• .
adsads
shutterstock 1825598213 1
Lượt Xem 9 K

Bạn có tin, trên thế giới này cực nhiều Bullshit Jobs – những công việc vô nghĩa?

Để biết mình có đang làm một công việc vô nghĩa hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các định nghĩa và vấn đề này từ tác giả David Graeber trong cuốn sách “Bullshit Jobs – Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa”.

Công việc vô nghĩa là gì?

Đây là một hình thức của việc làm có trả lương, và nó hoàn toàn vô nghĩa, không cần thiết hoặc có tính độc hại mà đến cả người làm công việc đó cũng không thể biện minh cho sự tồn tại của nó, mặc dù họ cảm thấy buộc phải giả vờ rằng nó không phải việc vô nghĩa, như một phần của điều kiện làm việc.

Điều kỳ lạ là người ta hay nhầm lẫn công việc vô nghĩa với công việc chỉ đơn thuần là tồi tệ. Thực chất, hai loại công việc này chẳng hề giống nhau, mà có thể xem là đối nghịch nhau nữa. Công việc vô nghĩa thường được trả lương khá hậu hĩ và có điều kiện làm việc rất tốt, chỉ là chúng vô nghĩa. Công việc tồi tệ thì thường là những việc cần phải làm để phục vụ lợi ích xã hội, chỉ có điều những người làm công việc này bị đối xử và trả công rất kém.

Một người đàn ông tên Dostoyevsky, trong thời gian lao động khổ sai ở trại tù Siberia, đã đưa ra giả thuyết rằng sự tra tấn tồi tệ nhất mà người ta có thể nghĩ ra đó là buộc ai đó phải thực hiện một nhiệm vụ vô nghĩa lặp đi lặp lại. Ông nhận định rằng, mặc dù những người bị kết án đày đến Siberia là phải chịu khổ sai nhưng thực tế công việc cũng không quá khổ cực vì nông dân còn phải làm lụng vất vả hơn nhiều. Nhưng ít nhất, người nông dân còn làm việc cho chính họ, còn ở trại giam thì phần “khó nhọc” nhất là người làm chả nhận lại được gì cả:

Ngay từ năm 1901, nhà tâm lý học người Đức Karl Groos đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh thể hiện niềm hạnh phúc tột bậc khi chúng lần đầu tiên phát hiện mình có thể gây những ảnh hưởng có thể đoán biết trước lên thế giới xung quanh, bất kể sự ảnh hưởng đó là gì hoặc có mang lại lợi ích gì cho trẻ hay không. Giả dụ rằng đứa bé phát hiện nó có thể di chuyển một cây bút chì bằng cách cử động cánh tay, rồi nó nhận ra mình có thể đạt được hiệu ứng tương tự bằng cách cử động tay như vậy một lần nữa. Đó là lúc trẻ biểu hiện vui mừng tột độ. Groos đã đặt ra cụm từ “niềm vui vì mình là nguyên nhân” (the pleasure at being the cause), gợi ý rằng đó là nền tảng của việc chơi đùa, thứ mà ông xem là “việc sử dụng quyền lực vì đơn giản là thích thực hiện chúng”. Nhìn chung, khám phá này có ý nghĩa mạnh mẽ giúp chúng ta hiểu hơn về động lực của con người.

Câu chuyện trên là một ví dụ cho thấy khi bạn phải làm những “công việc nhảm nhí”- tức những việc chỉ để không làm gì cả thì mỗi ngày của bạn đều trở nên khốn khổ. Vì sâu thẳm trong mỗi người đều muốn đóng góp và tìm kiếm động lực để làm việc theo một cách nào đó.

David Graeber trong cuốn sách Bullshit Jobs: A Theory (Bullshit Jobs: Đời ngắn lắm, đừng làm việc vô nghĩa) lập luận rằng có hàng triệu người trên khắp thế giới – nhân viên văn phòng, quản trị viên, tư vấn viên, telemarketers, luật sư công ty, nhân viên dịch vụ và nhiều người khác – những người đang làm những công việc vô nghĩa, không cần thiết và bản thân.

Phân loại công việc vô nghĩa

Trong Bullshit Jobs, David Graeber đã nghiên cứu và tìm ra 5 loại công việc vô nghĩa cơ bản. Ông đã thu thập được hơn 250 lời chứng thực từ các đoạn ngắn đến những bài tiểu luận 11 trang mô tả chi tiết toàn bộ các công việc vô nghĩa, cùng với những suy đoán về động lực tổ chức hoặc xã hội và tâm lý. Hầu hết những lời chứng thực này đến từ công dân các quốc gia nói tiếng Anh, nhưng tác giả cũng nhận được lời xác thực khác từ các quốc gia châu Âu cũng như Mexico, Brazil, Ai Cập, Ấn Độ, Nam Phi và Nhật Bản.

5 nhóm phân loại chính của công việc vô nghĩa mà David Graeber được gọi là: làm nền, tay sai, vá víu, làm màu và vẽ chuyện.

 

Nhóm làm nền

“Làm nền” là những công việc tồn tại chủ yếu để làm cho người khác cảm thấy, hoặc tạo cho người khác vẻ bề ngoài rằng những người ấy là quan trọng.

Ở một số quốc gia, chẳng hạn như Brazil, các tòa nhà như vậy vẫn có nhân viên gác thang máy mặc đồng phục và chỉ làm một việc là nhấn nút chọn tầng cho bạn. Đây là sự kế thừa từ thời phong kiến của công việc thuộc loại này cho đến loại công việc như nhân viên tiếp tân và nhân viên tiền sảnh tại những nơi rõ ràng là không cần họ.

Rõ ràng, nếu một ngày chỉ có một cú điện thoại gọi đến thì bất kỳ ai trong công ty cũng có thể xử lý được, giống như cách người ta hay làm ở nhà: Khi điện thoại reo thì ai tình cờ đang ở gần điện thoại và không bận việc thì người đó sẽ trả lời. Tại sao phải bỏ ra một cục lương và phúc lợi toàn thời gian cho một người phụ nữ – thực ra trong trường hợp này, dường như có đến hai người phụ nữ – chỉ để ngồi ở bàn tiếp tân cả ngày và không làm gì cả? Câu trả lời là: Vì không làm như vậy thì sẽ gây sốc và kỳ quái. Sẽ chẳng ai nghiêm túc với một công ty không có nhân viên lễ tân!

Khi công ty thuê một người làm nền không cần thiết, liệu người làm nền đó có được giao việc gì để làm hay không thì lại là một vấn đề hoàn toàn thứ yếu – nó phụ thuộc vào toàn bộ các yếu tố ngoại lai, ví dụ: có việc cần làm hay không, nhu cầu và thái độ của cấp trên, cách đối xử dựa trên giới tính và các ràng buộc về thể chế. Nếu tổ chức phát triển quy mô, tầm quan trọng của người có vị trí cao cấp sẽ được đo lường bằng tổng số nhân viên dưới quyền của họ. Đến lượt điều này lại tạo ra một động lực, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, cho những người đứng đầu tổ chức thuê thêm nhân viên rồi sau đó mới quyết định sẽ làm gì với các nhân viên mới ấy – hoặc thậm chí là chống lại mọi nỗ lực loại bỏ các công việc dư thừa.

Nhóm tay sai

Từ “tay sai” ở đây có nghĩa ẩn dụ vì tác giả không sử dụng nó để chỉ các tay giang hồ thứ thiệt hoặc các hình thức “cho thuê cơ bắp” khác. Thay vào đó, ông đề cập đến những người làm công việc có tính lôi kéo, nhưng chủ yếu là để nói đến những người tồn tại chỉ vì những người khác sử dụng họ.

David đã đưa công việc tay sai vào loại công việc vô nghĩa đa phần là vì lý do này: Rất nhiều người đang làm việc tay sai cảm thấy công việc của họ không có giá trị xã hội và không nên tồn tại.

“Lý do tôi nghĩ từ “tay sai” thích hợp là vì trong hầu hết các trường hợp, những người này thấy chán công việc không chỉ vì họ cảm thấy thiếu giá trị tích cực mà còn vì họ thấy chúng thực chất có tính thao túng và lôi kéo.” Ông nói.

Tương tự, ông đã nhận được khá nhiều tự thuật từ các nhân viên của tổng đài quảng cáo qua điện thoại. Không ai coi công việc của mình là nhảm nhí vì lý do điều kiện làm việc, mà lý do là công việc của họ liên quan đến chuyện lừa phỉnh hoặc gây áp lực cho người khác làm những việc không thực sự đem lại lợi ích cao nhất cho họ. Đây là một số ví dụ:

“Tôi đã làm qua một loạt các công việc vô nghĩa ở các tổng đài – bán những thứ mà mọi người không thực sự muốn/cần, nhận yêu cầu bảo hiểm, tiến hành các nghiên cứu thị trường vô nghĩa.”

“Hầu hết các dịch vụ hỗ trợ của chúng tôi là các thao tác máy tính cơ bản mà khách hàng có thể dễ dàng tra trên Google. Tôi nghĩ họ nhắm đến những người già hoặc những người không đủ kiến thức.”

“Gần như toàn bộ nguồn lực của tổng đài chúng tôi dành để huấn luyện cho nhân viên cách nói chuyện với mọi người về những điều mà khách hàng không cần thay vì giải quyết các vấn đề thực sự mà người ta gọi đến để hỏi.”

Nhóm vá víu

“Vá víu” là những công việc tồn tại chỉ vì một trục trặc hoặc lỗi trong tổ chức; người làm công việc vá víu nghĩa là họ ở đó để giải quyết một vấn đề mà đáng lý ra nó không nên tồn tại. Thuật ngữ này xuất phát từ ngành công nghiệp phần mềm, nhưng tôi nghĩ nó có tính ứng dụng chung.

Ví dụ rõ ràng nhất về công việc vá víu là những người dưới quyền phải làm các việc chỉnh sửa lại những thiệt hại do cấp trên gây ra do cẩu thả hoặc không đủ năng lực.

Rất nhiều kiểu công việc vá víu là hậu quả từ một lỗ hổng trong hệ thống mà không ai buồn sửa – những nhiệm vụ hoàn toàn có thể được tự động hóa nhưng cuối cùng không được làm vì không ai buồn ngó đến hoặc vì người sếp muốn duy trì càng nhiều nhân viên cấp dưới càng tốt, hoặc vì một số nhầm lẫn trong cấu trúc tổ chức, mà cũng có thể là sự kết hợp của cả ba yếu tố này. Tôi có rất nhiều lời chứng minh cho chuyện đó. Sau đây là hai ví dụ:

“Công việc của tôi là photocopy hồ sơ sức khỏe các cựu chiến binh trong bảy tiếng rưỡi mỗi ngày… Mọi nhân viên được nhắc đi nhắc lại rằng mua máy móc để số hóa là quá tốn kém.”

“Tôi được giao một nhiệm vụ là kiểm tra một hộp thư để nhận các email dưới dạng một biểu mẫu nhất định từ các nhân viên trong công ty gửi đến để yêu cầu trợ giúp kỹ thuật, rồi tôi sao chép và dán nó vào một biểu mẫu khác.”

Không cần phải nói rằng những người làm công việc vá víu hầu như luôn nhận thức được rằng họ có một công việc vô nghĩa và thường khá tức giận về nó.

Nhóm làm màu

Tác giả sử dụng từ “làm màu” để nói về các lao động chỉ tồn tại để tổ chức có thể tuyên bố rằng họ đang làm một việc gì đó, mà trên thực tế thì họ không làm gì cả. Lời chứng sau đây là từ một phụ nữ làm công việc điều phối các hoạt động giải trí trong một trung tâm điều dưỡng: “Chủ yếu công việc của tôi là phỏng vấn cư dân rồi điền vào mẫu phiếu liệt kê sở thích của họ. Các phiếu này sau đó sẽ được nhập vào máy tính và bị lãng quên mãi mãi. Riêng mẫu phiếu giấy thì vì một lý do nào đó vẫn được lưu giữ lại. Đối với sếp tôi thì hoàn thành các tờ phiếu là phần quan trọng nhất trong công việc, và tôi sẽ gặp rắc rối to nếu làm chậm. Rất nhiều lần, tôi hoàn thành một mẫu phiếu cho một cư dân lưu trú ngắn hạn, và họ rời đi ngay ngày hôm sau. Tôi đã bỏ đi hàng núi giấy. Các cuộc phỏng vấn hầu hết chỉ khiến cư dân khó chịu, vì họ biết đó chỉ là giấy tờ nhảm nhí, và không ai quan tâm đến sở thích cá nhân của họ.”

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với việc “làm màu” qua nhiều hoạt động xã hội. Nếu một nhân viên bị bắt quả tang làm điều gì đó rất tệ – ví dụ như nhận hối lộ – thì phản ứng đầu tiên là họ sẽ lập một “ủy ban tìm kiếm sự thật” để đi đến tận cùng của vấn đề. Điều này phục vụ hai mục đích: Trước hết, đó là một cách để khẳng định rằng, ngoài một nhóm nhỏ có hành vi sai trái thì không ai khác có thể ngờ rằng chuyện này lại xảy ra (tất nhiên, điều này hiếm khi đúng); thứ hai, đó là một cách ngụ ý rằng, một khi tất cả các sự kiện được làm sáng tỏ thì chắc chắn sẽ có ai đó làm gì đó với nó (chuyện này cũng hiếm khi đúng luôn). “Ủy ban tìm kiếm sự thật” chính là thứ để “làm màu” với mọi người rằng tổ chức đó đang thực sự quan tâm giải quyết vấn đề. Các tập đoàn lớn cũng có cách hành xử y như vậy nếu như họ bị tố cáo là sử dụng nô lệ hoặc lao động trẻ em hoặc xả chất thải độc hại.

Nhóm vẽ chuyện

“Vẽ chuyện” có thể chia làm hai nhóm nhỏ nữa. Loại 1 gồm những người có vai trò thuần túy là giao việc cho người khác. Công việc này có thể bị coi là nhảm nhí nếu bản thân người đó tin rằng không cần sự can thiệp của mình thì cấp dưới vẫn hoàn toàn có khả năng tự tiếp tục công việc. Do đó, người vẽ chuyện loại 1 có thể được coi là có liên quan với những người làm nền: “Vẽ chuyện là cấp trên không cần thiết, làm nền là cấp dưới không cần thiết.”

Trong khi người vẽ chuyện loại 1 chủ yếu là vô dụng thì loại 2 mới thực sự gây hại. Vai trò chính của người vẽ chuyện loại 2 là tạo ra việc vô nghĩa cho người khác làm, giám sát những chuyện nhảm nhí hoặc thậm chí tạo ra những công việc vô nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Ta có thể gọi họ là máy phát việc vô nghĩa cũng được. Người vẽ chuyện loại 2 cũng có thể có những nhiệm vụ thực sự bên cạnh vai trò vẽ việc. Tuy nhiên, nếu tất cả hoặc hầu hết những gì họ làm là tạo ra việc vô nghĩa cho người khác thì công việc họ cũng có thể được xếp vào công việc vô nghĩa.

Nền văn minh “không phải làm việc có ích” mà “làm để có mà làm”
David Graeber – nhà nhân học người Mỹ đã để lại di sản quan trong, đôi khi gây tranh cãi về hiện tượng Bullshit Jobs. Không đơn thuần giải thích lý do tại sao phải làm công việc vô nghĩa mà ông còn “mổ xẻ” kỹ càng để cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội như lực lượng lao động, các qui tắc hành chính quan liêu đội lốt dự án kinh tế, tình trạng tự biến chính mình thành nô lệ khi dành phân nửa thời gian để làm những việc vô nghĩa…Tất cả những điều này lâu dần trở thành sự thù ghét, oán hận và nghi ngờ đã trở thành chất kết dính gắn kết toàn xã hội lại với nhau. Đồng thời các nền kinh tế trên thế giới ngày càng trở thành các cỗ máy khổng lồ, sản xuất ra những thứ vớ vẩn. Đây là một tình trạng thảm họa của vấn đề việc làm.

— HR Insider/ Theo Cafebiz.vn —
VietnamWorks
– Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

adsads
Bài Viết Liên Quan

9 dấu hiệu cho thấy bạn đã chinh phục thành công buổi phỏng vấn

Mỗi buổi phỏng vấn là một cơ hội để bạn chứng tỏ khả năng và sự phù hợp với công ty. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra khi nào mình thật sự đã chinh phục được nhà tuyển dụng. Liệu bạn có thể cảm nhận được mình đã ghi điểm hay chưa? Để giúp bạn nhận diện dấu hiệu rõ ràng nhất, bài viết này sẽ chia sẻ 9 dấu hiệu cho thấy bạn đã thành công trong buổi phỏng vấn.

Phát hiện bản thân không cùng "tần số" với đồng nghiệp mới, tôi phải làm sao?

Bạn đã bao giờ bước chân vào một môi trường mới, với đồng nghiệp mới, và ngay lập tức nhận ra mình không hoàn toàn hòa nhập? Không phải vì ai đó tỏ ra lạnh nhạt hay cố tình gây khó dễ, mà đơn giản là bạn cảm thấy… khác tần số.

Chọn quà giáng sinh cho đồng nghiệp theo 12 cung hoàng đạo

Bí quyết chọn quà Giáng sinh "trúng tủ" cho đồng nghiệp theo 12 cung hoàng đạo

Đã bao giờ bạn đau đầu với câu hỏi "Nên tặng gì cho đồng nghiệp dịp Giáng sinh?" chưa? Việc chọn một món quà vừa phù hợp, vừa thể hiện sự tinh tế không hề đơn giản, đặc biệt là trong môi trường công sở. Nhưng bạn có biết không, những đặc điểm tính cách theo cung hoàng đạo có thể là chìa khóa giúp bạn chọn được món quà "đúng gu" đấy!

AI CV review: Biến CV chuẩn JD với trợ thủ AI từ VietnamWorks

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự xuất hiện của các hệ thống lọc tự động như Applicant Tracking System (ATS), một CV đẹp mắt thôi là chưa đủ. Bạn cần một công cụ giúp đánh giá chính xác mức độ phù hợp của hồ sơ với yêu cầu công việc. Đây chính là lúc tính năng AI CV Review từ VietnamWorks phát huy tác dụng, giúp bạn tối ưu hóa CV để nổi bật trong đám đông ứng viên. 

Bí quyết để có một Referral mạnh mẽ: Cách thu hút sự giúp đỡ từ người trong nghề

Referral – sự giới thiệu từ người trong nghề – luôn là một cách "ghi điểm" hiệu quả với nhà tuyển dụng. Nhưng làm sao để người khác sẵn lòng giúp bạn mà không thấy phiền phức? Bạn đã bao giờ ngại ngần khi phải nhờ người quen giới thiệu? Và làm thế nào để chia sẻ thông tin công việc nhờ họ giúp đỡ một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn? 

Bài Viết Liên Quan

9 dấu hiệu cho thấy bạn đã chinh phục thành công buổi phỏng vấn

Mỗi buổi phỏng vấn là một cơ hội để bạn chứng tỏ khả năng và sự phù hợp với công ty. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra khi nào mình thật sự đã chinh phục được nhà tuyển dụng. Liệu bạn có thể cảm nhận được mình đã ghi điểm hay chưa? Để giúp bạn nhận diện dấu hiệu rõ ràng nhất, bài viết này sẽ chia sẻ 9 dấu hiệu cho thấy bạn đã thành công trong buổi phỏng vấn.

Phát hiện bản thân không cùng "tần số" với đồng nghiệp mới, tôi phải làm sao?

Bạn đã bao giờ bước chân vào một môi trường mới, với đồng nghiệp mới, và ngay lập tức nhận ra mình không hoàn toàn hòa nhập? Không phải vì ai đó tỏ ra lạnh nhạt hay cố tình gây khó dễ, mà đơn giản là bạn cảm thấy… khác tần số.

Chọn quà giáng sinh cho đồng nghiệp theo 12 cung hoàng đạo

Bí quyết chọn quà Giáng sinh "trúng tủ" cho đồng nghiệp theo 12 cung hoàng đạo

Đã bao giờ bạn đau đầu với câu hỏi "Nên tặng gì cho đồng nghiệp dịp Giáng sinh?" chưa? Việc chọn một món quà vừa phù hợp, vừa thể hiện sự tinh tế không hề đơn giản, đặc biệt là trong môi trường công sở. Nhưng bạn có biết không, những đặc điểm tính cách theo cung hoàng đạo có thể là chìa khóa giúp bạn chọn được món quà "đúng gu" đấy!

AI CV review: Biến CV chuẩn JD với trợ thủ AI từ VietnamWorks

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự xuất hiện của các hệ thống lọc tự động như Applicant Tracking System (ATS), một CV đẹp mắt thôi là chưa đủ. Bạn cần một công cụ giúp đánh giá chính xác mức độ phù hợp của hồ sơ với yêu cầu công việc. Đây chính là lúc tính năng AI CV Review từ VietnamWorks phát huy tác dụng, giúp bạn tối ưu hóa CV để nổi bật trong đám đông ứng viên. 

Bí quyết để có một Referral mạnh mẽ: Cách thu hút sự giúp đỡ từ người trong nghề

Referral – sự giới thiệu từ người trong nghề – luôn là một cách "ghi điểm" hiệu quả với nhà tuyển dụng. Nhưng làm sao để người khác sẵn lòng giúp bạn mà không thấy phiền phức? Bạn đã bao giờ ngại ngần khi phải nhờ người quen giới thiệu? Và làm thế nào để chia sẻ thông tin công việc nhờ họ giúp đỡ một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn? 

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers