Lao đao vì “nghi kỵ” từ sếp
Được cấp trên yêu quý là mơ ước không của riêng ai. Chiếm được cảm tình từ sếp, bạn như có được lá chắn bảo bọc nơi làm việc. Không những thế, vị trí của bạn sẽ được thăng hạng dễ dàng nếu như có được “bùa hộ mệnh” này. Tuy nhiên, mong muốn này luôn cần ông Bụt hóa phép mới có thể đạt được dễ dàng. Bởi lòng tin từ sếp ví như lên trời hái sao, có mấy ai làm được. Không ít người cố gắng phấn đấu nhưng kết quả chẳng bằng ai chỉ vì thiếu sự cất nhắc từ sếp. Tôi cũng từng cảm thấy bất công và buông xuôi khi rơi vào hoàn cảnh như thế. Cảm giác bất lực khi không thể chống trả và đôi lúc tôi có suy nghĩ cực đoan là nghỉ việc cho xong.
Việc này bắt đầu khi tôi nhận công việc ở môi trường mới. Dù lạ lẫm với mọi thứ xung quanh, tôi luôn cố gắng bắt nhịp với mọi thứ nhanh nhất có thể. Từ những chi tiết nhỏ nhất như không ngần ngại mua quà bánh cho cả phòng để làm quen, niềm nở khi gặp người khác nhưng mãi chẳng thể “làm thân” với sếp. Tôi luôn nhận ra giữa mình và cấp trên có khoảng cách vô hình nào đó hay chính xác hơn là sự ngờ vực sếp dành cho mình. Hai tháng, ba tháng, rồi một năm trôi qua; cảm giác xa cách ấy vẫn chưa thể kéo gần lại hơn. Tôi bắt đầu suy nghĩ “Liệu sếp đang ghét mình?” hay “Mình có thể phát triển nổi nếu nhưng thiếu sự nâng đỡ từ cấp trên?”. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy tương lai mình mù mịt quá. Đôi lúc tôi cũng từng nghĩ, thu nhập ở đây khá hậu hĩnh hay mình cứ làm việc đúng trách nhiệm và như những cái bóng mờ nhạt bên cạnh sếp cũng được. Suy nghĩ này lóe lên và làm tôi cảm thấy mình không còn là một cái tôi nhiệt huyết, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp tương lai nữa.
Tôi biết, đây là vấn đề chung nhiều người hay gặp phải. Chính điều này làm cản trở con đường sự nghiệp của bạn mãi chẳng bằng ai. Mặc kệ sự đời hay vùng lên tìm lối thoát? Nếu đứng ở tình huống này, bạn sẽ lựa chọn ra sao?
Chiếm cảm tình từ sếp, tưởng khó mà dễ không tưởng
Sau một thời gian loay hoay tìm chỗ đứng, dù phải đối mặt với thái độ dè chừng và khó chịu từ sếp, tôi vẫn quyết tâm tìm cách “làm thân” cùng sếp. Bởi tôi biết, cấp trên là người có quyền quyết định tương lai của mình tại đây. Tôi đã lên kế hoạch tiếp cận và loại bỏ khúc mắc ngay từ những việc nhỏ nhất.
Đầu tiên, tôi thường xuyên hỏi ý kiến sếp về cách thực hiện công việc. Điều này giúp tôi tránh những việc thừa thải và xử lý vấn đề theo đúng ý sếp. Tôi tìm cách trò chuyện và xin lời khuyên từ cấp trên của mình như: “ Em giải quyết vấn đề như vậy ổn thỏa chưa chị? Vấn đề này em phải giải quyết như thế nào?” để tránh làm không đúng ý sếp. Nếu làm sai, tôi không vội cãi lại mà chỉ nhẹ nhàng nói “Em xin lỗi. Chị hướng dẫn giúp em nhé”. Nhất là khi xảy ra tranh cãi, hơn thua từng câu nói chỉ khiến tôi bị ghét bỏ thêm. Tôi tin thái độ thành khẩn và chịu khó cải thiện sẽ dần chạm đến trái tim sếp. Qua mỗi lần phạm lỗi, tôi nhận thêm được bài học quý giá và biết cách ứng xử “đẹp lòng” sếp hơn.
Bên cạnh đó, tôi luôn tìm kiếm cơ hội để kết thân với đồng nghiệp xung quanh. Tôi biết, những người bạn này sẽ là trợ thủ đắc lực hỗ trợ tôi khi khó khăn trong công việc. Họ có thâm niên công tác lâu hơn sẽ nắm bắt thông tin nhanh. Thông qua mối quan hệ này, tôi có thể tìm hiểu rõ hơn phong cách làm việc của cấp trên mình để cư xử khéo léo hơn. Tôi thường nói những câu tâng bốc với “đệ tử ruột” bên cạnh sếp như “Tôi biết ơn vì cấp trên đã hướng dẫn cho mình biết thêm nhiều điều” hoặc “Sếp mình là người nóng tính nhưng rất tốt bụng”. Bởi tôi thừa biết những lời có cách đó sẽ được đồng nghiệp này truyền lại với sếp. Nghe đến đây, nhiều người sẽ bảo tôi khá toan tính. Nhưng hành động của tôi rõ ràng không ảnh hưởng đến ai. Tôi chỉ đang tìm kiếm cơ hội sống và phát triển cho chính mình. Vì thế, khi cần cúi đầu đừng vì ngại mà chỉ dừng lại ở cái mỉm cười cho qua.
Mặt khác, tôi cũng đã đánh bóng sẵn Cv xin việc mới cho mình. Dù cố gắng đến mấy cũng không thể ngừa trước tình huống xấu xảy ra. Nên tôi phải tìm đường thoái lui cho chính mình. Ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn để khẳng định giá trị bản thân, tôi đã cập nhật Cv của mình để dùng khi cần thiết. Nhưng trong lòng vẫn thầm hy vọng kế hoạch này sẽ thành công mỹ mãn. Bởi tôi quá chán ngán với cảnh đổi việc, mất thời gian và tài chính bị ảnh hưởng khá nhiều.
Quả thật, thành công chỉ mỉm cười với những người biết cố gắng. Vào một ngày đẹp trời, sếp đã tâm sự không thích tính cách tôi ở những ngày đầu làm việc. Nhưng sếp thấy được sự tiến bộ và nỗ lực từ tôi qua từng ngày. Điều đó khiến sếp rất hài lòng. Khi nghe được điều này, tôi biết cấp trên đã thực sự cởi mở với mình nhiều rồi. Giờ đây, tôi nhận thấy rõ thái độ của sếp dành cho mình khác hẳn và thường xuyên được giao phó nhiệm vụ quan trọng. Những cố gắng của tôi đều được đền đáp xứng đáng. Lúc này, tôi đã hiểu ra nhiều vấn đề. Bởi tôi là nhân viên mới nên không thể được sếp tin tưởng và chưa hòa hợp cách làm việc nên thường xảy ra bất đồng. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Tôi tin ở đâu đó vẫn có nhiều trường hợp giống như tôi. Nhưng liệu rằng tất cả mọi người khi đối mặt với vấn đề trên sẽ giải quyết ra sao? Nếu chưa biết cách xử lý, đừng ngần ngại thử mẹo nhỏ tôi chia sẻ trên đây nhé.
Đôi lúc, bạn không đồng tình hay thậm chí bất mãn với thái độ của cấp trên mình. Nhưng đừng quên, chính họ là người có quyền quyết định vị trí và tương lai của mình ở tại nơi đây. Thay vì chống đối, hãy tìm cơ hội ươm mầm cho mối quan hệ tốt đẹp giữa quản lý và mình. Đây là thủ thuật nhỏ nhưng vô cùng hiệu nghiệm khi làm việc.
>> Xem thêm: Tuổi 40 đi tìm việc bị chê quá tuổi, tôi phải làm sao?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.