Nhiều người thắc mắc rằng có những người có thu nhập cao hơn mà số tiền đóng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng của họ lại ít hơn? Hoặc có cách nào để giảm trừ tiền thuế thuế thu nhập cá nhân không? Bài viết hôm nay sẽ trả lời cho câu hỏi trên bằng cách tìm hiểu về giảm trừ gia cảnh – khoản giảm trừ gần như là lớn nhất khi quyết toán thuế.
GIảm trừ gia cảnh có bao gồm giảm trừ bản thân và giảm trừ người phụ thuộc.
1. Giảm trừ bản thân khi đóng thuế thu nhập cá nhân
Là số tiền mà cơ quan nhà nước trừ cho mỗi người lao động trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Hiện tại mức giảm trừ bản thân là 9 triệu đồng/ tháng/ người.
Đối với hợp đồng Cộng tác viên (làm việc dưới 3 tháng):
- Không được giảm trừ hàng tháng khoản 9 triệu đồng tiền giảm trừ bản thân
- Thuế thu nhập cá nhân hàng tháng = Tổng thu nhập * 10%
(Tổng thu nhập cá nhân dưới 2 triệu đồng/ tháng sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân)
- Kết thúc năm cá nhân tự đi Quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ được giảm trừ cá nhân bình thường
Đối với hợp đồng lao động trên 3 tháng:
- Được giảm trừ bản thân 9 triệu/ tháng (cố định dù làm ở đâu)
- Thuế thu nhập cá nhân tính trên tháng:
(Tổng thu nhập – GTBT – GTNPT – BH – Các khoản khác)* thuế suất%
Trong đó:
GTBT: là khoản giảm trừ bản thân
GTNPT: là khoản giảm trừ người phụ thuộc
BH: Bảo hiểm
Các khoản miễn thuế, giảm trừ khác
Thuế suất được tính theo biểu kế lũy tiến mà cơ quan thuế quy định
Bậc | Thu nhập tính thuế/tháng | Thuế suất | Tính số thuế phải nộp |
1 | Dưới 5 triệu đồng (trđ) | 5% | 5% thu nhập tính thuế (TNTT) |
2 | Trên 5 trđ đến 10 trđ | 10% | 10%TNTT – 0,25 trđ |
3 | Trên 10 trđ đến 18 trđ | 15% | 15%TNTT – 0,75 trđ |
4 | Trên 18 trđ đến 32 trđ | 20% | 20%TNTT – 1,65 trđ |
5 | Trên 32 trđ đến 52 trđ | 25% | 25%TNTT – 3,25 trđ |
6 | Trên 52 trđ đến 80 trđ | 30% | 30%TNTT – 5,85 trđ |
7 | Trên 80 trđ | 35% | 35%TNTT – 0,85 trđ |
Ví dụ: Thu nhập của anh A là 20 triệu đồng. Mỗi tháng đóng bảo hiểm 2,1 triệu đồng (20 trđ * 10,5%). Giảm trừ bản thân 9 triệu đồng.
Như vậy ta sẽ có thu nhập tính thuế = 20 – 2,1 – 9 = 8,9 trđ
Với 8,9 trđ thu nhập tính thuế sẽ thuộc bậc 2 với thuế suất 10%
Như vậy, ta phải đóng thuế thu nhập cá nhân là 8,9 trđ * 10% = 890.000 đồng
2. Giảm trừ người phụ thuộc
Là số tiền mà cơ quan thuế giảm trừ cho người đóng thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm nuôi dưỡng người phụ thuộc. Hiện tại, mỗi người phụ thuộc cơ quan thuế sẽ giảm trừ cho 3,6 triệu/ người/ tháng.
Đối với cộng tác viên:
- Hàng tháng không được tính khoản giảm trừ người phụ thuộc
- Tuy nhiên, khi kết thúc năm người lao động đi quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ được giảm trừ người phụ thuộc nếu nộp hồ sơ giảm trừ người phụ thuộc lên cơ quan thuế trước ngày 20/3 năm sau
Lưu ý: Nên nộp hồ sơ giảm trừ người phụ thuộc ngay trong năm, để tránh những trường hợp sai sót làm lại. Hoặc người phụ thuộc không trực hệ như: ông, bà, cô chú ruột,… cơ quan thuế sẽ không tính giảm trừ nếu nộp sau 31/12.
Đối với hợp đồng người lao động:
- Phải làm hồ sơ chứng minh người phụ thuộc cho doanh nghiệp khai báo về cơ quan thuế
- Được giảm trừ 3,6 triệu/tháng/ người. Tính từ thời điểm nộp thành công
- Người phụ thuộc có thể là: Bố mẹ, ông bà nội ngoại, cô chú, anh chị em,… và các trường hợp khác mà người lao động có thể chứng minh được trách nhiệm nuôi dưỡng của mình
Hồ sơ người phụ thuộc:
Người phụ thuộc trong hoặc ngoài độ tuổi lao động:
- Chứng minh thu nhập dưới 1 triệu/ tháng
- Mất khả năng lao động, khuyết tật hay mắc bệnh hiểm nghèo,…
- Trong trường hợp dưới 18 tuổi thì cần có giấy khai sinh
Các trường hợp khác (cô chú,…): Chứng minh không nơi nương tựa, thu nhập thấp, xác nhận mối quan hệ mà người lao động có trách nhiệm nuôi dưỡng,…
Tất cả các trường hợp đều phải có giấy xác nhận ở cơ quan địa phương thường trú
Lưu ý về người phụ thuộc:
- Để được tính giảm trừ người phụ thuộc thì người lao động cần có mã số thuế và thu nhập nộp thuế.
- Một người đóng thuế thu nhập cá nhân có thể có nhiều người phụ thuộc. Nhưng một người phụ thuộc chỉ được giảm trừ cho một người nộp thuế.
- Trong năm có sự thay đổi nơi làm việc, phải nộp lại hồ sơ người phụ thuộc và đăng ký mới tại nơi đó.
- Mỗi người phụ thuộc sẽ được cấp một mã số thuế nên nếu muốn thay đổi người phụ thuộc cho người khác thì phải báo giảm với cơ quan thuế thành công thì người kia mới được báo tăng.
Trên đây là hai khoản giảm trừ quan trọng mà bạn phải nắm khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Nếu không bạn sẽ chịu thiệt thòi và đánh mất quyền lợi của mình.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.