Xây dựng sự nghiệp trong xã hội hiện nay có lẽ là một điều vô cùng khó khăn. Ngày xưa, tất cả những gì bạn cần chỉ là một lá thư mời làm việc từ một công ty, và thế là cuộc sống của bạn về cơ bản đã được thiết lập. Thế nhưng, ở thời đại ngày nay, mọi chuyện không còn tươi đẹp như bạn vẫn nghĩ. Nhảy việc đang là tiêu chuẩn chung cho mọi người ở mọi lứa tuổi và trên tất cả các ngành nghề. Một nghiên cứu của LinkedIn cho thấy rằng thế hệ Millennials có khả năng nhảy việc bốn lần chỉ trong một thập kỷ sau khi tốt nghiệp đại học. Một báo cáo khác chỉ ra rằng một người trung bình sẽ đổi nghề từ năm đến bảy lần trong cuộc đời của mình.
Xu hướng này đang bắt đầu khiến cho cả những người bình tĩnh nhất cũng trở nên căng thẳng. Hãy nắm chắc các nguyên tắc cơ bản dưới đây để giữ vững nền tảng nghề nghiệp của bạn:
#1 Đừng cố gắng làm chủ một kế hoạch lớn lao
Sự nghiệp của chúng ta không bao giờ là một đường thẳng. Do đó, thật khó để bạn có thể có một kế hoạch tổng thể cho mình. Đừng cố gắng vạch ra con đường sự nghiệp cuối cùng của bạn. Chẳng hạn như một người học ngành kỹ thuật, sau đó trở thành kỹ sư cho một công ty dầu khí nhưng lại được một công ty đầu tư tiếp cận. Thế là khi anh 27 tuổi, anh đã trở thành một nhà phân tích cổ phiếu đi ngược với ngành học của mình. Hoặc một ví dụ khác như một người theo đuổi truyền thông nhưng trước đó lại từng trải qua nhiều lĩnh vực khác như giảng viên đại học, viết diễn văn và kinh doanh. Cuối cùng, anh lại xây dựng một công ty truyền thông, viết được ba cuốn sách, góp vốn cho doanh nghiệp Fast Company và cũng đã ra mắt một công ty khác.
Bạn không thể nào lên kế hoạch cho những gì bạn sẽ làm tương lai. Hãy chấp nhận dòng chảy cuộc đời và phát triển dựa trên những cơ hội phong phú mà bạn sẽ có. Điều này sẽ mở ra rất nhiều con đường cho sự nghiệp của bạn. Nếu trước đây bạn là một kế toán viên điều lệ, biết đâu tương lai bạn sẽ là một chuyên viên PR hay làm bất cứ nghề nào.
#2 Cam kết tập trung toàn bộ nỗ lực vào hiện tại
Cách tốt nhất để thúc đẩy sự nghiệp của bạn tiến về phía trước đó là làm tốt những gì bạn đang làm. Hãy xem mọi công việc là cơ hội để học hỏi, phát triển và chứng tỏ bản thân. Ngay cả khi bạn cảm thấy vị trí hiện tại của mình không phải là vị trí mà bạn sẽ gắn bó lâu dài, hãy nắm bắt mọi khoảnh khắc để tạo ra sự khác biệt.
Ví dụ, bạn cảm thấy chán nản khi quản lý một khách hàng cho công ty, nhưng họ lại không đánh giá cao bạn. Có thể bạn đã cảm thấy muốn từ bỏ – hoặc đã từ bỏ! Thế nhưng, bạn cũng có thể tìm cách cải thiện mối quan hệ này. Mỗi ngày đi làm hãy sẵn sàng để đưa ra một ý tưởng mới, hoặc tìm cách tiếp cận với một ai đó trong công ty của khách hàng. Hãy tự hỏi mình, bản thân có thể làm gì để xây dựng mối quan hệ với họ tốt hơn?
Những nỗ lực này sẽ hỗ trợ cho sự nghiệp tương lai của bạn, bởi nó sẽ đảm bảo rằng khi bạn muốn thử sức với công việc tiếp theo, bạn sẽ có nhiều thứ để thể hiện hơn là lời tuyên bố rằng bạn đã phát chán công việc cũ, các khách hàng thì không đánh giá cao bạn!
#3 Đừng xem nhau như “người yêu cũ”
Con đường sự nghiệp lý tưởng của bạn sẽ được định hình bởi những người biết và đánh giá cao bạn, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đối xử tốt với họ. Đó là bất kỳ ai bạn từng làm việc cùng hoặc công ty bạn làm việc. Giả sử bạn cảm thấy không hòa hợp với văn hóa của công ty bạn làm việc, hoặc có thể bạn cảm thấy rất khó chịu với lãnh đạo trực tiếp của mình khi sếp luôn đối đãi không công bằng hay thiếu tôn trọng với bạn. Sau cùng, bạn quyết định chuyển sang một nơi làm việc mới. Bạn sẽ nói gì với sếp của bạn? Thẳng thừng bỏ đi không nói gì hay nhẹ nhàng chia sẻ rằng bạn cũng đã có được quãng thời gian làm việc tốt đẹp với sếp? Dĩ nhiên, dù bằng mặt nhưng không bằng lòng, bạn vẫn nên làm điều thứ hai.
Bất kỳ nhà tuyển dụng hay lãnh đạo nào cũng có thể giúp ích cho bạn một điều gì đó trong tương lai, vì vậy đừng vội quay lưng bỏ đi, bất kể bạn có cảm thấy vui mừng thế nào khi chia tay họ. Hãy tỏ ra tinh tế hơn, nói lời cảm ơn, viết mail cho sếp sau khi bạn rời công ty đó để bày tỏ lòng biết ơn của bạn trong thời gian qua. Bạn có thể cần đến sự hỗ trợ của lãnh đạo này trong sự nghiệp tương lai của bạn. (Và đừng lo lắng về việc nghe có vẻ không thành thật. Hầu hết mọi người đều có năng lực “thảo mai” này).
#4 Quảng cáo bản thân một cách tốt nhất
Bất kỳ ai muốn thăng tiến cũng cần đến khả năng PR. Bởi lẽ toàn bộ sự nghiệp của bạn đều xoay quanh câu chuyện bạn sẽ bán bản thân mình cho người khác, cho các nhà tuyển dụng, sếp mới, đồng nghiệp mới và cố vấn của bạn, tốt như thế nào.
Điều này có nghĩa là bạn cần biết cách nói về bản thân, bộc lộ những phẩm chất tốt nhất của bạn mà không tỏ ra kiêu ngạo. Hãy giới thiệu bản thân ở vai trò như một người lãnh đạo, thay vì là một người làm công thông thường. Chẳng hạn, khi bạn nói bạn là lãnh đạo của đội ngũ truyền thông xã hội, điều này sẽ khác khi bạn chỉ đơn thuần chia sẻ bạn làm nghề truyền thông xã hội. Hãy sử dụng ngôn ngữ một cách tự tin. Ví dụ, thay vì chỉ nói là tôi nghĩ, hãy trực tiếp khẳng định hơn bằng cách nói tôi cho rằng, tôi tin rằng… Điều này sẽ truyền đạt thông điệp đây là cách bạn tin tưởng về điều này chứ không chỉ là một sự không chắc chắn.
Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn thận khi đưa ra quá nhiều lời khen ngợi bản thân. Ví dụ, bạn có thể nói rằng tôi đã vinh dự được lãnh đạo một nhóm sales đạt được KPI tốt trong bảy năm liên tiếp. Điều này gián tiếp thể hiện rằng công ty hoặc lãnh đạo cũng đã tạo điều kiện để bạn có được cơ hội thành công này, thay vì mọi thứ có được đều là do một mình bạn.
#5 Không bao giờ ngừng cố gắng
Trong quá trình xây dựng sự nghiệp, điều quan trọng nhất đó là phải học cách can đảm bước tiếp ngay cả khi bạn vấp ngã. Công thức bí mật để làm điều này đó là không thay đổi công việc của mình cho đến khi bạn tìm ra một nhiệm vụ hoặc mục tiêu cao hơn cho bản thân. Hãy dành thời gian để học hỏi kinh nghiệm và lập kế hoạch cho nó.
Đôi khi, chúng ta thường chấp nhận bằng lòng với những công việc chúng ta không thích bởi vì có quá nhiều thứ bận tâm khiến chúng ta không thể tìm được bến đỗ mới, hoặc chúng ta viện cớ rằng ta không có đủ thông tin hoặc nguồn lực cần thiết để hoàn thành những gì chúng ta muốn làm. Tuy nhiên, bạn hãy luôn nhớ rằng, việc thay đổi một con đường sự nghiệp có thể khó khăn, thế nhưng nếu bạn không làm những điều bạn muốn làm thì bạn sẽ mãi luôn tự hỏi bản thân liệu giấc mơ đó có thể trở thành hiện thực hay không.
— HR Insider / Theo fastcompany —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.