Cẩn trọng trong “lời ăn tiếng nói”
“Tai vách mạch rừng” mà, phải thật cẩn trọng trong từng “lời ăn tiếng nói” kẻo bị “mách lẻo” bạn nhé! Nghiêm trọng hơn, khi đến tai Sếp thì đồng nghiệp có thể còn phóng đại thậm chí là xuyên tạc câu từ của bạn nữa đấy.
Chẳng hạn, bạn buột miệng bình phẩm trông Sếp mới không đẹp bằng Sếp cũ. Lúc này, qua lời kể của đồng nghiệp thì câu nói của bạn có thể trở thành bạn chê Sếp mới xấu, thua xa Sếp cũ…
Đừng chia sẻ bí mật dù thân thiết
Dù có thân thiết đến đâu thì ở chốn công sở, bạn tuyệt đối đừng bao giờ chia sẻ bí mật của mình với bất kỳ ai. Bên cạnh chuyện đời tư, gia đình thì những vấn đề xoay quanh công việc cũng nên hạn chế chia sẻ bạn nhé.
Ví dụ, Sếp phân công bạn đi công tác nhưng hôm đó lại rơi vào ngày sinh nhật của người yêu. Bạn đành viện cớ phải chăm mẹ nằm viện để từ chối nhiệm vụ. Nếu tin tưởng mà kể chuyện này với đồng nghiệp xấu, họ sẽ đem kể lại với Sếp để “mượn chuyện làm quà” đấy.
Giữ khoảng cách nhất định
Công ty là nơi làm việc, không phải là nơi để kết bạn! Do đó, bạn nên giữ khoảng cách nhất định với mọi mối quan hệ. Chưa kể, nhiều người “sống 2 mặt” khi trước mặt thì nói nói cười cười nhưng lại “đâm sau lưng” hãm hại bạn.
Chẳng hạn, khi thấy bạn chạy deadline thì đồng nghiệp chủ động đề xuất và nhiệt tình giúp đỡ bạn, hứa sẽ không để Sếp phát hiện. Trong lòng bạn rất biết ơn và cảm thấy đồng nghiệp ấy thật tốt bụng. Nào ngờ sau lưng họ lại đi tố cáo với Sếp rằng bạn nhờ họ giúp để “qua mặt” Sếp, kèm theo bằng chứng là những file công việc họ đã gửi cho bạn.
Tập trung nâng cao hiệu suất công việc
Tất cả mọi vị Sếp đều chủ yếu nhìn vào hiệu suất công việc để đánh giá nhân viên. Vì vậy, thay vì suốt ngày lo lắng không biết đồng nghiệp mách lẻo chuyện gì với Sếp thì bạn nên tập trung nâng cao năng lực làm việc. Chỉ có kết quả công việc cao mới giúp bạn “ghi điểm” trong mắt Sếp. Lúc này, dù bạn có gặp nhiều thị phi vây quanh thì Sếp cũng sẵn lòng bỏ qua.
Khéo léo “lấy lòng Sếp”
Cuối cùng, đừng quên “lấy độc trị độc” bạn nhé. Nếu đồng nghiệp lấy lòng Sếp thì bạn cũng khéo léo lấy lòng Sếp thôi. Vào dịp lễ Tết hay sinh nhật, đừng quên biếu Sếp món quà nhỏ nhưng thể hiện được thành ý quan tâm đến sức khỏe và sở thích của Sếp. Ví dụ như hộp nhân sâm thượng hạng tốt cho sức khỏe, hoặc chậu bonsai nghệ thuật vì biết Sếp thích sưu tầm bonsai…
Bên cạnh đó, hãy thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của Sếp. Luôn chủ động trong công việc để giảm bớt áp lực cho Sếp bạn nhé. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên đưa ra nhiều ý tưởng mới và những đề xuất giải pháp giúp Sếp giải quyết vấn đề “nhẹ nhàng” hơn…
Trên đây là những chiêu giúp bạn trị được đồng nghiệp chuyên “mượn chuyện làm quà” để lấy lòng Sếp mới. Hy vọng những cách ứng xử thông minh, khéo léo trên giúp bạn tạo được ấn tượng đẹp và “ghi điểm” trong mắt Sếp.
Xem thêm: Nên làm gì khi cảm thấy bản thân bị “chững lại” trong công việc?
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.