Có hàng triệu lý do dẫn đến việc một nhân viên kiếm được ít tiền hơn mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn có một lý do mà chúng ta có thể kiểm soát được. Đó là khi bạn làm việc ở một công ty trên 2 năm, bạn sẽ bị lỗ khoảng 50% mức thu nhập hoặc hơn.
Bạn nên nhớ rằng 50% chỉ là mức thấp nhất trong trường hợp bạn chỉ làm ở một công ty 10 năm. Thời gian làm việc càng dài sự khác biệt càng lớn qua các năm.
Nhảy việc có lợi không?
Trung bình một nhân viên kỳ vọng sẽ được tăng 3% lương trong năm 2014. Các cá nhân xuất sắc có thể hy vọng mức tăng 4,5% còn những ai làm việc kém hơn thì mong đợi chỉ dừng lại ở con số 1,3%. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ theo tính toán của Cục Thống kê Lao động (BLS) dựa trên Chỉ số giá tiêu dùng là 2,1%. Như vậy trung bình, mức tăng lương thực tế chỉ chưa đến 1%.
Sẽ rất khó để ban lãnh đạo một công ty thay đổi quyết định tăng lương ít ỏi của mình. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định liệu ta có muốn ở lại một công ty chỉ tăng lương ít cho chúng ta như vậy không. Tỷ lệ tăng lương trung bình mà một nhân viên nhận được khi nhảy việc nằm trong khoảng 10% đến 20%. Thậm chí có những trường hợp nhân viên được tăng tới hơn 50% lương, tùy hoàn cảnh và ngành nghề của mỗi người.
Tại sao những người nhảy việc lại được thưởng trong khi nhân viên gắn bó dường như đang bị phạt bởi sự trung thành của mình? Câu trả lời rất đơn giản. Nền kinh tế suy thoái đã khiến các công ty đóng băng ngân sách và giảm quỹ lương cho nhân viên. Chúng ta có thể thông cảm với hành động này, tuy nhiên mức lương giảm vốn dĩ “tạm thời” lại trở thành tiêu chuẩn của thị trường, khiến con số 3% trở thành định mức.
John Hollon, BTV của Workforce.com lại cho rằng 5% mới là mức tăng lương trung bình hàng năm ở Mỹ. Suy thoái kinh tế đang chỉ là cái cớ hoàn hảo cho các công ty thu hẹp quỹ lương và giảm mức tăng lương trong dài hạn.
Chuyên gia tuyển dụng Bethany Devine tại thung lũng Silicon cho biết: “Tôi gặp rất nhiều những CV từng làm ở rất nhiều công ty, mỗi công ty vài năm. Những người từng chuyển việc thường yêu cầu mức lương cao hơn. Khi bạn làm việc lâu dài ở một công ty, bạn sẽ bắt đầu với một mức lương cơ bản và hàng năm được tăng thêm một chút tùy vào lương hiện tại. Thông thường mức tăng này chỉ có giới hạn trong một khoảng nhất định. Tuy nhiên, nếu chuyển sang công ty khác, bạn sẽ có thể yêu cầu một mức lương cơ bản cao hơn.
Các công ty đang “đánh nhau” để tuyển được nhân tài nên họ chẳng ngại việc trả thêm tiền để giành được những người tốt nhất. Trả lương cao hơn đôi khi đồng nghĩa với việc họ thuê được người tốt hơn. Điều này cũng tương tự cho các chức danh. Rất nhiều công ty đang phải giới hạn số người được thăng chức trong một năm. Một khi bạn làm việc mãi trong một công ty, bạn sẽ rất khó được thăng chức, vì bạn có thể đang phải xếp hàng sau nhiều người đủ tiêu chuẩn thăng chức từ những năm trước đó. Tất cả vì giới hạn số lượng.
Tuy nhiên, khi bạn ứng tuyển vào công ty khác, kỹ năng của bạn có thể phù hợp với vị trí cao hơn và công ty đó sẽ tuyển dụng bạn với chức danh mới. Tôi đã từng biết rất nhiều người chỉ được thăng chức khi họ sang công ty mới.”
Vậy nhảy việc nhiều có gây hại gì không?
Nhiều người e ngại rằng nhảy việc thường xuyên sẽ làm xấu sơ yếu lý lịch và bị đánh giá thấp. Bởi nhiều nhà tuyển dụng sẽ không hài lòng với những ứng viên hay “đứng núi này trong núi nọ” và loại hồ sơ của họ.
Tuy nhiên liệu có phải những thiệt hại lớn hơn thành quả. Nhiều nhà tuyển dụng khẳng định sẽ không cân nhắc những ứng viên nhảy việc hơn 3 lần trong 10 năm, bất kể lý do gì. Tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nhân viên nên chuyển việc mỗi 3 đến 4 năm để được tăng lương nhiều nhất. Vấn đề không phải là việc bạn có nên chuyển việc hay không mà là bạn nên đợi bao lâu để có thể tối đa hóa mức lương và đạt được mục tiêu.
Brendan Burke, Giám đốc của Headwaters lại cực lực phản đối văn hóa này. Theo ông, nhiều công ty không thăng chức và thưởng cho nhân viên vì nhiều lý do. Trong đó có cả lý do liên quan đến chính trị công sở. Nhiều nhân viên tài năng của công ty đã nghỉ việc chỉ bởi không thích nghi được những vấn đề này. Tuy nhiên đây là một rào cản mà không một công ty nào có thể tránh khỏi.
Cuối cùng, thì chúng ta thường nói nhiều đến vấn đề tiền bạc. Các chuyên gia nhận định, chuyển việc sẽ khiến bạn bị stress. Ngoài tiền lương, người lao động sẽ gặp nhiều vấn đề khác như chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như các chuẩn mực đạo đức. Dù tiền có quan trọng thì bạn cũng cần cân đối giữa tiền và các vấn đề khác của cuộc sống nữa.
Vậy bạn nghĩ gì về vấn đề này? Nên ở lại công ty cống hiến trong khoảng thời gian dài hay là nhảy việc liên tục để đối mặt với những thử thách mới?
Xem thêm: Chuẩn bị gì khi nhảy việc?
– HR Insider / Theo Cafebiz –
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.