Chắc hẳn không ít người trong số chúng ta đang có cùng một nỗi niềm mang tên “chán việc”. Dù đó là một công việc mà ta buộc phải nhận để kiếm sống hay là công việc mà khi xưa chúng ta từng cố gắng theo đuổi bằng được, thì đến một thời điểm nào đó, công việc chỉ còn là trách nhiệm, là cần câu cơm, chứ không còn là niềm hứng thú nữa.
Không còn hứng thú với công việc mình đã làm là nguyên nhân khiến chúng ta trễ nải công việc, giảm năng suất lao động và có thể dẫn đến khả năng đi tìm công việc khác mà chúng ta nghĩ là phù hợp hơn. Nhưng thực ra, dù có trải qua bao nhiêu việc làm, thì qua thời gian bạn cũng sẽ vẫn cảm thấy chán ngán mà thôi.
Bởi đơn giản, điều khiến chúng ta chán việc, phần vì chính công việc thì ít, mà phần vì chính bản thân ta lại quá nhiều. Dưới đây là những lối tư duy hay thói quen khi làm việc được cho là sẽ khiến bạn mất hứng thú với công việc nhanh hơn:
Không thích bị nhận xét, chỉ trích
Rõ ràng bạn cảm thấy mình làm rất tốt mà sếp vẫn không hài lòng? Sếp nhận xét không hay hoặc chỉ trích bạn khiến bạn cảm thấy tự ái và ức chế? Thậm chí bạn nghĩ rằng sếp cố tình “đì” mình? Chính sự ức chế và không bằng lòng này tích tụ dần sẽ khiến bạn có suy nghĩ “dù làm tốt thế nào cũng sẽ không được công nhận” và chẳng buồn đầu tư cho công việc nữa.
Nhiều chuyện
Chốn công sở làm việc vốn đã là môi trường cho biết bao loại tin tức không xác thực bay khắp nơi. Chớ dại dột tham gia và mấy câu chuyện nói xấu người khác kẻo có ngày vạ lây đến mình. Hoặc, cũng có thể, nạn nhân bị nói xấu tiếp theo chính là bạn, lúc đó thì chẳng còn tâm trạng đâu mà làm việc nữa!
Thường xuyên than vãn
Quả thực khi đi làm chúng ta có cả tỉ việc để than vãn. Nhưng thay vì giải quyết chúng, ta lại chỉ kêu than mà thôi. Kêu mãi mà chẳng ai giải quyết hộ thì lại bức bối chán nản, một vòng luẩn quẩn mãi chẳng có lối ra.
Quá phụ thuộc vào người khác
Bạn là nhân viên mới chưa quen thuộc và thường phải nhờ tới sự giúp đỡ của đồng nghiệp thì sẽ hoàn toàn khác với việc đã trở thành nhân viên kì cựu rồi nhưng công việc lúc nào cũng phải dính líu nhờ vả vài người khác. Ai cũng có việc của riêng mình, hãy tự lo cho phần việc của mình thay vì chỉ chăm chăm nhờ vả hoặc đôi khi là ‘lợi dụng’ đồng nghiệp để rồi không xong việc lại cuống cuồng trách người ta.
“Lười” nhận thêm công việc
Công việc của bạn chưa xong nhưng sếp đã ‘dội’ cả đống việc khác sẽ khiến bạn cảm thấy cực khó chịu, là ai thì cũng vậy thôi. Mà sự khó chịu nếu không được giải tỏa thì sẽ càng khiến bạn bất mãn, và đây cũng là lí do chán việc của rất nhiều người. Nhưng thay vì làm việc với sự khó chịu như thế, tại sao không nghĩ theo một hướng khác đi, “vì mình có năng lực nên mới được giao nhiều trọng trách” chẳng hạn?
“Choáng ngợp” và lạ lẫm với công việc mới
Bắt đầu một công việc mới cũng là lúc chúng ta sẽ cảm thấy mình thật vô dụng và lạ lẫm với thật nhiều điều. Người quyết tâm biết biến sự lạ lẫm thành động lực để cố gắng, còn người không quyết tâm, không cố gắng thì vẫn mãi là kẻ không biết gì mà thôi.
Lúc nào cũng “chăm chăm” vào điện thoại
Nếu đã làm việc thì nên tập trung tuyệt đối vào công việc chứ đừng để ý tới chiếc điện thoại quá nhiều. Mà một khi đã mê mải với chiếc điện thoại đang đầy tính cám dỗ và giải trí thế kia thì ai còn buồn làm việc nữa nhỉ!
“Không phải việc của tôi”
Vốn dĩ có ai thích ôm thêm việc vào người bao giờ, nhưng đừng nên có suy nghĩ “không phải việc của tôi thì tôi không làm”. Có làm thêm thì cũng là tốt cho bạn, không được tiền thì có được kinh nghiệm, kỹ năng, bài học. Đừng vội bỏ công việc có nhiều thứ để cho bạn thử sức, biết đâu đó lại chính là cơ hội sau này.
Giấu dốt
Không biết nhưng ngại hỏi, nhưng không hỏi thì mãi mãi chẳng giỏi. Thế đấy, làm việc mà cái gì cũng không biết thì không chỉ có bạn chán việc không đâu, mà “việc” cũng chán bạn đấy!
Lộn xộn, không biết phân bố công việc và thời gian cho phù hợp
Nếu không sắp xếp được thời gian biểu hợp lí cho công việc và nghỉ ngơi, bạn dễ ở trong tình trạng lúc nào cũng “quá tải” và không biết nên làm gì trước, thậm chí nhiều lần để sót việc. Thêm vào đó, làm việc mà không có thời gian để thư giãn còn ảnh hưởng tới sức khỏe nữa.
Chính vì chúng ta luôn có những suy nghĩ, tư duy, thói quen khi làm việc mà chúng ta nghĩ rằng rất bình thường nhưng thực chất lại chính là “mầm mống” gây ra chán nản và bất mãn với công việc. Thử xem mình có kiểu tư duy hay thói quen nào trong số những điều trên và mau chóng thay đổi để nâng cao tinh thần làm việc nhé!
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.