Ngày Người Di cư quốc tế (18/12) là một sự kiện để chúng ta ghi nhận những đóng góp của người lao động di cư vào tăng trưởng và công cuộc phát triển của Việt Nam và khu vực ASEAN. Năm 2015, việc các quốc gia ASEAN sẽ trở thành một Cộng đồng kinh tế thống nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng trong khu vực. Tuy nhiên, cũng vẫn còn có nhiều suy nghĩ chưa chính xác về di cư trong khu vực và tại mỗi quốc gia. Nhiều người cho rằng di cư trong khu vực là sự di chuyển tự do của người lao động, giống như những gì đang diễn ra tại Châu Âu, tuy nhiên, nhận định này vẫn còn xa vời với thực tế.
Khi cộng đồng kinh tế mới ra đời, sẽ có nhiều cơ hội để người lao động dịch chuyển sang các nước khác để đáp ứng sự thiếu hụt nhân lực cho các quốc gia này, cải thiện thu nhập và tích luỹ những kinh nghiệm mới cho bản thân. Tuy nhiên, đến nay, các quốc gia mới bước đầu tập trung thảo luận về dịch chuyển của lao động có kỹ năng, thông qua các Thoả thuận về Công nhận tay nghề tương đương (MRA), tạo thuận lợi cho việc tự do di chuyển và quyền tự do làm việc tại các nước trong khu vực đối với 8 nhóm ngành nghề –kế toán, kỹ sư, khảo sát, kiến trúc, điều dưỡng, dịch vụ y tế, dịch vụ nha khoa và du lịch.
Vì mức lương của Việt Nam đang gần bằng mức lương trung bình của khu vực, hội nhập kinh tế có nghĩa là người lao động có thể đi khỏi và đến Việt Nam. Đối với Việt Nam, một chính sách hội nhập tốt có thể sẽ giúp tăng năng suất lao động trong nước thông qua việc di cư của lao động có tay nghề, nhưng điều quan trọng cần phải tính đến là những tác động tiềm tàng của việc một số lượng lớn lao người lao động có tay nghề sẽ rời đất nước để đi tìm những công việc có thu nhập cao hơn thông qua các MRA. Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Á Châu sẽ được công bố vào giữa năm 2014 sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về tác động của hội nhập kinh tế khu vực đối với thị trường lao động.
Nhưng việc di cư của lao động có tay nghề chuyên môn đang và sẽ chỉ đại diện cho một số lượng rất nhỏ người lao động di cư trong khu vực Đông Nam Á. Cần nhớ rằng việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) không phải là một quá trình độc lập; nó được bổ sung, hỗ trợ bởi trụ cột về Cộng đồng Kinh tế Xã hội trong hội nhập ASEAN và nó sẽ hỗ trợ các mục tiêu của AEC hướng tới phát triển kinh tế công bằng trong khu vực. Sự đóng góp của người lao động di cư có tay nghề thấp và tay nghề trung bình phải được ghi nhận. Nếu đứng riêng rẽ, AEC đang được xây dựng sẽ không thể giải quyết đầy đủ các vấn đề xã hội trong đó có di cư an toàn, bảo vệ người lao động khỏi nạn bóc lột, tiếp cận đào tạo tay nghề và đảm bảo các điều khoản về phúc lợi đối với người lao động.
Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi từ việc hội nhập AEC, và với 15% dân số trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng có những đóng góp quan trọng để hình thành thị trường khu vực mới này. 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài đã có những đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế của đất nước, với khoản kiều hối khoảng 1,6 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Chính phủ Việt Nam đang tích cực hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, là một phần trong chiến lược giảm nghèo và phát triển của đất nước. Một hệ thống chính sách và dịch vụ đã được ban hành và áp dụng nhằm giảm chi phí và tăng cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua hỗ trợ đào tạo kỹ năng và tay nghề cho người lao động. Chính sách này bao gồm việc đặt ra mục tiêu về số lượng lao động có kỹ năng tay nghề đi làm việc ở nước ngoài .
Quan điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế là di cư phải được xem là một lựa chọn của người lao động hơn là sự cần thiết. Trong khi di cư có thể tạo ra con đường để thoát nghèo đói, điều quan trọng là phải duy trì sự cân bằng trong việc thúc dẩy di cư với các chính sách, biện pháp bảo vệ phù hợp đối với người lao động.
Trong nhiều năm qua, các quốc gia thành viên ASEAN đã hợp tác với nhau nhằm tăng cường công tác quản lý di cư và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người di cư. Có nhiều khuôn khổ và diễn đàn để tạo cơ hội và thúc đẩy việc ban hành các chính sách tốt hơn về phối hợp và đối thoại nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với người di cư. Những điều này được đề cập trong Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ Quyền của Lao động di cư, Diễn đàn ASEAN về Lao động di cư, một cuộc họp thường niên của đại diện Chính phủ, các tổ chức của người lao động và tổ chức của người sử dụng lao động, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự. Thêm vào đó, việc hợp tác trong quản lý di cư cũng đang được tăng cường, thông qua Sáng kiến về Hội nhập ASEAN, trong đó Phi-lip-pin đã cam kết chia sẻ kinh nghiệm của họ về vấn đề quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.
Một số lĩnh vực cần tăng cường như người di cư cần được thông tin đầy đủ về chi phí và lợi ích của di cư, làm thế nào để bảo vệ bản thân trong suốt quá trình di cư, công nhận tay nghề tương đương đối với những công việc có tay nghề thấp và tay nghề trung bình; tính linh hoạt của chính sách bảo hiểm xã hội; đào tạo và hỗ trợ người di cư trở về, những người có thể sử dụng khoản tiết kiệm và kỹ năng tích luỹ được ở nước ngoài để tăng cường các cơ hội việc làm sau khi về nước và hỗ trợ phát triển cộng đồng. Ngày Người di cư quốc tế là một dịp để chúng ta tái cam kết về nỗ lực của mình để đảm bảo di cư sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, và Tổ chức Lao động Quốc tế cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các Tổ chức của người lao động, tổ chức của người sử dụng lao động để tăng cường công tác quản lý di cư và bảo vệ người lao động di cư, tại quốc gia và tại khu vực ASEAN.
– Theo ILO.org/hanoi / Website của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế – Văn Phòng Hà Nội –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.