Đó là một ngày cuối năm, gần vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi được mời đến phỏng vấn cho vị trí Nhân viên Truyền thông của một công ty đa quốc gia. Trải qua vòng phỏng vấn với bộ phận Tuyển dụng thành công, tôi được biết mình sẽ vào vòng phỏng vấn với Trưởng phòng Truyền thông vào ngay ngày hôm sau.
Buổi sáng, trước khi đến phỏng vấn vòng hai với Trưởng bộ phận, tôi nhận được điện thoại của chị Tuyển dụng. Qua điện thoại, chị nhắc nhở tôi rằng nên chú ý vào ngoại hình và trang phục khi đến phỏng vấn vì Trưởng bộ phận là người cực kỳ chú tâm đến vẻ ngoài của ứng viên, đặc biệt chị ấy còn nhắc tôi đừng quên mang giày cao gót khi đến phỏng vấn. Tôi cảm thấy thật kỳ lạ vì chẳng hiểu sao chị ấy lại nhắc nhở tôi như thế, tôi vẫn chuẩn bị trang phục chỉn chu nhất có thể để đến công ty, trừ đôi giày cao gót vì tôi thấy có mang giày cao gót hay không cũng không quan trọng, miễn là vẻ ngoài của mình lịch sự là được.
Không để tôi đợi lâu, một người đàn ông tầm 35 tuổi nhanh nhẹn bước vào phòng, tôi nhận ra anh chính là Trưởng phòng Truyền thông của công ty. Việc đầu tiên, anh nhìn tôi trong khoảng 30 giây. Sau đó, anh đã đặt khá nhiều câu hỏi để kiểm tra chuyên môn cũng như kinh nghiệm của tôi. Trong đó, anh có hỏi một câu như thế này: “Nếu như em chịu trách nhiệm làm một sự kiện cho công ty; sau sự kiện, em nhận được nhiều lời khen chê trái chiều. Em nghĩ sao?”
Tôi tự tin trả lời rằng: “Theo em, thành công của một sự kiện chính là khi đạt được những mục tiêu lớn nhất của sự kiện đề ra. Ví dụ một chương trình team building nếu đạt được mục tiêu là tạo được niềm vui cho nhân viên tham gia và gắn kết mọi người hơn với nhau; lúc đó sự kiện được cho là thành công. Còn chắc chắn chín người mười ý thì thế nào cũng sẽ có người không hài lòng thôi. Em nghĩ làm gì cũng phải vì tiêu chuẩn số đông, chứ không thể theo tiêu chuẩn từng cá nhân được. Mình không thể có cái tốt nhất mà chỉ có thể có cái tốt hơn thôi.” Nghe xong, anh Trưởng phòng gật đầu tâm đắc và nói lớn một cách hào hứng: “Tôi cũng nghĩ như em. Duyệt!”
Sau đó, buổi phỏng vấn kết thúc, anh bắt tay tôi, chào và cảm ơn tôi đã đến và có một buổi trò chuyện thú vị. Tôi chào anh, bước ra đến cửa phòng thì anh gọi tôi lại. Tôi cũng không hiểu vì cớ gì, khi ngồi xuống anh nói: “Lan Anh, em cho anh hỏi mỗi tháng em dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho quần áo và mỹ phẩm?” Tôi trả lời một cách nhanh gọn: “Dạ khoảng 500 nghìn cho một tháng.” Anh nhìn tôi một cách sững sờ, cảm giác như anh thấy một sinh vật lạ vừa xuất hiện ở trái đất. Sau mấy chục giây lấy lại được sự bình tĩnh, anh nói một cách chậm rãi: “Em muốn thành công trong ngành Truyền thông, mỗi tháng em nên dành 20% thu nhập đầu tư cho ngoại hình và trang phục của mình. Vì ngoại hình và trang phục chính là một công cụ đắc lực trong ngành Truyền thông, em không những phải đẹp cho em, mà em còn phải đẹp cho công ty, vì em là bộ mặt của công ty mà.”
Nghe xong, tôi đáp: “Nếu vậy thì em có thể đầu tư lên thành thêm cho trang phục, nhưng không chắc sẽ là 20% thu nhập. Vì em không hào hứng lắm trong chuyện mua sắm, như vậy có ổn không?” Anh nói thêm: “Nếu em đậu vị trí này, việc đầu tiên anh muốn là em hãy đi làm lại mái tóc của mình, em có biết nhìn em rất giống với bà mẹ mòn mỏi chờ con quay về không? Còn nữa, đến khi nào em vào làm, tôi sẽ dẫn em đi mua mỹ phẩm nếu như em không có thói quen trang điểm khi đến công ty. Và đặc biệt em phải mang giày cao gót khi đi làm. Giờ thì em về và đợi kết quả từ bộ phận Tuyển dụng nhé. Chào em!” Sau khi nói một tràng, không đợi tôi nói gì thêm, anh bước ra một cách vội vã như cách mà anh bước vào phòng ban đầu. Kết quả là hôm sau tôi nhận được tin trúng tuyển vị trí Truyền thông của công ty ấy.
Sau này, càng làm việc tôi càng nhận ra rằng lời anh nói rất đúng và có giá trị. Làm công việc Truyền thông, tôi thường xuyên phải gặp gỡ đối tác, khách hàng, vẻ chỉn chu và xinh đẹp chắc chắn phải có. Với các bạn đi phỏng vấn, đành rằng tốt gỗ hơn tốt nước sơn, bạn có tài năng, kinh nghiệm và kỹ năng tốt nhưng bạn sẽ thiếu hoàn hảo trong mắt nhà Tuyển dụng nếu bạn không xuất hiện với một vẻ ngoài chỉn chu và chuyên nghiệp. Cũng may mắn, anh đã cho tôi cơ hội học và hiểu ra điều đó để trở thành nhân viên của một người sếp giỏi như anh.
_ Chia sẻ từ bạn Vũ Ngọc Lan Anh _
=>> Tôi học được 2 chữ đắt giá sau 5 năm đi làm
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.