1. Giao tiếp tốt có thể giúp bạn xoay chuyển càn khôn
Giao tiếp là một kỹ năng quan trọng trong đời sống và công việc hàng ngày. Người có khả năng giao tiếp tốt sẽ dễ dàng thâu tóm được lòng người và thành công trong mọi việc. Vì thế, không phải tự nhiên người ta luôn xem giao tiếp là bậc thầy của các loại kỹ năng. Chính vì thế, các trường đại học cũng dần đem bộ môn này vào các môn học giảng dạy ở ghế nhà trường.
Vậy thế nào là giao tiếp thành công?
Cuộc giao tiếp thành công khi bạn biết mình nói gì và người tiếp nhận thông tin nắm bắt được thông tin bạn muốn truyền tải. Mặt khác, cuộc giao tiếp thành công có sự phản hồi qua lại hai chiều. Nó giúp bạn mở rộng các mối quan hệ trong công việc và nhận được sự yêu mến từ người khác.
Ngày nay, khả năng giao tiếp là yếu tố quan trọng hàng đầu được nhiều doanh nghiệp quan tâm và yêu cầu ứng viên cần phải có. Cách giao tiếp thông minh còn giúp người khác đánh giá cao về năng lực của bạn. Mỗi người có mức độ giao tiếp khác nhau. Đó là cả quá trình rèn luyện và không ngừng cố gắng cải thiện kỹ năng của mình. Nếu bạn hiểu rõ và sử dụng kỹ năng này thành thạo sẽ trải nghiệm được cuộc sống phong phú và thuận lợi về mọi mặt từ cuộc sống lẫn công việc.
2. Bí quyết thành công trong giao tiếp
Người xưa nói “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Lời nói rất quan trọng, nó góp phần ảnh hưởng trực tiếp giúp cuộc giao tiếp của bạn thành công hoặc thất bại. Trong đó, người khôn ngoan nên nắm vững những bí quyết giao tiếp sau:
Học cách nói “Cảm ơn”
Bất cứ những ai giúp đỡ hay cho ta một trải nghiệm mới mẻ đều là người ơn của ta. Hãy biết ơn từ những điều nhỏ nhặt nhất và đừng quên nói “Cảm ơn” khi được người khác giúp đỡ. Đó là phép lịch sự tối thiểu và giúp người khác thấy được sự trân trọng của bạn khi tiếp nhận sự hướng dẫn từ họ.
Biết ơn cũng là thái độ sống tích cực. Bạn không những cần biết ơn với người giúp đỡ mình, bạn cần biết ơn với người gây khó khăn cho mình. Cám ơn vì họ đã cho bạn cơ hội xử lý tình huống khó để tạo cơ hội cho bạn phát huy hết khả năng. Cám ơn vì lời nói chê bai đã tạo động lực cho bạn tiến bộ hơn.
Dù là người ơn hay kẻ đối xử xấu đều đem lại cho bạn những bài học quý giá. Bạn cần mở lòng và sống với trái tim biết ơn để cảm nhận đầy đủ hương vị của cuộc sống. Vì thế, học cách biết ơn với ai đó cũng là nghệ thuật tuyệt vời trong giao tiếp..
Học cách xin lỗi
Khi làm sai, nhiều người có xu hướng đùn đẩy trách nhiệm và trốn tránh không đối mặt với lỗi lầm của mình. Điều này gây cảm giác khó chịu đối với người khác. Nó làm hình ảnh của bạn xấu xí và trở thành kẻ vô trách nhiệm. Bất kỳ ai đối mặt với kiểu người này điều không có được thiện cảm tốt. Trong công việc, nói xin lỗi đúng lúc cũng là cách giúp ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra. Có câu “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Vì thế, nhận lỗi đúng lúc còn thể hiện bạn là người có cách nhiệm với việc làm của mình. Trong nhiều tình huống, nhận lỗi còn là cách xoa dịu vấn đề.
Nếu trưởng phòng cần số liệu của bạn để hoàn thành báo cáo gấp, việc chậm trễ của bạn ảnh hưởng đến tiến độ công việc của họ. Bạn chắc chắn phải đối mặt với cơn thịnh nộ của sếp. Nhưng chỉ cần nói “Xin lỗi” và cam kết thực hiện ngay sẽ giúp đối phương dễ chịu và cố gắng cho bạn chút thời gian để hoàn thành công việc. Căng thẳng trong tình huống này chỉ khiến bạn mất điểm và nhận lại đánh giá thấp từ cấp trên của mình. Có thể thấy, lời xin lỗi đặt đúng tình huống cũng là cách giao tiếp khôn khéo trong công việc.
Học cách nói “Không” khi cần thiết
Đã bao giờ bạn cảm giác mình như tay sai vặt của mọi người chưa? Nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này? Nó bắt nguồn từ việc bạn quá dễ dãi trước mọi lời đề nghị. Dù rảnh hay công việc bận rộn đến đâu, bạn cũng sẵn sàng nhận giúp đỡ và chịu phần thiệt về phía mình. Lâu ngày, nó sẽ trở thành điều hiển nhiên. Bạn sẽ trở thành tay sai đúng nghĩa của cả phòng ban mình.
Để giải thoát khỏi tình trạng này, hãy học cách nói “không” khi cần thiết. Nếu lời đề nghị giúp đỡ vượt quá giới hạn hoặc bạn không đủ thời gian thực hiện, hãy từ chối nó. Thái độ kiên quyết và nói rõ nguyên nhân không thể giúp đỡ sẽ giúp đối phương hiểu ra và tìm giải pháp khác.
Lựa lời khen đối phương
Chúng ta luôn thích được người khác khen ngợi. Khi nhận được lời khen, tinh thần sẽ phấn chấn và cảm thấy mình có ích trong cuộc sống. Chính vì thế, lời khen là phương pháp hữu hiệu giúp kéo gần khoảng cách trong giao tiếp. Bạn có thể khen từ những điều đơn giản nhất như: “Chiếc đầm hôm nay bạn mặc đẹp quá, Hôm nay nhìn mặt tươi quá, Công việc này bạn xử lý khéo quá,…” Lời khen có công dụng như lời khích lệ giúp người khác vui vẻ và cảm thấy yêu đời hơn.
Tuy nhiên, người nghe vẫn biết phân biệt rõ qua từng câu nói của bạn. Không nên khen quá lố vượt qua với thực tế. Hãy để tâm đến từng chi tiết nhỏ, tìm ra điểm mới lạ để khen. Lời khen giả dối sẽ gây phản tác dụng và biến bạn thành kẻ thảo mai với cái đầu rỗng tuếch.
Sự nghiệp phát triển rực rỡ không chỉ dựa vào năng lực mà còn có sức ảnh hưởng từ khả năng giao tiếp của bạn. Nhất là phải đối mặt với đồng nghiệp và cấp trên mỗi ngày, giao tiếp khéo léo giúp bạn được lòng mọi người và thuận lợi hơn trong công việc. Hãy học cách giao tiếp thông minh và biến nó thành công cụ giúp bạn thăng tiến nhanh chóng hơn nhé.
>> Xem thêm: 5 cách giúp xóa nhòa khoảng cách thế hệ nơi công sở
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.