Khi nhận được câu hỏi “Hãy giới thiệu về bản thân”, điều mà bạn suy nghĩ đến là gì? Ắt hẳn tâm trí của bạn có vô số ý nghĩ hình thành như “Có nên kể tiểu sử về cuộc đời mình không?”, “Làm sao để nói về lịch sử công việc?”, “Có nên nói về sếp cũ?”, “Có nên chia sẻ sở thích của mình?”… Hãy nhớ rằng bạn tham gia một buổi phỏng vấn xin việc, điều mà nhà tuyển dụng chú ý đến chính là độ phù hợp của bạn dành cho công việc. Những chia sẻ dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn trọng việc trả lời câu hỏi giới thiệu bản thân một cách hoàn hảo.
Một câu trả lời hoàn chỉnh bao gồm những ý gì?
Ngoài các thông tin cơ bản như tên tuổi, chuyên ngành, một lời giới thiệu bản thân hấp dẫn nên thể hiện những điều sau:
- Khả năng của bạn thích ứng với công việc. Nhà tuyển dụng luôn muốn biết khả năng và tiềm năng của bạn khi thực hiện công việc. Vì thế hãy làm nổi bật những kinh nghiệm, kỹ năng và thành tích liên quan đến vị trí ứng tuyển hoặc đề cập đến các chương trình thực tập, khóa học các hoạt động ngoại khóa liên quan đến công việc.
- Hãy thể hiện sự hào hứng của bạn với công việc. Quá trình tuyển dụng và đào tạo nhân lực mới khá tốn kém vì thế nhà tuyển dụng luôn muốn tuyển những người thực sự có đam mê và tiềm năng cho công việc.
Và nếu được nhận một lời mời giới thiệu từ chính nhân viên trong công ty, hãy đề cập điều này với nhà tuyển dụng. Việc này sẽ giúp bạn trở nên đáng tin cậy hơn rất nhiều trong mắt nhà tuyển dụng.
Trả lời câu hỏi như thế nào?
- Liệt kê các kỹ năng quan trọng. Dựa vào phần mô tả công việc để lựa chọn các kĩ năng phù hợp và giới thiệu nó. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy bạn là người phù hợp với công việc.
- Lập một dàn ý cụ thể cho câu trả lời. Hãy suy nghĩ về những điều mà nhà tuyển dụng muốn nghe. Sử dụng những câu hỏi như: Bạn là ai? Tại sao bạn lại muốn làm việc cho công ty này? Những kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn khiến bạn đủ điều kiện để làm việc ở đây? Bạn hy vọng đạt được điều gì trong sự nghiệp? để tạo ra phần giới thiệu của bạn.
- Viết ra và chỉnh sửa. Viết phần giới thiệu của bạn ra giấy bắt đầu bằng các chi tiết cơ bản về bản thân (bạn là ai?), sau đó chuyển sang kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn và kết thúc bằng các mục tiêu nghề nghiệp chính. Bên cạnh đó, hãy nhớ rút ngắn lời giới thiệu bởi nhà tuyển dụng chỉ muốn có một cái nhìn tổng quan nhanh về con người bạn.
- Tập luyện. Hãy tập luyện phần giới thiệu của bạn cho đến khi nghe có vẻ tự nhiên như đang trò chuyện.
Một số điều nên biết trong quá trình giới thiệu bản thân
- Hãy mỉm cười và tỏ ra thoải mái trong buổi phỏng vấn. Dù bạn phỏng vấn vị trí gì thì một nụ cười nhẹ nhàng cũng sẽ giúp cho buổi phỏng vấn thêm nhẹ nhàng, dễ gần và hứng khởi. Vì thế đừng tiết kiệm chúng.
- Một ánh mắt có sắc thái và tự tin là cái bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn, bạn nên có nó trong cuộc phỏng vấn (trước khi đi phỏng vấn nên ngủ sớm, hạn chế để mắt mệt mỏi). Trong quá trình giới thiệu bản thân nói riêng và phỏng vấn nói chung, nên nhìn bao quát tất cả nhà tuyển dụng chứ không nên chỉ chăm chăm nhìn vào người ngồi giữa hoặc người hỏi.
- Giữ thái độ lạc quan. Ngay cả khi bạn cảm thấy lời giới thiệu của mình không được trơn tru như khi luyện tập ở nhà, hãy nhớ rằng bạn đã được mời phỏng vấn vì bạn đáp ứng đủ tiêu chí cho công việc. Đừng đánh giá thấp bản thân vì những điều nhỏ nhặt mà bạn đã làm hoặc nói, thay vào đó hãy tập trung vào những gì mà bạn đã làm tốt.
Những lưu ý cần trong quá trình trả lời câu hỏi giới thiệu bản thân
- Tránh kể các chi tiết cá nhân và không cần thiết. Mặc dù hỏi về bản thân bạn nhưng người phỏng vấn không hỏi bạn về cuộc sống cá nhân, vì vậy đừng đưa ra câu trả lời mang tính chất quá riêng tư. Tránh bắt đầu với thông tin về sở thích, tình trạng hôn nhân, hoàn cảnh sống hoặc đặc biệt là các quan điểm sống. Bởi không có điều nào trên đây liên quan đến việc bạn có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của vai trò ứng tuyển như thế nào.
- Hướng câu trả lời vào vai trò công việc và công ty. Khi đề nghị bạn nói về bản thân, người phỏng vấn muốn biết rằng điều gì đã đưa bạn đến với công việc này, một số phẩm chất khiến bạn trở nên nổi bật và là người phù hợp nhất với cho vị trí ứng tuyển. Do đó, hãy tập trung vào bốn vấn đề sau trong câu trả lời của bạn: Kiến thức và kỹ năng gần đây nhất mà bạn áp dụng vào công việc là gì? Điều gì khiến bạn muốn công việc này? Khả năng của bạn cho công việc này ra sao? và Điều gì làm cho bạn quan tâm đến công ty? Để làm được điều này, bạn cần dành một chút thời gian tìm hiểu kỹ bản mô tả công việc và nghiên cứu công ty một cách kỹ lưỡng.
- Đừng lặp lại CV. Hãy giữ cho lời giới thiệu của bạn ngắn gọn, súc tích và trong đó nêu đưa ra những điểm thu hút nhất nhằm tạo tiền đề thúc đẩy nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về bạn nhiều hơn.
- “Cần cá biệt hóa” bản thân. Sẽ thật nhàm chán nếu bạn copy của ai đó một phần giới thiệu mẫu được cho là Ấn tượng và sử dụng nó trong buổi phỏng vấn của mình. Bạn thử đặt mình vào vị trí Nhà tuyển dụng, một ngày phỏng vấn 20-30 bạn, bạn nào cũng có một format y hệt nhau, nội dung na ná. Thật nhàm chán. Bạn có thể tham khảo của người khác nhưng cần biết cá biệt hóa thành của mình. Làm nổi bật những điểm mạnh và khả năng của mình. Ngoài ra, với các vị trí phỏng vấn khác nhau thì cần có sự thể hiện khác nhau cho phù hợp với yêu cầu của từng vị trí.
Trong mỗi buổi phỏng vấn thì câu hỏi về giới thiệu bản thân được xem là câu hỏi phổ biến nhất bởi vì nhà tuyển dụng cần biết bạn là ai. Họ muốn biết lý do tại sao bạn là một ứng cử viên phù hợp cho vị trí ứng tuyển. Vì vậy hãy cố gắng trả lời các câu hỏi về bản thân một cách ngắn gọn và súc tích, tránh dài dòng và kể lể quá nhiều điều không liên quan đến công việc nhé!
>> Xem thêm: Trả lời sao khi nhà tuyển dụng hỏi: Điểm yếu của bạn là gì?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.