“Điều này không thể thực hiện được”
Bạn đã cân nhắc thật kĩ năng lực của mình trước khi phán ra câu nói “xanh rờn” này chưa? Không phải là điều này không thể thực hiện được, mà chỉ là bạn nghĩ mình không làm được mà thôi. Đừng quên rằng phía sau bạn là cả một tập thể luôn sẵn sàng hỗ trợ, chỉ dẫn bạn bất kỳ lúc nào. Thậm chí, bạn có thể trực tiếp chủ động liên hệ với sếp để nhận được những kinh nghiệm quý báu khi bắt đầu công việc. Do đó, sếp sẽ đặc biệt khó chịu khi bạn đưa ra đánh giá cá nhân cho rằng một điều gì đó không thể thực hiện được.
Thay vì nói lời phủ nhận, bạn hãy khéo léo truyền đạt vấn đề đến sếp rằng phương án giải quyết hoặc dự định bước đi tiếp theo của bạn là gì. Ví dụ như: “Tôi nghĩ vấn đề này sẽ khó thực hiện nếu làm theo cách A. Thay vào đó, tôi đề xuất chúng ta nghĩ theo phương án B, C,…” hoặc “Tôi sẽ cố gắng tìm cách giải quyết mặc dù vấn đề này tương đối khó thực hiện…”
“Tại sao tôi vẫn chưa được tăng lương?”
Bạn đã nghĩ đến những lí do bạn cần được tăng lương trước khi phát ngôn câu nói này? Nếu bạn xứng đáng được tăng lương hoặc thăng chức, bạn cần chuẩn bị những dẫn chứng về kết quả, thành tích bạn đã thực hiện được. Đừng vội nói ra những yêu cầu với sếp khi bạn không có đầy đủ “bằng chứng” cụ thể.
Đừng vội đề cập đến vấn đề lương bổng ngay. Bạn hãy khéo léo lựa chọn một thời điểm sếp rảnh rỗi để lắng nghe bạn, sắp xếp các bằng chứng cho thấy bạn đã có nhiều thành tích và nỗ lực trong suốt 6 tháng – 1 năm qua, và trình bày với sếp thật ngắn gọn để sếp hiểu được ý định của bạn. Đừng trực tiếp nói rằng bạn muốn tăng lương, hãy thể hiện rằng bạn cần một động thái từ công ty cho những thành tích bạn đã đạt được.
“Đó không phải là việc của tôi”
Đừng đặt sếp của bạn vào thế khó xử khi nói ra câu này. Giả sử đó không phải là việc của bạn, nhà quản lý cũng sẽ thật khó chịu khi phải nghe một lời từ chối thẳng thừng như thế. Bạn có thể ôm đồm một khối lượng công việc quá tải, nhưng ở góc độ của một nhà quản lí, bạn đang nỗ lực nhiều hơn vì công ty và họ sẽ ghi nhận điều này. Điều này thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp và tinh thần kém hợp tác của bạn trong công việc.
Thay vì phủ nhận như thế, bạn hãy giữ một thái độ cởi mở và khéo léo khi bàn vấn đề này với sếp. Hãy đưa ra một thời hạn nhất định khi sếp giao bạn hỗ trợ công việc này. Và nếu thật sự bạn đang quá tải, hãy đề xuất thêm một cộng sự để cùng bạn đảm đương nhiệm vụ.
“Tôi không muốn làm việc cùng anh ta/cô ta”
Mâu thuẫn cá nhân luôn là điều không thể tránh khỏi ở môi trường công sở. Tuy nhiên, hãy tạm gác lại những xung đột nhỏ vì mục tiêu chung của tập thể. Sếp sẽ đánh giá ngay bạn là một nhân viên thiếu chuyên nghiệp và không có tinh thần hợp tác khi phát ngôn ra câu nói khó chịu này.
Nếu bạn ghét một đồng nghiệp nào đó chỉ vì cảm tính, đừng để sếp phải biết điều này và can thiệp khiến vấn đề trở nên phức tạp và bất lợi hơn cho bạn. Nếu thật sự đồng nghiệp đó không thể hợp tác tốt với bạn, hãy đưa ra cho sếp thấy phong thái làm việc của bạn và đồng nghiệp không nhất quán với nhau, và gợi ý sếp những cá nhân có thể phối hợp nhịp nhàng với bạn nhằm thực hiện công việc nhanh nhất và tốt nhất có thể.
“Tôi phải làm gì trước tình huống này?”
Bạn đang tỏ ra quá thụ động và dựa dẫm vào sếp rồi! Hãy nhớ rằng người lãnh đạo không phải là “gà mẹ” để suốt ngày theo dõi sát sao và hướng dẫn bạn từng li từng tí. Khi bạn phát ngôn câu nói này, sếp sẽ biết được bạn thật sự thiếu sự tự tin cũng như chưa đủ năng lực để đảm nhiệm công việc. Vậy làm sao sếp có thể tin tưởng giao cho bạn chức vụ quan trọng hơn?
Trước khi phán với sếp bạn không biết làm gì, bạn nên tìm hiểu kỹ những gì cần hỏi hoặc chuẩn bị trước những giải pháp để trình bày với sếp. Nếu vẫn chưa thể tìm ra giải pháp thuyết phục nhất, hãy tham khảo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp lâu năm hoặc trực tiếp giải thích với sếp rằng, bạn cần một số hướng dẫn và cam kết sẽ giao lại bảng kế hoạch hoàn chỉnh sau khi đã được chia sẻ ý kiến.
“Chúng ta thất bại là vì ABC…”
Đổ lỗi và biện hộ không phải là điều mà người lãnh đạo muốn nghe khi một dự án không đạt kết quả như mong muốn. Họ cần giải pháp và hướng xử lí vấn đề tiếp theo chứ không phải lí do cho những sai lầm đã xảy ra. Khi bạn viện cớ hoặc đổ lỗi cho một ai đó, sếp sẽ cảm thấy bạn đang cố gắng né tránh trách nhiệm thuộc về mình, và điều đó sẽ không có lợi cho bạn một chút nào!
Do đó, hãy chủ động nhận lỗi nếu như đó là sai lầm thuộc về bạn hoặc nhóm của bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải đưa ra những bài học kinh nghiệm bạn đúc kết được từ cú ngã này, phương hướng xử lí vấn đề tiếp theo thay vì cố gắng tìm kiếm và chỉ đích danh “thủ phạm” khiến nhóm bạn vấp ngã!
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.