Có nhiều người cho rằng khi nghỉ việc ở công ty cũ thì đồng nghĩa với việc cắt đứt những mối quan hệ với đồng nghiệp cũ vì họ cho rằng những mối quan hệ này không có tác dụng trong công việc. Vậy, lợi ích của việc giữ mối quan hệ với đồng nghiệp cũ sau khi nghỉ việc và cách giúp bạn giữ vững mối quan hệ với đồng nghiệp cũ.
Lợi ích của việc giữ mối quan hệ với đồng nghiệp ngay cả khi nghỉ việc
Một quan hệ tốt với đồng nghiệp không chỉ mang tới cho bạn nhiều lợi ích trong quá trình làm việc hay khi bạn đã nghỉ việc. Trong quá trình còn làm việc, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp giúp bạn giải quyết, chia sẻ những công việc quá tải, giúp đỡ bạn hoàn thành các nhiệm vụ khó khăn hay có thể cùng tán gẫu trong giờ nghỉ giải lao. Đồng thời, mối quan hệ tốt với đồng nghiệp còn giúp bạn tập trung vào các cơ hội để phát triển sự nghiệp thay vì tiêu tốn thời gian và năng lượng cho những vấn đề mà mối quan hệ tiêu cực mang lại.
Không chỉ thế, việc giữ liên lạc không chỉ về tình bạn nơi công sở, mà vấn đề này cũng rất quan trọng để giữ mối quan hệ tốt với đồng nghiệp vì lý do nghề nghiệp. Họ có thể là người giới thiệu cho bạn một việc làm mới thú vị hơn, nhiều chế độ tốt. Hay họ có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề ở chỗ làm mới. Thậm chí, khi bạn đi xin việc, nhà tuyển dụng có thể sử dụng mục tham khảo trong hồ sơ cá nhân của bạn để kiểm tra về thái độ làm việc hay những kinh nghiệm đã có, vậy nên, bạn cũng cần hòa đồng với mọi người, chăm chỉ làm việc để khi nhà tuyển dụng kiểm tra, thì những đồng nghiệp sẽ là người nói tốt cho bạn.
Các cách giúp bạn giữ vững mối quan hệ với đồng nghiệp cũ ngay cả khi nghỉ việc
Gặp gỡ ngoài giờ làm việc
Việc bạn rời đi, bạn bắt đầu có một cuộc sống mới và kế hoạch của bạn cũng bị thay đổi dần nhưng kế hoạch và thời gian của đồng nghiệp của bạn vẫn vậy. Và, nếu bạn ngượng ngùng không liên lạc với đồng nghiệp vì lo làm phiền họ thì mối quan hệ của các bạn sẽ không còn khăng khít như xưa. Vậy nên, đừng ngần ngại mà giữ liên lạc với họ bằng cách gặp gỡ nhau trước và sau khi làm việc. Bạn và đồng nghiệp cũ có chung sở thích đi bộ hay tập gym vào buổi sáng, việc đi tập thể dục một mình sẽ rất chán, bạn có thể liên hệ với đồng nghiệp cũ và hẹn họ cùng đi tập thể dục với nhau.
Hãy cố tận dụng những buổi sáng sớm để giữ mối quan hệ bạn bè trong công việc. Bắt chuyện với đồng nghiệp cũ, rủ họ cùng nhau đi làm hay đi uống cà phê vào cuối tuần. Nếu như văn phòng làm việc của bạn gần với công ty cũ, bạn có thể yên tâm gặp gỡ bạn cũ ở đó, hoặc trong giờ nghỉ trưa và bạn có thể cùng đi ăn trưa với họ, hay thậm chí, bạn có thể giới thiệu bạn bè mới ở chỗ làm mới với đồng nghiệp cũ. Nếu như bạn là dân cú đêm, bạn có thể tận dụng tối đa sau giờ làm việc, rủ họ đi uống ở quán bar quen thuộc. Sẽ không thiếu cách giúp bạn tận dụng tối đa thời gian để gặp gỡ họ, chỉ cần sắp xếp lịch nghỉ ngơi hợp lý để bạn có thể lên kế hoạch với đồng nghiệp cũ của bạn.
Tìm điểm chung mới
Mỗi người đều thay đổi theo thời gian, bạn không thể duy trì mãi một tình bạn dựa trên những điểm chung mà bạn đã từng có. Nếu như lúc trước, bạn với đồng nghiệp kết nối với nhau bằng công việc, thì hiện tại bạn có thể tìm cách kết nối với đồng nghiệp cũ bằng những điều mà cả hai cùng quan tâm, như: thể loại phim, cuốn sách, game,…
Tìm bất cứ điều gì đó và tập trung vào chúng thay vì chỉ nói chuyện với nhau về công việc dù các bạn đã từng làm việc với nhau. Hãy hạn chế nói về công việc của cả hai vì họ không muốn nghe bạn đã thuyết trình như thế nào và buổi họp của sếp bạn đưa ra những ý tưởng gì,..
Không nên thể hiện sự tiêu cực của bạn về công ty cũ
Nếu bạn rời công việc bởi những điều bất mãn với công việc hay sếp của bạn thì khi nghỉ việc, bạn vẫn còn một số cảm xúc tiêu cực với nơi làm việc cũ. Khi bạn còn làm ở công ty cũ, bạn với đồng nghiệp làm việc cùng nhau và cả hai đều có những cảm xúc bất mãn với công việc. Vậy nên, khi bạn vẫn còn chơi với đồng nghiệp cũ, hãy cố gắng không thể hiện những cảm xúc bất mãn về công ty mà họ vẫn đang làm việc. Bạn có thể lắng nghe họ than thở về công ty, về công việc nhàm chán mà họ đang làm. Nhưng, bạn cần lưu ý không nên nói về môi trường công việc mới của bạn tuyệt vời ra sao hay nhắc về những sai lầm của đồng nghiệp trong công việc hiện tại. Dù bạn chỉ muốn xoa dịu họ nhưng đó là cách không nên cân nhắc và khó để phát triển bền vững một mối quan hệ.
Xem thêm: Sếp nên làm gì khi nhân viên gặp “khủng hoảng sự nghiệp”?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.