Một số chuyên gia dự báo rằng cú sốc kinh tế do COVID-19 gây ra có thể nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính 2008. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, mà một trong số những câu được quan tâm nhất đó là những người lãnh đạo nên chuẩn bị gì để “lèo lái” con thuyền của mình vượt qua sóng gió của dịch bệnh? Với kinh nghiệm đã nhiều lần dẫn dắt đội ngũ vượt qua các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, Anh Tăng Trị Trọng – Chief Sales Officer của VietnamWorks đã có những chia sẻ ấn tượng với HR Insider về chủ đề này.
NHỮNG SUY NGẪM TỪ DỊCH COVID-19
HR Insider xin chào anh Trọng và xin cám ơn anh đã đồng ý tham gia chia sẻ cùng HR Insider.
Thập kỷ mới 2020 bắt đầu với vô vàn thách thức. Một trong số đó là tốc độ lây nhiễm nhanh trên diện rộng của dịch bệnh COVID-19 ngay từ đầu năm khiến rất nhiều lĩnh vực như Du lịch, Nhà hàng/Khách sạn, Hàng không, Giáo dục,… phải lao đao vì tất cả mọi người đều được khuyến cáo hạn chế tụ tập, tiếp xúc đông người hay di chuyển ra khỏi vùng lãnh thổ trong lúc dịch bệnh ngày càng tiến triển khó lường. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Vậy với góc nhìn của một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhân sự, anh Trọng có những lời khuyên gì cho cộng đồng nhân sự tại Việt Nam?
Cái gì cũng vậy, hễ có NGUY, thì có CƠ. Với anh, COVID-19 không chỉ đơn thuần là một dịch bệnh mang đến nhiều thách thức, mà ẩn chứa trong đó là những cơ hội mới để thay đổi và phát triển.
Anh Trọng có thể chia sẻ cụ thể hơn về những cơ hội mà anh đã nhìn thấy được giữa tình hình dịch bệnh hiện nay không ạ?
Anh muốn dùng chính C.O.V.I.D.1.9 để chống lại COVID-19. Cụ thể như sau:
- C – Change (Thay đổi cách làm)
- O – Overcome Obstacles (Vượt qua chướng ngại)
- V – Vital Behaviors (Xác định hành vi mấu chốt)
- I – Improve it (Cải thiện không ngừng)
- D – Discipline (Thực thi và tuân thủ những điều phải làm)
- 1 – Focus on 1 thing at a time (Tập trung vào điều quan trọng nhất)
- 9 – Lucky number (Nắm bắt thời cơ và đón nhận may mắn)
*Bạn có thể in công thức này để dùng cho mục đích riêng (phổ biến trong các cuộc họp, các khóa huấn luyện – đào tạo, hoặc dán trước bàn làm việc,…).
C – CHANGE (THAY ĐỔI CÁCH LÀM)
Đây chính là yếu tố tiên quyết cho mọi thành bại của các doanh nghiệp. Trước giờ người ta hay nói: “Thứ duy nhất không thay đổi chính là sự thay đổi.” và Charles Darwin cũng đã từng nói rằng: “Không phải những người mạnh nhất hoặc những người thông minh nhất, mà chính những người có khả năng quản lý sự thay đổi tốt nhất chính là những kẻ sống còn.” Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên những suy nghĩ cũ, những hành động cũ từ trước đến giờ, thì một khi khủng hoảng xảy đến, chúng ta sẽ rất khó lòng vượt qua.
Thay đổi đầu tiên phải đến từ chính trong nhận thức. Khi nhận thức thay đổi, hành động của ta mới thay đổi. Khi hành động thay đổi, ta mới có cơ hội mang lại những kết quả tích cực hơn. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Giáo Dục, rất nhiều trường học truyền thống đã phải đóng cửa, cho học sinh và giáo viên nghỉ tại nhà. Những nỗi sợ bắt đầu nhen nhóm và ngày càng lớn dần khi thời gian nghỉ học liên tục được kéo dài: không đủ thời gian học tập chuẩn bị cho các kỳ thi Quốc Gia, học sinh quên bài, giáo viên thất nghiệp… Một số trường học khác, tuy có chút lo lắng, nhưng họ có vẻ “miễn nhiễm” với cuộc khủng hoảng này, do họ đã xây dựng sẵn hệ thống dạy-học trực tuyến từ trước, hoặc vừa mới gấp rút triển khai để đối phó với dịch bệnh. Nhìn vào những trường học đã có sẵn hệ thống, đó là sự chuẩn bị, đón đầu. Nhìn vào những trường học vừa mới triển khai xong, đó là sự thay đổi, từ nhận thức, đến hành động. Chính những thay đổi này đã giúp những trường học kể trên thích nghi nhanh với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đảm bảo việc học cho học sinh, việc làm cho giáo viên, mà vẫn bảo vệ được sức khỏe cho họ.
Điều này cũng đúng với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Đúng là dịch bệnh đã đang và sẽ gây ra những tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh. Nhưng đây cũng là thời cơ, là cái cớ để chúng ta theo đuổi những thay đổi táo bạo hơn, trước mắt là trong nhận thức, để thích nghi, và từ đó trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn.
O – OVERCOME OBSTACLES (VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI)
Lúc nào cũng vậy, sẽ luôn có chướng ngại xuất hiện trên hành trình chinh phục mục tiêu thay đổi mà chúng ta đã đề ra. Để thành công, không còn con đường nào khác là nỗ lực, kiên trì tìm tòi giải pháp để vượt qua.
Anh lấy lại ví dụ ở trên về những trường học truyền thống. Giả sử như Hiệu Trưởng các trường đã nắm bắt được tinh thần thay đổi để thích nghi với dịch bệnh, thì khó khăn đầu tiên mà họ gặp khi phải xây dựng (BUILD) mọi thứ từ đầu sẽ là: “Không có ngân sách”, “Không có hệ thống”, hay “Nhân lực hiện tại không đáp ứng được yêu cầu”. Nếu không “BUILD” được, thì “BUY”, chẳng hạn tuyển dụng nhân sự mới với bản mô tả công việc mới để thúc đẩy quá trình thay đổi. Cứ mỗi một chướng ngại xuất hiện, chắc chắn sẽ có rất nhiều giải pháp để vượt qua. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường.
V – VITAL BEHAVIORS (XÁC ĐỊNH HÀNH VI MẤU CHỐT)
Như anh nói ở trên, sẽ có rất nhiều giải pháp để tiếp cận một vấn đề, vậy câu hỏi đặt ra là: “Đâu là cách tối ưu nhất?”
Những giải pháp gọi là tối ưu khi nó tập trung vào những hành vi mấu chốt, mà khi những hành vi này được kích hoạt, nó sẽ tạo ra kết quả đột phá. Đó cũng chính là nguyên tắc 80/20: đầu tư 80% nguồn lực cho 20% những hành vi mấu chốt có thể đem lại 80% kết quả. Gần đây, báo chí có đưa tin về tình hình các doanh nghiệp chống chọi với dịch bệnh, có hai mẩu chuyện mà anh rất ấn tượng. Một doanh nghiệp sản xuất giấy gặp rất nhiều khó khăn trong đợt dịch này do thị trường xuất khẩu bế quan tỏa cảng. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp nhanh chóng xác định được hành vi mấu chốt để “giải cứu” doanh nghiệp mình: thay vì tiếp tục tập trung vào giấy xuất khẩu, họ chuyển hướng nhân lực và máy móc vào sản xuất khẩu trang với công suất lên đến 1000 chiếc mỗi ngày. Một doanh nghiệp khác cung cấp dịch vụ vệ sinh xe vẫn duy trì được lượng khách nhất định trong thời điểm mọi người hạn chế ra đường. Hành vi mấu chốt của chủ doanh nghiệp này là thay vì chỉ tập trung vào rửa xe, họ còn cung cấp thêm các hoạt động diệt khuẩn miễn phí.
Dựa vào bài học trên, với các doanh nghiệp còn đang khó khăn, hãy tích cực nghĩ về những hành vi mấu chốt mà doanh nghiệp mình có thể cung cấp. Hãy tập trung nguồn lực khai thác những hành vi mấu chốt này để tìm ra giải pháp tối ưu trong tình cảnh hiện nay. Nói tóm lại, hãy để điều quan trọng nhất định hướng cho bạn mỗi ngày.
I – IMPROVE IT (CẢI THIỆN KHÔNG NGỪNG)
Những thay đổi mang tính đột phá không đến một sớm một chiều, mà luôn trải qua một quá trình dài của sự cải thiện nhỏ và liên tục.
Trở lại câu chuyện về các trường học, việc triển khai dạy-học online không thể diễn ra trong một đêm, và hệ thống bổ trợ cũng sẽ không thể có đầy đủ các tính năng tuyệt vời ngay từ lần đầu công bố. Mọi thứ có thể khởi đầu bằng việc giáo viên quay video, sau đó đăng tải lên trang web nhà trường, học sinh vào xem tại nhà và ghi chú kiến thức. Hình thức này thiếu tính chủ động, và không thể mô phỏng tương tác hai chiều, vốn là điểm mạnh của việc dạy học trực tiếp trên lớp. Thế là hình thức phát trực tiếp (livestream) ra đời, tạo điều kiện để học sinh và giáo viên có thể hỏi đáp trong thời gian thực. Sau này còn có những tính năng cho phép làm bài, chấm bài, cấp chứng chỉ trực tuyến… Việc liên tục cải thiện như vậy đảm bảo cho sự thay đổi diễn ra một cách triệt để, đồng thời mở ra những chân trời mới, mà nếu không có tinh thần cải thiện, chúng ta sẽ không bao giờ có thể khám phá được.
Lão Tử từng nói: “Hành trình vạn dặm khởi đầu từ những bước chân nhỏ bé.” Đây là thời điểm lý tưởng để các doanh nghiệp bắt đầu nghĩ về thay đổi, và bước những bước đi đầu tiên trên hành trình này, để khi khó khăn qua đi, chúng ta đã ở rất xa so với những doanh nghiệp chậm cải thiện.
D – DISCIPLINE (THỰC THI VÀ TUÂN THỦ NHỮNG ĐIỀU PHẢI LÀM)
Mọi kế hoạch thay đổi, mọi chiến lược cải thiện sẽ không thể nào thành công nếu thiếu tính kỷ luật. Elbert Hubbard, một nhà văn và triết gia người Mỹ, có nói: “Kỷ luật là khả năng khiến bản thân chấp nhận làm những điều nên làm, vào thời điểm thích hợp, cho dù có thích hay không.” “Làm những điều nên làm” chính là chữ V (Vital Behaviors – Hành vi mấu chốt). “Vào thời điểm thích hợp” là biết nắm bắt thời cơ. Và “Dù có thích hay không” chính là sự kỷ luật. Elbert Hubbard gọi đây là “khả năng” mà không phải “bản năng” vì tính kỷ luật hoàn toàn có thể luyện tập, trau dồi.
Nếu không có chữ “D” (Discipline), cho dù có tinh thần thay đổi, không ngại vượt khó, hay có cố gắng tìm ra những hành vi mấu chốt và liên tục cải thiện chúng, tất cả cũng không thể đi đến nơi, về đến chốn.
Cảm ơn anh Trọng với phần chia sẻ rất hay và rất ý nghĩa về những triết lý thành công giữa tâm dịch COVID-19. Anh có thể chia sẻ thêm về 2 con số 1 và 9 mà anh đã đề cập từ đầu không ạ?
Con số 1 ở đây tượng trưng cho việc “Focus on 1 thing at a time” (“Tập trung vào điều quan trọng nhất”). Bởi vì, có một nghiên cứu cho rằng, một người cần trung bình 23 phút để có thể tập trung trở lại công việc đang làm sau khi bị xao nhãng. Chúng ta mất đi hiệu suất làm việc, khi làm nhiều việc cùng lúc. Ở cấp độ lớn hơn như cấp độ của một tổ chức, phân tán nguồn lực vào quá nhiều các giải pháp “vượt khó” đôi khi lại khiến doanh nghiệp gặp khó, khi chẳng có hướng đi nào đạt hiệu suất tối đa. Một lần nữa, chúng ta cần xác định lại chữ V (Vital Behaviors – Hành vi mấu chốt) để xem đâu là điều quan trọng nhất cần phải làm và tập trung phần lớn thời gian và nguồn lực cho những điều này để đảm bảo giải pháp ta thực hiện mang lại giá trị thay đổi cao cho doanh nghiệp.
Với con số 9, đó là con số may mắn đối với phần lớn những nước Á Đông. Người ta thường muốn có những biển số xe 9 nút, hay sở hữu những số điện thoại/tài khoản ngân hàng có nhiều số 9. Tuy nhiên, không phải may mắn nào cũng là những may mắn tốt. Thật ra, trên đời có 2 loại may mắn. Một loại là những may mắn từ-trên-trời-rơi-xuống, chẳng hạn như trúng số độc đắc, thừa hưởng gia tài… Loại may mắn này không đến từ sức lao động của bản thân, nó đến rất dễ cho nên đi cũng rất nhanh. Một loại may mắn khác đến từ chính sức lao động của mỗi người, được tạo ra từ sự chuẩn bị và khả năng nắm bắt thời cơ. Người ta hay gọi loại may mắn này là “Good Luck” (Good Luck = Good Preparation + Seize The Opportunity). Chính loại may mắn này sẽ ở lại với chúng ta, giúp chúng ta đạt được mục tiêu trong sự nghiệp và cuộc sống.
Những trường học đầu tư trước về việc học trực tuyến giờ đây là thời cơ của họ. Doanh nghiệp sản xuất giấy nắm bắt cơ hội sản xuất khẩu trang, hay công ty cung cấp dịch vụ rửa xe khuyến mãi diệt khuẩn giờ đây cũng là thời cơ của họ. Nếu coi đây là những may mắn, thì may mắn này đến từ sự chuẩn bị đầy đủ về thời gian, tiền bạc, nhân lực, công cụ, hệ thống… và khả năng nắm bắt thời cơ của các doanh nghiệp này.
Tóm lại, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 này, anh tin rằng đây chính là thời cơ để mọi người, các công ty và các nhà lãnh đạo tạo ra những thay đổi giá trị cho tổ chức của mình. Anh chúc mọi người nhiều sức khỏe, vững tâm và bền trí để vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong giai đoạn này, để tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai.
Xin cám ơn anh Trọng rất nhiều về phần chia sẻ rất gần gũi, thú vị, và bổ ích này ạ.
Đôi nét về anh Tăng Trị Trọng |
---|
Đôi nét về anh Tăng Trị Trọng |
Anh Tăng Trị Trọng được mệnh danh là “Người Đàn Ông Triệu Đô” vì những thành tựu xuất sắc tại VietnamWorks trong suốt 14 năm qua. Với hơn 20 năm kinh nghiệm đảm nhận vai trò quản lý tại các tập đoàn quốc tế hàng đầu Việt Nam và phương châm sống “Truyền cảm hứng và phát huy tối đa năng lực của con người nhằm giúp họ đạt được mục tiêu mong muốn bằng chính sự đam mê và lòng nhiệt huyết của mình”, anh Trọng đã giúp VietnamWorks phát triển bền vững và hoạt động thu lợi thông qua việc đào tạo và phát triển con người, góp phần để VietnamWorks giữ vững vị thế hàng đầu trong lĩnh vực tuyển dụng trực tuyến tại Việt Nam. Anh còn được biết đến như là một chuyên gia tinh tường và máu lửa trong việc huấn luyện kỹ năng lãnh đạo và phát triển tiềm năng con người. |
Xem thêm chuỗi bài viết từ anh Tăng Trị Trọng:
Bài viết 1: Hành trình vượt sóng thành công của VietnamWorks trong đại địch COVID 2021
Bài viết 2: Công thức tuyển dụng thành công nhân viên kinh doanh (Sales)
Bài viết 3: Nhân sự kỷ nguyên mới cần có 3 chữ “HI”: HI TOUCH – HI TRUST – HI TECH
Bài viết 4: Công thức giúp nhà lãnh đạo phát huy tối đa năng lực của nhân viên
Bài viết 5: Giữ chân nhân tài đội ngũ Sales
Bài viết 6: Khai phá và phát huy năng lực ảnh hưởng
Bài viết 7: Để có đội ngũ tư vấn bán hàng chuyên nghiệp
Bài viết 8: Khi chính sự từ chối cũng mang lại ‘doanh số’
Bài viết 9: Sales không phải là nghề đi xin, mà là đi cho
Bài viết 10: Người kiến tạo thành công đột phá
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.