hy vọng rằng bạn sẽ chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn của mình và sớm kết nối với công việc phù hợp nhất. Hãy theo dõi VietnamWorks và HR Insider để cập nhật thêm nhiều thông tin mới nhất nhé!
Xem thêm: Những “red flag” của công ty bạn có thể nhận ra trong quá trình phỏng vấn cần né gấp
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.