Ghi chép nhật ký chi tiêu
Thử ghi chép lại những khoản chi tiêu hằng ngày trong tầm 1 tháng. Cách này giúp bạn tìm hiểu được thói quen chi tiêu của bản thân. Nhất là Gen Z mới ra trường, kiếm được thu nhập nên chưa kiểm soát được thói quen chi tiêu khi nhận lương. Lưu ý, không nên kiểm soát hay tiết kiệm trong giai đoạn tìm hiểu thói quen chi tiêu này bạn nhé.
Phân loại những khoản chi theo từng hình thức thanh toán như tiền mặt, thẻ ATM, thanh toán online, thẻ tín dụng… Nhớ giữ lại những hóa đơn tiền nhà, tiền điện nước, tiền internet, tiền mua sắm… Tới cuối tháng, bạn sẽ tổng kết được bản thân đã chi tiêu bao nhiêu và cho những khoản nào.
Phân khoản chi theo hạng mục
Từ nhật ký chi tiêu, bạn phân các khoản chi theo từng nhóm hạng mục. Điển hình có thể kể đến là các nhóm hạng mục chi tiêu phổ biến với Gen Z hiện nay gồm:
– Tiền thuê nhà.
– Điện nước, internet, xăng xe, điện thoại.
– Tiền ăn uống.
– Nhu yếu phẩm.
– Ăn ngoài, cafe, tụ tập bạn bè, phát triển các mối quan hệ…
– Mua sắm quần áo, mỹ phẩm…
– Tiết kiệm.
Lập kế hoạch chi tiêu
Phân bổ thu nhập vào những hạng mục vừa chia theo tỷ lệ phần trăm trong 1 tháng, sao cho hợp lý nhất. Có thể lập bảng có 2 cột gồm “Dự tính” và “Thực tế”. Theo đó, cột “Dự tính” điền số tiền bạn muốn dành cho khoản chi đó. Còn cột “Thực tế” điền số tiền chi tiêu thực tiễn.
Thường các bạn Gen Z dành tầm 2/3 thu nhập cho 3 nhóm hạng mục thiết yếu là nhà ở, thực phẩm, đi lại. 1/3 còn lại để mua sắm, giải trí, tiết kiệm và trả nợ nếu có. Nếu số tiền chi tiêu thực tế lớn hơn nhiều so với dự tính trong thời gian dài, hãy điều chỉnh dần để có sự hợp lý như dự tính ban đầu bạn nhé.
Mẹo chi tiêu hợp lý và tiết kiệm
Tập tính tiết kiệm
Thói quen chi tiêu “hào phóng” không kiểm soát và lãng phí khiến Gen Z hay hỏi “lương đâu” vào cuối tháng. Nếu không tập được tính tiết kiệm, dù lương cao đến đâu vẫn sẽ bị thâm hụt. Vậy nên hãy rèn dần thói quen tiết kiệm, và không chi tiêu vào những khoản không cần thiết bạn nhé.
Chẳng hạn, có thể tự nấu ăn thay vì ăn tiệm. Hoặc hạn chế những cuộc hẹn giao lưu bạn bè xã giao không cần thiết. Hay kiềm chế tính mua sắm ngẫu hứng quá tay…
Bên cạnh đó, dành ra một khoản nhỏ để tiết kiệm tích lũy ngay từ hôm nay. Mỗi tháng chỉ cần trích một số tiền nhỏ cho vào quỹ tiết kiệm, sau một năm bạn có thể để dành được một khoản tiền kha khá. Số tiền tiết kiệm “phòng thân” này rất hữu ích cho những trường hợp cần thiết cấp bách như bệnh tật, thất nghiệp, sự cố phát sinh…
Tìm cách tăng thu nhập
Tranh thủ thời gian rảnh làm thêm công việc phụ để tăng nguồn thu nhập bạn nhé. Gen Z có sức trẻ, sự năng động và thời gian, nên rất nhiều công việc parttime cho bạn chọn. Phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến là shipper, bán hàng online, Youtuber, TikToker…
Giảm chi phí ăn ở
Các bạn Gen Z thường chưa đủ tiền để mua nhà riêng. Vậy nên nếu phải thuê nhà, hãy chọn khu vực xa trung tâm thành phố và có diện tích nhỏ giúp giảm chi phí nhà trọ. Có thể ở ghép với người khác để chia bớt tiền thuê nhà bạn nhé.
Về khoản ăn uống, không nên cắt giảm bữa ăn kẻo ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, bạn có thể tự nấu ăn và mang cơm đi làm để tiết kiệm tiền ăn tiệm. Mất thời gian và công sức nhưng bù lại đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm ngân sách tối đa.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ Gen Z hiện nay có thói quen hay uống cafe, trà sữa, ăn thức ăn nhanh… Cũng như thích gặp mặt bạn bè đi ăn uống ngoài tiệm. Những khoản chi này nếu tổng kết lại thường là số tiền khá lớn, nhưng lại không phải khoản chi thiết yếu. Vậy nên hãy hạn chế những khoản không thực sự cần thiết bạn nhé.
Thanh lý đồ cũ
Bạn nên thanh lý những món đồ cũ như quần áo, túi xách, giày dép, đồ đạc trong nhà… Thanh lý đồ cũ không chỉ giúp tiết kiệm không gian nhà ở, mà còn tăng thêm khoản thu nhập nhỏ cho bạn.
Dùng cẩn thận, học sửa chữa, tái sử dụng đồ đạc
Sử dụng đồ đạc cẩn thận và bảo quản kỹ lưỡng giúp hạn chế sự hư hỏng, kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Cách này giúp tiết kiệm tiền tối ưu nhờ không phải chi khoản mua đồ đạc mới hay sửa chữa khi hư hỏng.
Học cách tự sửa chữa đồ đạc cơ bản giúp bạn tiết kiệm kha khá số tiền thuê thợ sửa. Chẳng hạn như tự sửa bóng đèn, máy quạt, ống nước…
Ngoài ra, tái sử dụng đồ đạc giúp bạn không phải mua sản phẩm bên ngoài. Đừng vội vứt bỏ chai nhựa, lọ thủy tinh hay quần áo cũ… Thay vào đó, có thể tái chế thành chậu cây, hộp đựng đồ, kệ decor… bạn nhé.
“Săn” ưu đãi
Dịp lễ Tết, các cửa hàng thường tung chương trình ưu đãi hấp dẫn. Mua sắm vào các dịp này giúp bạn “săn” được hàng giảm giá với chất lượng tốt. Nhưng đừng để trở thành “con nghiện shopping”, nhất là các bạn Gen Z thích mua sắm. Chỉ nên mua sản phẩm nào thực sự cần thiết thôi bạn nhé.
Trên đây là TOP giải pháp bớt rầu cho Gen Z hay hỏi lương đâu. Quản lý chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả giúp bạn dự phòng được khoản tiền cho nhiều tình huống phát sinh. Chẳng hạn bệnh tật, thất nghiệp, giúp đỡ người thân lúc khó khăn… Áp dụng những giải pháp trên ngay hôm nay để không phải hỏi “lương đâu” khi vừa mới nhận bạn nhé.
Xem thêm: Thị trường bất ổn, Fresher có nên nép mình khi deal lương?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.