Tuy nhiên, việc đưa ra Employee Engagement Plan phù hợp với doanh nghiệp nhằm khuyến khích sự gắn bó cũng là một thử thách dành cho các nhà lãnh đạo. Hãy cùng VietnamWorks xem xét kỹ hơn về tầm quan trọng của Employee Engagement Plan, lý do tại sao lại nó quan trọng và cách đưa ra một bản kế hoạch hiệu quả qua bài viết sau.
1. Employee engagement plan là gì?
Employee Engagement Plan là một kế hoạch chi tiết và tổng thể được thiết kế để tăng cường mức độ gắn kết, sự hài lòng, và đóng góp tích cực của nhân viên trong môi trường làm việc. Kế hoạch này thường bao gồm các chiến lược, chương trình, và hoạt động nhằm tạo ra một môi trường làm việc tích cực, khích lệ sự phát triển cá nhân của nhân viên trong công việc.
2. Tại sao Employee Engagement Plan lại quan trọng?
Kế hoạch này sẽ là công cụ tuyệt vời để thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên trong tổ chức bằng việc giúp các nhà quản lý thực hiện những chiến lược gắn kết nhân sự một cách chặt chẽ và hợp lý. Một lý do khác khiến kế hoạch này đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển của công ty là nó được thiết kế dành riêng cho nhân viên của tổ chức đó và sẽ tập trung vào động lực thúc đẩy họ tham gia tích cực hơn tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, Employee Engagement Plan sẽ giúp đánh giá tình trạng hiện tại về mức độ gắn kết của nhân viên trong công ty và đề ra mục tiêu mà nhà quản lý mong muốn đạt được. Từ đó, họ có thể đưa ra kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với doanh nghiệp giúp đạt được những mục tiêu đã đề ra.
3. Lợi ích của sự gắn kết nhân viên trong doanh nghiệp
Tăng cường giữ chân nhân viên
Sự gắn kết của nhân viên đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân họ trong doanh nghiệp. Khi nhân viên cảm thấy gắn bó với tổ chức, họ có xu hướng ổn định và không muốn rời bỏ. Sự gắn kết còn tạo nên mối quan hệ sâu sắc giữa nhân viên với tổ chức khi họ nhận ra tiềm năng phát triển và được công nhận vì những đóng góp của mình cho doanh nghiệp. Điều này giảm tỷ lệ nghỉ việc và giữ chân nhân tài cho doanh nghiệp, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững để đạt được mục tiêu chung của tổ chức.
Nâng cao năng suất tại nơi làm việc
Nhân viên có mức độ gắn kết cao thường làm việc hiệu quả hơn và nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu tổ chức. Năng suất này bắt nguồn từ niềm đam mê với công việc, ý thức luôn nỗ lực không ngừng để cải thiện kết quả để đóng góp giá trị cho tổ chức.
Cải thiện sự hợp tác và giao tiếp nhóm
Sự gắn kết tạo ra một môi trường làm việc tích cực trong doanh nghiệp, nơi mà nhân viên có thể thoải mái chia sẻ ý kiến của mình và không ngần ngại đóng góp vào quá trình đưa ra quyết định quan trọng. Bên cạnh đó, khi họ trở nên nhiệt tình trong công việc thì sự hợp tác và giao tiếp trong một nhóm sẽ trở nên dễ dàng hơn vì họ sẽ có chung một mục tiêu cống hiến vào sự thành công của doanh nghiệp.
Tạo nên văn hóa làm việc tích cực
Sự gắn kết của nhân viên đóng góp vào việc tạo ra văn hóa làm việc tích cực, giúp xây dựng một nền tảng cho việc chia sẻ và thấu hiểu giữa nhân viên, tổ chức về giá trị và mục tiêu chung. Từ đó, nhà quản lý có thể thúc đẩy nhân viên phát triển khả năng tự quản lý công việc và tổ chức thời gian. Sự tự chủ này góp phần vào việc xây dựng văn hóa làm việc có trách nhiệm và tích cực.
4. 4 bước để phát triển chiến lược gắn kết nhân viên
Đặt mục tiêu tổng thể
Để xây dựng một chiến lược gắn kết nhân viên hiệu quả, việc đầu tiên các nhà quản lý cần xác định rõ mục tiêu chính của chiến lược này. Mục tiêu này nên phản ánh giá trị cốt lõi của tổ chức và tạo động lực cho nhân viên tham gia tích cực. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần kết hợp mục tiêu của bản kế hoạch gắn kết nhân viên với chiến lược phát triển dài hạn của tổ chức nhằm đảm bảo tính ứng dụng cao và phù hợp với định hướng lâu dài của doanh nghiệp.
Để xác định mục tiêu của mình, nhà quản lý hãy trả lời câu hỏi: kế hoạch gắn kết nhân viên cần đạt được điều gì? Những mục tiêu đó có thể bao gồm:
- Giảm tỉ lệ vắng mặt của nhân viên
- Tăng tỉ lệ giữ chân nhân viên (và giảm tỉ lệ nghỉ việc)
- Tăng cường năng suất
- Tăng động lực và hạnh phúc của nhân viên
- Nâng cao sự hài lòng của khách hàng
- Cải thiện văn hóa tổ chức.
Các nhà quản lý cần xác định không quá một hoặc hai mục tiêu chính để giúp tối đa hóa cơ hội thành công. Một mục tiêu tổng thể sẽ giúp nhà quản lý đưa ra các chiến lược và hành động hiệu quả hơn vì khi đó chúng sẽ chỉ tập trung vào mục tiêu này và tạo ra những giá trị khác nhau nhằm đạt được điều đó.
Đánh giá hiện trạng gắn kết của nhân viên
Bước tiếp theo các nhà quản lý cần làm là đánh giá hiện trạng và xác định tình hình gắn kết của nhân viên. Bằng cách xác định tình hình hiện tại, nhà quản lý sẽ có cái nhìn tốt hơn về điểm xuất phát và những điểm chính cần cải thiện.
Để đánh giá được hiện trạng một cách hiệu quả và chính xác, nhà quản lý có thể mở các cuộc khảo sát nhân viên nội bộ, nhóm tập trung và các cuộc họp nhóm lớn để thu thập ý kiến của họ. Nhà quản lý có thể hỏi ý kiến nhân viên về những điểm cần cải thiện thông qua cuộc khảo sát nhân viên và hợp tác với nhân viên để khám phá những yếu tố chính đối với sự cam kết của họ trong công việc. Điều này giúp ích trong việc đưa ra các thứ tự ưu tiên những điểm cần cải thiện trong bản kế hoạch Employee Engagement hiệu quả.
Xác định mục tiêu và hành động cần thực hiện
Sau khi xác định được thứ tự ưu tiên của những điểm cần cải thiện, nhà quản lý sẽ xác định mục tiêu của những hành động cần thực hiện và đưa ra cách thức thực hiện cho mục tiêu ấy.
Các mục tiêu trong kế hoạch Employee Engagement nên được đặt ra một cách rõ ràng và đo lường được. Các nhà quản lý nên bao gồm cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn phù hợp với sự phát triển của tổ chức. Nếu đây là kế hoạch gắn kết nhân viên đầu tiên trong doanh nghiệp, nhân viên sẽ mong đợi để thấy được kết quả và tác động tích cực của nó lên môi trường làm việc của họ. Và sự thành công trong bản kế hoạch này sẽ là một cách tuyệt vời để thu hút nhân viên cùng nhau thực hiện những bản kế hoạch tiếp theo.
Theo dõi và đánh giá kế hoạch
Sau khi triển khai và thực hiện kế hoạch Employee Engagement, các nhà quản lý nên đảm bảo rằng chúng liên tục được theo dõi và đánh giá để điều chỉnh theo thời gian. Bằng việc thiết lập hệ thống theo dõi và tổ chức cuộc họp đánh giá định kỳ để xem xét hiệu suất của kế hoạch và đề xuất điều chỉnh, bản kế hoạch sẽ trở nên chỉn chu và mọi vấn đề được giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo rằng mọi thứ đang duy trì được hướng đi đúng đắn.
Có thể nói sự gắn bó của nhân viên trong tổ chức đem lại rất nhiều lợi ích và giá trị cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng một bản kế hoạch tăng cường sự gắn bó của nhân viên không chỉ là một công đoạn quan trọng mà còn là một yếu tố quyết định đối với sự thành công và bền vững của doanh nghiệp.
VietnamWorks hy vọng qua bài viết trên đã cung cấp những kiến thức bổ ích nhằm giúp nhà lãnh đạo đưa ra được bản kế hoạch hiệu quả và phù hợp với mục tiêu phát triển doanh nghiệp của mình.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.