Đối chiếu với hành trình sự nghiệp, khi gặp thất bại bạn có bao giờ đổ lỗi cho số phận? Liệu nguyên nhân thực tế có đúng là như thế, đọc tiếp bài viết sau.
Ma trơi là gì?
Theo Wikipedia: “Ma trơi là những đám lửa sáng lập lòe được nhìn thấy vào ban đêm ngoài những khu nghĩa trang. Thực tế, ma trơi được tạo nên từ hợp chất photpho có trong xương người và sinh vật. Khi thoát ra, gặp không khí ở điều kiện nhất định, hợp chất này sẽ bốc cháy thành các đốm lửa nhỏ, lập lòe.”
Khi gặp ma trơi, mọi người thường hoảng loạn và bỏ chạy, và càng hoảng sợ hơn nữa khi thấy ngọn lửa bắt đầu bay theo. Hiện tượng này xảy ra bởi lẽ khi chúng ta chạy sẽ tạo ra một luồng gió khiến đốm lửa chuyển động, do đó, càng chạy nhanh, ta sẽ thấy ma trơi đuổi theo càng nhanh. Vậy, khi gặp hiện tượng này, bạn cần giữ sự bình tĩnh, xem nó như một điều bình thường và bước đi một cách nhẹ nhàng.
Nhìn thấy ‘’ma trơi’’ khi gặp thất bại trong sự nghiệp
Đã bao giờ bạn cảm thấy bất lực vì mình đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn gặp thất bại? Bạn thấy mệt mỏi vì sự nghiệp của mình luôn gặp khó khăn, bế tắc. Hoặc trong công việc bạn luôn gặp vấn đề phát sinh khiến kế hoạch phải thay đổi. Tuy nhiên, thay vì nghiêm túc nhìn ra nguyên nhân của sự thất bại, bạn lại cho rằng mọi chuyện xảy ra tất cả đều do số phận, ý trời an bài. Điều này cũng giống như việc bạn nhìn thấy ‘’ma trơi’’ theo hướng tâm linh chứ không lý giải nó một cách khoa học vậy.
Ngoài ra, bạn có thấy ngọn lửa ‘’ma trơi’’ lập lòe của sự thất bại đang ám ảnh bạn? Khi bạn cho rằng bạn thất bại trong sự nghiệp là do số phận, xui xẻo, bạn sẽ có cảm giác sự thất bại như ‘’ma trơi’’ cứ mãi bám theo bạn, không thể nào thoát khỏi nó được.
Vì sao bạn lại nhìn nhìn thấy “ma trơi” của sự thất bại?
Không nhìn ra điểm hạn chế của bản thân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của một người trong công việc. Kết quả công việc có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh nhưng phần lớn nguyên nhân sẽ xuất phát từ khả năng làm việc người đó. Nếu dự án của bạn gặp thất bại, nguyên do có thể do phần lập kế hoạch, phân bố nguồn lực chưa hiệu quả. Hoặc trong quá trình làm việc bạn vẫn còn chủ quan khi nhìn nhận vấn đề, sự kiện hay thiếu sự chia sẻ với cấp trên, đồng nghiệp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm bạn đối mặt với thất bại. Nếu chỉ đổ lỗi tại số phận thì chắc chắn bạn sẽ không có cơ hội để cải thiện bản thân.
Tin rằng say “yes” là sẽ thành công
Có bao giờ bạn luôn cố gắng say “yes” với cơ hội mà quên xem xét lại năng lực của chính mình. Nếu có, cách đón nhận cơ hội này có thể đưa bạn đến bờ vực thất bại. Trong công việc, sẽ có những nhiệm vụ và dự án đòi hỏi chuyên môn đủ cứng, nếu không biết tự lượng sức chắc rằng bạn sẽ vướng phải bế tắc. Lúc này bạn sẽ khó lòng nhận ra nguyên nhân thất bại chính là do bản thân chưa đủ khả năng để đảm nhận công việc mà hoàn toàn cho răng là do yếu tố ngoại cảnh.
Có góc nhìn tiêu cực
Khi bạn có những góc nhìn tiêu cực sẽ rất dễ đắm chìm trong thất bại. Suy nghĩ tiêu cực làm bạn mất phương hướng trong công việc vì cho rằng thất bại là do “trời không độ”. Nó làm bạn mãi theo đuổi những công việc hào nhoáng nhưng không phù hợp và cứ thế chuỗi thất bại lại xảy ra.
Thực tế, nguyên nhân có thể là công việc hiện tại chưa phù hợp với thế mạnh của bạn. Có câu nói “Đừng đánh giá con cá qua khả năng leo cây”, nghĩa là mỗi người đều có những thế mạnh khác nhau và phù hợp với những công việc khác nhau. Nếu đánh giá con cá bằng kỹ năng leo cây thì chắc chắn nó là kẻ thất bại. Tương tự vậy, khi bạn muốn chạy theo số đông và có xu hướng chọn sai công việc, bạn sẽ rất dễ vướng phải bế tắc, thậm chí là thất bại.
Đâu là cách để vượt qua ngọn lửa ma trơi?
Chấp nhận và xác định nguyên nhân
Đôi khi bạn phải chấp nhận rằng bản thân sẽ vấp phải thất bại không ít lần trong hành trình phát triển sự nghiệp. Cách để trưởng thành nhanh nhất đó là đối mặt với vấn đề, bạn có thể buồn, khóc và thất vọng. Nhưng sau khi bình tĩnh, hãy dành thời gian đặt câu hỏi để xác định nguyên nhân chính dẫn đến thất bại:
- Có những yếu tố nào tác động đến sự thất bại?
- Quyết định nào trực tiếp dẫn đến thất bại
- Do mình chưa đủ nỗ lực hay cách làm chưa mang lại hiệu quả?
- Mình cần điều chỉnh và cải thiện điều gì?
Rút kinh nghiệm từ những thất bại
Hãy xem những lần thất bại là cơ hội để mình học hỏi để hoàn thiện bản thân. Tiếp theo, sau khi xác định vấn đề là rút ra bài học kinh nghiệm. Đặt câu hỏi cho bản thân nếu gặp lại tình huống tương tự bạn sẽ giải quyết như thế nào? Bạn sẽ cần đến ai trợ giúp? Hãy đặt các câu hỏi khó và hãy khắt khe với bản thân. Cách làm này sẽ giúp bạn có mục tiêu và định hướng rõ ràng, cũng như đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu bạn.
Đón nhận “feedback” có chọn lọc
Việc đổ lỗi cho số phận đôi khi xuất phát từ tâm lý sợ đón nhận “feedback” tiêu cực. Khi bạn thất bại, chắc chắn sẽ có người chỉ trích bạn. Đừng vội phản kháng, hãy xác định phản hồi họ đưa ra với mục đích gì.
Điều bạn cần làm là đón nhận những phản hồi mang tính xây dựng, các góp ý để bạn có cách làm việc tốt hơn, xử lý vấn đề hiệu quả hơn. Đối với những phản hồi mang tính hạ bệ, xem thường, điều cần làm là không để tâm đến. Vì mục đích cũng những lời này là ngăn cản sự phát triển của bạn. Do đó, không nên để những lời tiêu cực này của họ (dù nhiều lúc nghe như khuyên bảo) ảnh hưởng đến sự cố gắng và suy nghĩ tích cực của bạn
Chuẩn bị kế hoạch làm việc rõ ràng
Sau khi đã phân tích và hiểu được nguyên nhân vấn đề, hãy tạo ra những kế hoạch để vực dậy bản thân và sự nghiệp. Mục tiêu là trái tim của mỗi kế hoạch, do đó hãy đảm bảo bạn đã xác định rõ mục tiêu sự nghiệp. Thiết lập một kế hoạch cụ thể và rõ ràng giúp bạn tổ chức công việc hàng ngày và quản lý thời gian được hợp lý hơn. Cùng với đó bạn cũng sẽ dễ dàng kiểm soát được những rủi ro bất ngờ và kịp thời đưa ra giải pháp. Bạn có thể tham khảo 1 số ứng dụng hỗ trợ quản lý và lập kế hoạch hiệu quả như Notion, To Do List, Trello,…
Mọi thất bại trong cuộc sống khi xảy ra đều đem đến cho chúng ta những bài học quý giá. Do đó, khi gặp thất bại đừng vội che đậy hay chối bỏ, hãy nghiêm túc tìm kiếm nguyên nhân và rút kinh nghiệm là điều cần thiết. Hy vọng thông qua bài viết bạn đã hiểu rõ về những lý do thật sự khiến bạn vướng phải thất bại. Đừng để hiện tượng “Ma trơi” làm bạn mất niềm tin vào bản thân, bạn nhé!
Xem thêm: Sự nghiệp của bạn có bị “nhấp nháy”
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.