Học, học nữa, học mãi!
Khác với những nghề nghiệp khác chỉ cần yêu cầu độ am hiểu về mặt chuyên môn nghiệp vụ, nghề nhân sự lại đòi hỏi kiến thức đa lĩnh vực từ chính trị, pháp luật, kinh doanh, xã hội,… Bởi tính chất là một nghề nghiệp không giới hạn nên người làm nhân sự luôn phải không ngừng nghiên cứu, tìm tòi từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau để có thể bồi dưỡng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực vững mạnh cho công ty. Việc học hỏi không ngừng là yêu cầu tiên quyết để một nhà quản lí nhân sự tồn tại và phát triển.
Yêu công ty, thương đồng nghiệp!
Làm nghề nhân sự là làm về con người và tiếp xúc chủ yếu với con người. Hãy tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp và thường xuyên cởi mở, tiếp xúc với môi trường làm việc xung quanh mình. Nhà quản lí nhân sự chính là “đại diện” văn hóa của công ty. Do đó, khi bạn có thể tạo dựng được cầu nối giữa bản thân với nhân viên, việc truyền đạt thông tin cũng sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn bao giờ hết.
Khách quan như “Bao Công”!
Người làm nghề nhân sự chính là trung gian liên lạc giữa công ty và nhân viên các cấp. Họ là người truyền đạt chính sách của công ty đến tập thể nhân viên. Do đó, hãy lưu ý luôn luôn giữ vững thái độ trung lập tỉnh táo, phải cân bằng, sao cho hài hoà giữa quyền lợi, nghĩa vụ của công ty và quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, nếu thiên về một bên nào đó cũng sẽ trở nên bất lợi đối với người làm nghề nhân sự.
Có công mài sắt, có ngày nên kim!
Nghề nhân sự luôn luôn phải vượt qua chính mình, thể hiện cho tập thể người lao động, cho Ban lãnh đạo công ty. Đó là lí do không phải ai cũng thành công khi mới khởi điểm vào nghề. Để tạo dựng được lòng tin ở con người, nhà quản lí nhân sự luôn phải nỗ lực không ngừng mỗi ngày từ việc học tập đến việc thể hiện khả năng lãnh đạo của mình. Tỉ lệ đào thải ở ngành nhân sự vô cùng cao. Nếu bạn không đủ cố gắng, bạn bảo thủ trước những thay đổi mới, bạn sẽ không thể tồn tại ở một công ty quá lâu!
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!
Để các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhất, bộ phận HR phải đảm bảo khả năng dàn xếp, hòa giải và thương lượng ổn thỏa với các cá nhân đa dạng trong một tập thể. Bên cạnh đó, để hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi một chuyên gia nhân sự phải có kỹ năng quản lý xung đột và xoa dịu căng thẳng trong những tình huống mâu thuẫn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quyền lợi hay lơi ích của cá nhân. Hãy cố gắng linh hoạt, chủ động trong việc dàn xếp các vấn đề, các xung đột mâu thuẫn về tính cách giữa các nhân viên, hoặc mềm dẻo nhưng vẫn đủ cứng rắn để thỏa thuận với họ về các điều khoản hay quy định ở công ty.
Trở thành một nhà quản lý nhân sự tài ba không quá khó, nhưng bạn phải đủ kiên trì và nỗ lực mỗi ngày để đạt được thành tựu này! Không ai thành công ngay từ những bước đi đầu tiên, hãy “bỏ túi” ngay những lời khuyên hữu ích trên để luôn sẵn sàng cho hành trình dấn thân vào nghề nhân sự phía trước. Đừng quên theo dõi chuyên mục Giải Mã Ngành kì tới để vén màn bí mật một ngành nghề cực hấp dẫn nữa nhé!
Series Giải mã ngành |
Những câu chuyện thực tế tại chốn “nương thân”, những tâm sự mỏng thầm kín được HRInsider gom nhặt từ các anh hùng bốn phương đa ngành để viết nên chuỗi Series “Giải mã ngành”, giải bày nỗi lòng và truyền đạt bí kíp sống “dĩ hòa vi quý” cho tất cả các môn phái nơi kinh thành.
|
Tìm hiểu ngay những công việc Nhân sự với mức lương cực hấp dẫn tại VietnamWorks.com
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.