Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì?
Hiệu ứng Dunning-Kruger (Dunning-Kruger effect) là một loại thiên kiến nhận thức khiến cho một người nào đó đánh giá trí tuệ, khả năng về một lĩnh vực nào đó cao hơn so với thực thế. Nói cách khác thì đây còn được gọi là hiệu ứng ảo tưởng tự tôn (illusory superiority), đánh giá kỹ năng của họ trên mức trên mức thực tế.
Định nghĩa này đã được tạo ra vào năm 1999 dựa trên những nghiên cứu của các nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger. Họ đã làm bài kiểm tra khả năng ngữ pháp, logic, và khiếu hài hước của các thành viên đã tham gia kiểm tra. Và kết quả cho thấy rằng những người có điểm số thấp nhất trong bài kiểm tra này lại đánh giá rất cao khả năng của họ.
Lời giải thích cho sự việc này chính là vì họ chưa đủ thành thạo/hiểu biết trong lĩnh vực đó, vì thế họ chưa thể đưa ra đánh giá được chính xác về mình, hoặc xuất phát từ việc thiếu đi một hệ quy chiếu khách quan, đáng tin cậy, mang tính tính định lượng, để họ có thể dựa vào đó mà đánh giá chất lượng công việc/học tập của mình.
Biểu hiện của hiệu ứng Dunning-Kruger
Trong nghiên cứu của mình, Dunning và Kruge đã đưa ra nhận xét rằng một người năng lực kém thường sẽ có các khuynh hướng như sau:
- Đánh giá quá cao kỹ năng và năng lực của bản thân họ
- Không thể nhận ra sự thiếu sót của chính mình
- Không thể nhận ra được năng lực thật sự ở người khác
- Tuy nhiên, vẫn có thể nhận thức được về sự yếu kém của mình nếu như được hướng dẫn để cải thiện điều đó.
Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những trường hợp có biểu hiện của hiệu ứng Dunning-Kruger như:
- Thường phát biểu cực đao to búa lớn về một vấn đề nào đó trong khi bản thân lại chẳng có chuyên môn hay kinh nghiệm nào.
- Những người ở ngoài cuộc, chỉ nghe chuyện đồn đại mà sẵn sàng dè bỉu, bàn tán về những quyết sách hay cuộc sống của những người lãnh đạo, hoặc một ai đó,…
- Chỉ có kiến thức đầu tư bằng cách “học mót” nhưng lại rất tự tin rót số tiền khổng lồ vào đầu đầu tư tiền ảo,…
- Chưa chắc đã có nhiều kiến thức về một vấn đề nào đó bằng người ta nhưng lại không ngại hạ bệ năng lực của họ.
Các giai đoạn phát triển của hiệu ứng Dunning-Kruger
Để có thể hình dung rõ hơn về hiệu ứng Dunning Kruger, bạn có thể theo dõi sự biến đổi về mức độ của hiệu ứng này của của một cá nhân qua 5 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1 – Know-nothing (Không biết gì)
khi chưa thực sự có kinh nghiệm gì về một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ thấy mình yếu kém và còn nhiều thiếu sót so với người khác. Sự tự tin lúc này sẽ là số 0 tròn trĩnh, điều này nó thôi thúc bạn tìm hiểu thêm về những gì mình chưa biết.
Giai đoạn 2 – Peak of Mount Stupid (Đỉnh cao sự ngu ngốc)
Giai đoạn 2 là khi bạn đã bắt đầu có các kiến thức cơ bản thì sự tự tin của bạn cũng dần tăng lên. Càng nhiều kiến thức thì sự tự tin của bạn càng tăng tiến cho đến khi điều đó bạn đạt đến đỉnh điểm, hay đó còn gọi là “Đỉnh cao của sự ngu ngốc”.
Giai đoạn 3 – Valley of Despairs (Thung lũng tuyệt vọng)
Tiếp theo, trong quá trình nghiên cứu và học hỏi, bạn nhận ra rằng khả năng thật sự của bản thân chưa đỉnh cao như đã nghĩ. Đây chính là khi bạn mất đi sự tự tin từng có và rơi vào sự thất vọng, buồn bã.
Giai đoạn 4 – Slope of Enlightenment (Sườn dốc giác ngộ)
Tuy nhiên, bạn không bỏ cuộc trong thất vọng mà sẽ tiếp tục tiếp thu, học hỏi thì và đó sẽ dần tăng trở lại. Lúc này, bạn không còn “vênh mặt với đời” như trước mà mong muốn được phát triển thực sự và toàn diện hơn.
Giai đoạn 5 – Plateau of Sustainability (Cao nguyên bền vững)
Bạn có thể thấu hiểu sự cốt lõi của lĩnh vực mà mình theo đuổi và và trở thành chuyên gia một khi đã có sự am hiểu tối ưu. Lúc này, sự tự tin của bạn mới thực sự đạt mức bền vững.
Sự ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger
Dưới đây chính là những ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger:
- Niềm tin: Dunning và Ehrlinger đã phát hiện ra rằng nữ giới thực hiện các bài kiểm tra về kiến thức khoa học tốt ngang với nam giới. Tuy nhiên, họ tin rằng tư duy khoa học của họ lại kém hơn, vì thế họ thường có có xu hướng từ chối tham gia vào một cuộc thi khoa học.
- Quyết định và hành động: Càng hiểu rõ thêm về một lĩnh vực, chúng ta lại càng dễ đưa ra những quyết định chính xác. Lúc này, khả năng thực tế và khả năng tự đánh giá sẽ cân bằng với nhau. Khi đó, chúng ta mới có thể phán đoán đúng và nắm bắt cơ hội.
- Khó cải thiện được khả năng: Sự thiếu hiểu biết ngăn chúng ta lùi lại để có được sự đánh giá khách quan và nhận ra những thiếu sót của mình, do đó không thể học hỏi và cải thiện hơn.
Lợi ích khi hiểu rõ về hiệu ứng Dunning-Kruger?
Thực ra, hiệu ứng Dunning-Kruger là hiện tượng không hiếm gặp trong cuộc sống của chúng ta. Nó có sự ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và công việc của bạn. “Ảo tưởng” là cái nhãn bạn sẽ không muốn bị gắn với tên tuổi của mình. Vì thế. hiểu rõ về hiệu ứng Dunning-Kruger sẽ giúp chúng ta nhận thấy được những điều sau:
- Chúng ta sẽ ý thức được quá trình phát triển chuyên môn, thất bại là không thể tránh khỏi.
- Khi mới học về lĩnh vực nào đó, chúng ta đang đi qua giai đoạn “Peak of Mount Stupid”. Vậy nên, điều tốt nhất nên làm ở giai đoạn này chính là im lặng và chăm chỉ tiếp thu những kiến thức chuyên môn mà lĩnh vực mình đang theo đuổi.
- Trong công việc, nhờ hiệu ứng Dunning Kruger mà chúng ta biết rằng những người ăn to, nói lớn chưa chắc đã đúng.
- Không nên nghe lời những người đang ở trên “Đỉnh cao sự ngu ngốc”, bởi đây chính là giai đoạn mà họ đang mờ mắt vì sự ảo tưởng về khả năng của mình.
Cách để vượt quá hiệu ứng Dunning-Kruger
Để có thể giúp bản thân mình vượt qua hiệu ứng Dunning-Kruger một cách hiệu quả, chúng ta có thể áp dụng những phương pháp sau đây.
Biết lắng nghe và tiếp nhận đóng góp
Nếu đã không thể tự nhận ra được bản thân mình đang gặp phải hiệu ứng này thì góc nhìn của người khác có thể giúp bạn nhận thấy những thiếu sót của mình. Khi bắt đầu một công việc hay tìm hiểu một lĩnh vực mới nào đó, bạn hãy tìm đến những người có kinh nghiệm, như sếp hay những chuyên gia ở lĩnh vực đó, và nhờ họ nhận xét giúp bạn. Như vậy, bạn vừa tiếp nhận được kiến thức hiệu quả, vừa không đánh giá bạn thân quá cao và xa rời thực tế.
Rèn luyện tư duy phản biện
Dù đã tìm hiểu thông tin và lắng nghe nhận xét từ người khác thì bạn vẫn có thể sẽ bị rơi vào bẫy tâm lý. Vì vậy, hãy luôn đặt những câu hỏi về những gì bạn đã biết để thử thách suy nghĩ, niềm tin, và kỳ vọng của bản thân mình.
Luôn chú trọng học hỏi
Một khi bạn thu được nhiều kiến thức hơn thì bạn sẽ nhận ra kiến thức của mình chỉ là một hạt cát trong sa mạc hay là cái cây trong cả một cánh rừng. Điều này sẽ giúp bạn có thể chống lại xu hướng mặc định mình là một “chuyên gia”.
Hiệu ứng Dunning-Kruger thoạt nghe thì có vẻ hàn lâm nhưng thực chất lại bắt gặp rất nhiều trong cuộc sống thường ngày như học tập, công việc,… Tuy đây không phải là một hiệu ứng mang tính tích cực nhưng có thể cải thiện được. Chúng tôi hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hiệu ứng này và biết cách khắc phục và tránh để bạn thân gặp phải hiệu ứng như vậy.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.