Hạnh phúc là thứ nhiều người phải dành cả cuộc đời đi tìm cũng chưa chắc đã thấy. Nhưng theo giáo sư Ashley Whillans từ Đại học Harvard, đôi khi hạnh phúc có thể đến theo cái cách cực kỳ đơn giản, miễn là bạn… chịu chi.
Nói một cách chính xác, quan điểm của Whillans là hạnh phúc chỉ đơn giản là khi bạn có thời gian dành cho bản thân, để làm những gì mình thích. Ở đây, việc chi tiền có nghĩa: bạn dùng tiền để giải quyết những việc khiến bản thân cảm thấy căng thẳng và tốn thời gian.
Cụ thể, quan điểm này được đưa ra tại một buổi phát thanh ở Harvard. Trong đó, Whillans cho biết chúng ta hoàn toàn có thể đổi tiền để mua thời gian rảnh, và rồi khiến bản thân được hạnh phúc hơn.
Ngoài ra, tiền còn có thể mua được trải nghiệm: “Bạn dùng tiền để khiến các trải nghiệm tiêu cực – đến từ việc dọn dẹp, giặt quần áo, rửa bát… – biến mất,” – cô cho biết. Như khi chấp nhận chi trả cho một căn hộ đắt tiền hơn nhưng gần nơi làm việc, thì trải nghiệm khó chịu vì tắc đường lúc đi làm cũng không còn.
Theo nghiên cứu của Whillans, việc chi tiền để mua thời gian thực sự có thể giúp chúng ta cảm thấy thoải mái và sống hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, sẽ có một số thứ kìm nén hành động này, và thường đó là vấn đề tâm lý.
“Trong nghiên cứu, tôi thấy các ứng viên thực sự cảm thấy tội lỗi khi chi tiền cho những việc đó, dù họ chỉ đang bỏ tiền ra để mua lấy thời gian mà họ kiếm được thôi.” – Whillans cho biết.
Việc phải trả tiền cho ai đó để họ nấu nước, giặt và gấp quần áo… có thể vô tình tạo ra một gánh nặng cho tâm lý. Nhiều người sẽ có cảm giác như đang thể hiện rằng mình không có khả năng làm những việc “đơn giản” ấy, mà phải thuê người giúp vậy.
Cách tốt nhất để đối phó với cảm giác này là tập trung hơn vào những gì bạn thu lại được khi chi tiền ra. Việc có thời gian để nghỉ ngơi sau một tuần làm việc là thực sự có ý nghĩa.
“Việc loại bỏ được các công việc ngốn thời gian chỉ bằng cách chi ra một ít tiền có thể giúp chúng ta lên kế hoạch cho cuộc sống tốt hơn. Nếu sẵn sàng chấp nhận khoản tiền đó, bạn nên đảm bảo rằng mình tận hưởng khoảng thời gian rảnh có được một cách thật ý nghĩa“ – Whillans kết luận.
— HR Insider / Theo Cafef —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.