Học hàm và học vị là hai thuật ngữ thường xuyên xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục và khoa học, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa và sự khác biệt giữa chúng. Vậy học hàm học vị là gì? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm học hàm, học vị, sự khác biệt của chúng và cách ghi thông tin này vào hồ sơ cá nhân một cách chính xác. Theo dõi bài viết sau của VietnamWorks HR Insider nhé!
Khái niệm học hàm học vị là gì?
Học hàm học vị là gì? Học hàm, học vị là các thuật ngữ dùng để mô tả trình độ học vấn, bằng cấp của một cá nhân và chúng được xác định dựa trên những tiêu chí cụ thể mà người đó phải đạt được. Mức độ học hàm, học vị càng cao thì yêu cầu càng khó. Hãy cùng VietnamWorks HR Insider đi sâu vào tìm hiểu từng khái niệm học hàm và học vị để hiểu rõ hơn.
Học hàm là gì?
Học hàm là danh hiệu được trao tặng cho các cá nhân có năng lực chuyên môn vượt trội và tham gia trong lĩnh vực giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. Nó không chỉ thể hiện trình độ kiến thức mà còn là sự công nhận đối với những đóng góp của họ trong việc phát triển tri thức.
Việc trao học hàm được quyết định bởi Hội đồng chức danh Giáo sư Việt Nam và quyết định này cần phải có sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Điều này giúp đảm bảo tính minh bạch và chất lượng trong quy trình đánh giá.
Học vị là gì?
Học vị là danh hiệu hoặc bằng cấp do các cơ sở giáo dục có thẩm quyền cấp phát, như trường Đại học, Cao đẳng hoặc tổ chức giáo dục được Nhà nước công nhận. Đây là sự công nhận chính thức dành cho những người đã hoàn thành một trình độ học vấn nhất định và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chương trình đào tạo.
Các chức danh về học hàm và học vị
Phần trên, chúng tôi đã cung cấp thông tin sơ lược về khái niệm học hàm học vị là gì? Tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các chức danh học hàm và học vị để bạn có cái nhìn chi tiết hơn.
Những chức danh liên quan đến học hàm
Tại Việt Nam, học hàm bao gồm hai chức danh chính là Giáo sư và Phó Giáo sư. Đặc biệt, hai danh hiệu này hoạt động độc lập và không có mối liên hệ với nhau.
Một số tiêu chí cơ bản để được bổ nhiệm vào các chức danh này bao gồm:
- Cá nhân đã tham gia giảng dạy ở bậc Đại học hoặc sau Đại học hay tham gia vào các dự án nghiên cứu cấp cao.
- Đã có học vị Tiến sĩ.
- Đạt đủ số giờ giảng dạy theo quy định.
- Hướng dẫn thành công một số lượng nhất định các nghiên cứu sinh.
- Có một lượng sách chuyên môn nhất định đã xuất bản.
- Có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành.
Những chức danh liên quan đến học vị
Học vị được phân thành các cấp bậc từ thấp đến cao như sau:
- Nhóm 1: Cử nhân, kỹ sư và các danh hiệu chuyên môn khác.
- Cử nhân: Dành cho những người tốt nghiệp Đại học thuộc các ngành xã hội và văn hóa.
- Kỹ sư: Dành cho những người tốt nghiệp Đại học thuộc các khối ngành kỹ thuật.
- Bác sĩ, dược sĩ: Dành cho những người tốt nghiệp Đại học trong lĩnh vực y tế.
- Nhóm 2: Thạc sĩ, bao gồm những người đã tốt nghiệp Đại học và tiếp tục học tập ở bậc Cao học trong hoặc ngoài nước, kết hợp với việc nghiên cứu sâu hơn về một lĩnh vực cụ thể.
- Nhóm 3: Tiến sĩ, dành cho những người đã hoàn thành chương trình Thạc sĩ, tham gia nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Đồng thời, có ít nhất 2 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
- Nhóm 4: Tiến sĩ khoa học, là những người đã có học vị Tiến sĩ và tiếp tục mở rộng nghiên cứu của mình ở những đề tài mang tính chất toàn diện hơn.
Giải thích Văn bằng 2 là gì? Điều kiện để lấy văn bằng 2
Sự khác biệt giữa học hàm và học vị
Học hàm và học vị là hai khái niệm thường gây nhầm lẫn cho nhiều người. Mặc dù có sự tương đồng về mặt chức danh, nhưng giữa hai khái niệm này vẫn tồn tại những khác biệt rõ rệt mà bạn cần lưu ý. Vậy sự khác biệt giữa học hàm học vị là gì? Hãy cùng tham khảo bảng dưới:
Đặc điểm | Học hàm | Học vị |
Khái niệm | Là danh hiệu được phong tặng cho những cá nhân có trình độ học vấn cao và có thành tích xuất sắc trong giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học. | Là văn bằng được cấp cho cá nhân đã hoàn thành một cấp bậc đào tạo cụ thể tại các cơ sở giáo dục được công nhận. |
Đơn vị cấp | Thường do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, như Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng. | Các trường Đại học hoặc các Viện nghiên cứu có thẩm quyền đào tạo cấp văn bằng. |
Điều kiện được cấp | Dựa vào trình độ học vấn, chuyên môn sâu và những đóng góp đáng kể trong nghiên cứu hoặc giảng dạy. | Dựa trên kết quả học tập và nghiên cứu của học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. |
Các chức danh | Bao gồm các danh hiệu: Phó Giáo sư và Giáo sư. | Bao gồm các học vị: Cử nhân, Kỹ sư, Bác sĩ/ Dược sĩ, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học. |
Bậc lương | – Phó Giáo sư: Bậc A2.1, hệ số từ 4.4 đến 6.78, VK 5%, mã ngạch 15.110.
– Giáo sư: Bậc A3.1, hệ số từ 6.2 đến 8.0, VK 5%, mã ngạch 15.109. |
– Tiến sĩ: Bậc 3, hệ số 3.0, mã ngạch 01.003.
– Thạc sĩ: Bậc 2, hệ số 2.67, mã ngạch 01.003. – Đại học: Bậc 1, hệ số 2.34, mã ngạch 01.003. – Cao đẳng: Bậc 2, hệ số 2.06, mã ngạch 01.004. – Trung cấp: Bậc 1, hệ số 1.86, mã ngạch 01.004. |
Lưu ý: Các mức lương nêu trong bảng trên chỉ áp dụng cho những người làm việc trong cơ quan Nhà nước. Đối với các chức danh làm việc trong công ty hoặc tổ chức tư nhân, mức lương sẽ được quyết định tùy theo chính sách của từng đơn vị.
Xem thêm Câu chuyện Sở hữu nhiều bằng cấp nhưng vẫn thất nghiệp, lỗi là do đâu?
Hướng dẫn ghi thông tin học hàm và học vị trong hồ sơ
Vậy, cách điền đúng trong hồ sơ về học hàm học vị là gì? Hãy cùng tham khảo hướng dẫn và một số lưu ý dưới đây để viết nội dung này một cách chính xác và hiệu quả.
Cách ghi thông tin về học hàm
Khi điền hồ sơ, thông tin về học hàm và học vị sẽ được ghi ở mục “Trình độ học vấn”. Học hàm cần được ghi trước học vị, phân tách bằng dấu phẩy. Cụ thể như sau:
Học hàm | Giáo sư | Phó Giáo sư |
Viết đầy đủ tiếng Việt | Giáo sư | Phó Giáo sư |
Viết tắt tiếng Việt | GS. | PGS. |
Viết đầy đủ tiếng Anh | Professor | Associate Professor |
Viết tắt tiếng Anh | Prof. | Assoc. Prof. |
Cách ghi thông tin về học vị
Tương tự như học hàm, khi ghi học vị, bạn cần chú ý đến ngôn ngữ sử dụng và cách viết đầy đủ cũng như viết tắt. Dưới đây là một số ví dụ cho cách ghi học vị mà bạn có thể tham khảo:
Viết đầy đủ tiếng Việt | Viết tắt tiếng Việt | Viết đầy đủ tiếng Anh | Viết tắt tiếng Anh |
Cử nhân | CN | Bachelor | B.A., B.S., BS, B.Sc. |
Kỹ sư | KS | Engineer | B.Eng., B.S.E., B.Engr. |
Dược sĩ | DS | ||
Bác sĩ | BS | Doctor | M.D., D.O., Ph.D. (In Medicine) |
Thạc sĩ | Ths | Master | M.A., M.S., M.Sc. |
Bác sĩ chuyên khoa I | CKI | First Degree Specialist hoặc Senior Doctor (Grade I) | |
Bác sĩ chuyên khoa II | CKII | Second Degree Specialist hoặc Primary Doctor (Grade II) | |
Tiến sĩ | TS | Doctor | Ph.D. |
Tiến sĩ khoa học | TSKH | Doctor of Science | D.Sc. |
Tiến sỹ y khoa | TS | Doctor of Medicine | M.D |
Tiến sỹ quản trị kinh doanh | TS | Doctor of Business Administration | DBA hoặc D.B.A |
Thạc sỹ quản trị dự án | Ths | The Master of Science in Project Management | M.S.P.M |
Thạc sỹ kinh tế học | Ths | The Master of Economics | M.Econ |
Thạc sỹ tài chính học | Ths | The Master of Finance | M.Fin |
Cử nhân quản trị kinh doanh | CN | The Bachelor of Business Administration | BBA |
Cử nhân thương mại và quản trị | CN | The Bachelor of Commerce and Administration | BCA |
Cử nhân kế toán | CN | The Bachelor of Accountancy | B.Acy. , B.Acc. hoặc B. Acct |
Cử nhân luật | CN | The Bachelor of Laws | LLB, LL.B |
Cử nhân ngành quản trị và chính sách công. | CN | The Bachelor of Public Affairs and Policy Management | BPAPM |
Khám phá Ứng viên có bằng trung cấp và những trăn trở khi tìm việc mới
Những lưu ý khi điền thông tin học hàm và học vị vào hồ sơ
Khi điền thông tin về học hàm và học vị trong hồ sơ, hãy chú ý đến một số điểm quan trọng sau để đảm bảo tính chính xác và chuyên nghiệp:
- Đảm bảo thông tin về học hàm và học vị của bạn là chính xác và đầy đủ. Nêu rõ tên gọi của học hàm, học vị và kiểm tra kỹ lưỡng ngày cấp học vị. Ví dụ: bạn là Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn A (viết tắt: PGS.TS Nguyễn Văn A).
- Tập trung vào những thành tựu và trải nghiệm quan trọng nhất của bạn trong quá trình học tập và nghiên cứu.
- Sắp xếp học hàm và học vị theo thứ tự thời gian, bắt đầu từ học vị mới nhất đến lâu nhất.
- Khi nêu rõ các thành tích trong học hàm và học vị, hãy sử dụng ngôn từ chính xác và có số liệu cụ thể. Ví dụ: “Đã xuất bản 3 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín” hoặc “Hướng dẫn thành công 3 luận án Tiến sĩ”,…
- Sử dụng ngôn ngữ chính xác và chuyên nghiệp. Hạn chế việc dùng từ ngữ quá chung chung và hãy chắc chắn rằng nội dung được truyền đạt rõ ràng.
- Trong hồ sơ, không cần phải liệt kê tất cả các học hàm và học vị của bạn. Hãy chọn lọc những thông tin phù hợp và quan trọng nhất với mục tiêu bạn đang hướng tới.
Như vậy, VietnamWorks HR Insider vừa chỉ ra những khía cạnh liên quan đến học hàm và học vị. Việc hiểu và phân biệt đúng học hàm học vị là gì không chỉ giúp bạn sử dụng chính xác trong hồ sơ cá nhân mà còn tạo dựng sự chuyên nghiệp trong công việc. Hãy luôn chú ý đến cách trình bày thông tin này để tối đa hóa hiệu quả giao tiếp trong môi trường học thuật và nghề nghiệp bạn nhé!
Tham khảo thêm Hướng dẫn cách viết trình độ học vấn trong CV chuẩn chỉnh hiện nay.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
THẢ GA HỌC E-LEARNING MIỄN PHÍ
ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN TÌM VIỆC VietnamWorks là kênh thông tin tuyển dụng và tìm kiếm việc làm hàng đầu tại Việt Nam, luôn mang đến các thông tin tuyển dụng uy tín, chất lượng và nhanh chóng. Với hơn 9.4 triệu lượt truy cập hàng tháng, VietnamWorks giúp kết nối ứng viên với các nhà tuyển dụng có nhu cầu tìm nhân sự tiềm năng. Người tìm việc có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin tuyển dụng đáng tin cậy trên toàn quốc. Bên cạnh đó, VietnamWorks còn tích hợp các tính năng hiện đại, hỗ trợ người dùng tạo CV trực tuyến và ứng tuyển một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian. |
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.