Hầu hết chúng ta đều cho rằng việc ứng viên phản hồi các câu hỏi phỏng vấn một cách nhanh chóng sẽ giúp ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và nâng cao khả năng trúng tuyển .Do đó, khi được đặt câu hỏi từ nhà tuyển dụng, nhiều ứng viên thường có xu hướng trả lời thẳng và nhanh vào vấn đề nhà tuyển dụng đang đặt ra. Tuy nhiên, việc này lại đôi khi tạo nên những kết quả ngược với kỳ vọng.
Suy nghĩ này thực tế không sai nhưng lại không hoàn toàn đúng trong tất cả các trường hợp. Thực tế cho thấy rằng đối với một số câu hỏi phỏng vấn đặc biệt, nếu ứng viên vội vàng đưa ra câu trả lời quá nhanh sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá thấp năng lực của họ bởi không dành thời gian tư duy sâu hơn vào vấn đề nhà tuyển dụng đặt ra. Đồng thời, việc trả lời nhanh chóng cũng dễ khiến chất lượng nội dung phản hồi của ứng viên không thực tế ấn tượng và trùng lặp giữa muôn vàn ứng cử viên khác, khiến họ không ghi điểm được trong mắt nhà tuyển dụng.
Sau đây là tổng hợp 5 câu hỏi phỏng vấn mà ứng viên đừng nên vội vàng trả lời khi được nhà tuyển dụng hỏi đến.
1. Bạn mong muốn mức lương tại vị trí này là bao nhiêu?
Mức lương mong đợi là câu hỏi được nhiều nhà tuyển dụng đặt ra nhất cho các ứng viên khi đến tham gia phỏng vấn. Câu hỏi này vừa thực tế vừa rõ ràng nhằm đánh giá yêu cầu về thu nhập của ứng viên liệu có phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc trả lời thẳng thẳn một con số cụ thể lại là điều không nên vì vấn đề khá nhạy cảm. Nếu bạn đưa ra con số quá thấp, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra mối nghi ngờ về năng lực thực tế của bạn. Nhưng nếu bạn đặt ra con số quá cao, nhà tuyển dụng cũng có thể cho rằng bạn đang quá ảo tưởng về năng lực của bản thân.
Cách tốt nhất để đối phó với câu hỏi này đó là bạn nên để nhà tuyển dụng tự đánh giá dựa trên những năng lực bản thân bạn đang thể hiện. Đầu tiên, hãy dẫn chứng một số năng lực nổi bật của bản thân và thành tựu liên quan đến công việc đã đạt được ở quá khứ. Sau đó, bạn dùng nó để liên kết với mức lương tương xứng và chốt deal một cách mở bằng: “Tôi hy vọng mức lương công ty cung cấp xứng đáng với năng lực thực tế của tôi và trở thành động lực để tôi gắn bó đồng hành lâu dài”.
2. Bạn đã tìm hiểu kỹ về vị trí mà bạn đang ứng tuyển chưa?
Nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này nhằm kiểm tra ứng viên có thực sự nghiêm túc khi ứng tuyển vào công ty của họ. Với dạng câu hỏi có hoặc không như thế này, nếu bạn trả lời “có” ngay đúng trọng tâm sẽ không phải là cách tốt nhất để ghi điểm. Bởi câu trả lời mà không kèm theo bất kỳ dẫn chứng nào cũng không thể đủ sức thuyết phục. Không những vậy, nếu bạn trả lời ngay là “có” thì hoàn toàn có khả năng nhà tuyển dụng sẽ đặt ra một số câu hỏi liên quan để kiểm tra lại điều này. Và thật tệ, nếu bạn không trả lời đúng câu hỏi đó.
Thay vào đó, bạn hãy phản hồi câu hỏi này bằng cách đặt ra những mối quan tâm liên quan đến thông tin công ty hoặc vị trí ứng tuyển mà bạn đã thu thâp được để xác minh một lần nữa với nhà tuyển dụng. Điều này chính là cách trả lời thông minh, đầy sức thuyết phục bởi bạn đã ngấm ngầm chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn đã đầu tư thời gian tìm hiểu và đang thực sự quan tâm đến vị trí ứng tuyển cũng như mong muốn trở thành nhân sự gắn bó lâu dài cùng công ty họ.
3. Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?
Khi nhận được câu hỏi này, nhiều ứng viên có xu hướng thuyết phục nhà tuyển dụng thông qua các câu trả lời đầy hứa hẹn về một tương lai giúp doanh nghiệp phát triển. Thậm chí, nhiều ứng viên có kinh nghiệm còn tận dụng cơ hội để phô trương năng lực bản thân. Tuy nhiên, thực tế đây lại không phải cách trả lời hay nhất.
Khiêm tốn và tiết chế chính là thượng sách dành cho tình huống này. Đừng hứa hẹn bất cứ điều gì mà hãy hướng nhà tuyển dụng đến tương lai để chứng kiến những điều bạn có thể làm. Ví dụ: “Hiện tại, tôi không thể cam kết thúc đẩy doanh số công ty tăng nhanh khi tôi còn chưa bắt tay vào làm việc thực tế nhưng với những kinh nghiệm và năng lực như tôi đã trao đổi, tôi nghĩ bản thân chính là nhân sự công ty đang cần.”
4. Bạn nghĩ công ty chúng tôi nên thay đổi điều gì?
Đối với câu hỏi mở như thế này, nhà tuyển dụng đang muốn tìm hiểu đánh giá của ứng viên về công ty của họ. Tất nhiên, doanh nghiệp nào cũng sẽ tồn đọng những lỗ hỏng nhỏ cần thay đổi và hoàn thiện từng ngày. Bạn có thể biết lỗ hỏng ấy thông qua cách đánh giá của bản thân hay chia sẻ của người đi trước nhưng việc trung thực đưa những ý tưởng ấy vào câu trả lời phỏng vấn sẽ không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.
Đứng về phương diện khách quan nhất, bạn vẫn chỉ là một người đứng từ bên ngoài nhìn vào doanh nghiệp đó nên bạn chắc chắn sẽ không thể hiểu hết bộ máy, cơ cấu tổ chức của họ. Điều bạn nhìn nhận là chưa hoàn hảo, cần thay đổi đôi khi lại là chính sách và bản sắc riêng mà doanh nghiệp họ đang cố gắng xây dựng. Cách tốt nhất để đối phó với những dạng câu hỏi này chính là từ chối trả lời: “Với một ứng viên mới thì tôi chưa thể đưa ra nhận xét khách quan nhất để đóng góp cho sự thay đổi và hoàn thiện của công ty. Tôi nghĩ câu hỏi này bản thân cần thêm thời gian nếu may mắn là trở thành nhân viên công ty”.
5. Bạn nghĩ mình sẽ gắn bó với công ty chúng tôi trong bao lâu?
Đừng bao giờ dại dốt vội vàng đưa ra một số năm cụ thể khi nhận được câu hỏi này. Bởi điều nhà tuyển dụng đang muốn lắng nghe chính là sự trung thành, tinh thần sẵn sàng gắn bó dài lâu của nhân sự tương lai.
Sự trung thành và tinh thần sẵn sàng gắn bó dài lâu sẽ không thể thể hiện bằng bất kỳ con số cụ thể nào. Thậm chí, dù bạn có đưa ra số năm cao như thế nào, nhà tuyển dụng vẫn nghi ngờ về điều ấy. Thay vì trả lời trực tiếp, bạn có thể hướng nhà tuyển dụng đến tương lai để chứng minh cho câu trả lời của mình: “Tôi không thể đo lường chính xác sự gắn bó của mình với công ty là bao lâu. Nhưng tôi tin rằng chỉ cần công ty cần tôi và tạo điều kiện cho cá nhân tôi phát triển năng lực không ngừng thì tôi vẫn đồng hành đến cùng”.
Trên đây là 5 câu hỏi phỏng vấn mà ứng viên cần lưu ý không nên vội vàng trả lời ngay. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong buổi phỏng vấn sắp tới nhé!
>>>Xem thêm: Nghệ thuật ‘né bẫy’ của nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.