Căng thẳng với việc phỏng vấn là lẽ dĩ nhiên nhưng sẽ càng nâng cao nếu như bạn đang thất nghiệp và áp lực bản thân phải nhận được công việc đang ứng tuyển để đảm bảo mức lương giúp bạn chi trả cho cuộc sống. Chính vì những điều này khiến cho không ít ứng viên lo lắng dẫn đến việc họ luôn tự ti và luôn hoài nghi và tưởng tượng một phiên bản khác kém hoàn hảo của chính bản thân mình và điều này khiến cho họ không dám thể hiện rõ năng lực trong các cuộc phỏng vấn.
Việc nghi ngờ bản thân sẽ khiến cho bạn mất niềm tin vào khả năng chuyên môn cũng như khả năng thành công của bản thân. Năng lực, thành tựu hay khả năng ứng biến đều sẽ bị ảnh hưởng nếu như bạn cứ mãi suy nghĩ tiêu cực, vì vậy, giữ cho bản thân sự tích cực trước khi bắt đầu phỏng vấn sẽ giúp bạn gia tăng khả năng thành công. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn loại bỏ cảm xúc tiêu cực và hoàn thành tốt buổi phỏng vấn:
Bạn cần hiểu được mục tiêu cuối cùng của phỏng vấn
Hầu hết ứng viên đều mong muốn có được công việc khi tham gia buổi phỏng vấn, chính sự kỳ vọng này sẽ khiến bạn dễ cảm thấy lo lắng và hoài nghi về bản thân. Mặc dù CV thể hiện rõ ràng được những thành tựu trong công việc của bạn nhưng vài giờ trao đổi với nhà tuyển dụng mới là yếu tố trực tiếp quyết định việc bạn được chọn hay bị loại. Vì vậy, mục tiêu bạn cần hướng đến là hãy tạo sự khác biệt và nổi bật với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.
Tuy vậy, đa số ứng viên hiện nay lại thường nghĩ rằng để thành công trong buổi phỏng vấn thì họ cần tập trung để thể hiện được kỹ năng chuyên môn, đem đến những số liệu hay kết quả cụ thể để chứng minh bản thân đủ khả năng hoàn thành được công việc. Nhưng sự thật là nhà tuyển dụng đều đã biết được kỹ năng và năng lực của bạn thông qua hồ sơ ứng tuyển và điều họ mong muốn khi đến buổi phỏng vấn là để biết được rằng họ sẽ làm việc với ai và tính cách như thế nào trong tương lai. Một trong những điều quyết định sự thành – bại của cuộc phỏng vấn là bạn cần hiểu rõ được về lĩnh vực của mình cũng như thể hiện được rõ phong cách làm việc của bản thân để nhà tuyển dụng hình dung rõ nếu bạn trở thành đồng nghiệp.
Luyện tập và luyện tập nhiều hơn
Việc luyện tập sẽ khiến cho bạn nâng cao khả năng phản xạ và kỹ năng phỏng vấn để từ đó giúp bạn tự tin hơn. Một cuộc phỏng vấn giả định với người thân hoặc bạn bè sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt cho những câu hỏi đặc trưng trong cuộc phỏng vấn và cũng giúp bạn chỉnh sửa và chọn lựa những điểm mạnh và thành tựu thích hợp cho vị trí công việc bạn đang ứng tuyển. Việc bạn thực hành như tham gia vào một cuộc phỏng vấn giống như một buổi diễn tập giúp bạn thoải mái thể hiện những kỹ năng của bản thân để tăng sự tự tin và giảm thiểu sự hoài nghi vào bản thân.
Luôn giữ bình tĩnh trong buổi phỏng vấn
Dù cho bạn đã chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn thì chắc chắn khi thực sự được phỏng vấn thì bạn cũng sẽ có một chút sợ hãi và lo lắng khi phải chịu sự đánh giá từ nhà tuyển dụng. Để giảm bớt lo lắng và hốt hoảng cho buổi phỏng vấn thì bạn nên kiểm soát các yếu tố có thể ảnh hưởng chẳng hạn, nếu bạn sợ đến trễ thì hãy thử đi đến địa điểm bằng nhiều tuyến đường khác nhau để biết được thời gian cũng như lựa chọn tuyến đường thông thoáng và phù hợp.
Bạn cũng có thể giảm sự căng thẳng ở những công việc bạn cảm thấy thoải mái như đi bộ hoặc tập thể dục vào buổi sáng sớm để bạn gia tăng sự tập trung cũng như loại bỏ cảm xúc tiêu cực và sự hoài nghi vào bản thân.
Cuối cùng, để tránh được sự lo lắng, tự hoài nghi và bất an là hãy đặt bản thân vào vị trí của công ty và nhà tuyển dụng để hiểu được rõ mục tiêu trong cuộc phỏng vấn này là gì. Khi bạn tìm hiểu và thấu hiểu được công ty và công việc, bạn có thể kể những trải nghiệm tương tự trong việc xử lý những vấn đề tương tự sẽ giúp bạn trở nên tự tin hơn và nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
— HR Insider/ Theo HBR —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.