Nguyên tắc
1. Nắm bắt suy nghĩ của đối phương
Khi có mong muốn được đàm phán mức lương mà nhà tuyển dụng đưa ra, việc đầu tiên bạn cần làm là đặt câu hỏi để dò xét liệu bạn có thể đàm phán về mức lương này. Những câu hỏi như:
- “Mình có thể trao đổi thêm về mức lương này được không?”
- “Ngoài mức lương ra, chúng ta có thể đề cập các khía cạnh phúc lợi khác được không?”
Thoạt đầu có thể hơi dư thừa, tuy nhiên đây là cách an toàn, tinh tế để thể hiện sự thận trọng của bạn trong các vấn đề này.
Hơn thế nữa, yếu tố cảm tình là vô cũng quan trọng. Đừng quên trang bị cho mình những cách thức để nhận định được liệu nhà tuyển dụng đã có cảm tình tốt với ứng viên là mình hay không. Việc nắm bắt được rằng mình đã nằm trong danh sách những ứng viên có thể được chọn sẽ giúp việc đàm phán diễn ra suôn sẻ hơn.
2. Xác định sẽ có ý kiến trái chiều
Trong đàm phán lương, trách nhiệm của nhà tuyển dụng là đưa ra mức thù lao thích hợp với giá trị và những tiềm năng bạn sẽ mang lại cho công ty. Vì vậy, họ sẽ đưa ra những câu hỏi mang tính thử thách để đo lường mức độ xứng đáng của bạn. Hãy chuẩn bị tinh thần sẽ có những câu hỏi khó như:
- “Với kinh nghiệm chưa đầy X năm trong lĩnh vực ABC, vì sao bạn cho rằng mình xứng đáng với mức lương này?”
- “Chúng tôi có phải là công ty duy nhất bạn ứng tuyển?”
- “Nếu chúng tôi chỉ có ngân sách là XXX cho vị trí của bạn, bạn thấy sao?”
Lời khuyên cho bạn trước những câu hỏi này là “hãy thành thật!” Một khi “rào trước đón sau,” bạn có thể gián tiếp làm nhà tuyển dụng và bản thân mình không còn thoải mái trong việc thỏa thuận, thậm chí còn có thể để lộ điểm yếu của mình. Sự tin tưởng lẫn nhau qua đó cũng có thể bị lung lay.
3. Ý định của câu hỏi quan trọng hơn nghĩa đen của nó
Đừng nóng vội đưa ra kết luận như việc nhà tuyển dụng hỏi các câu hỏi hóc búa đồng nghĩa với việc anh ấy hay chị ấy muốn “làm khó” bạn hay tệ hơn là muốn hạ mức lương thỏa thuận xuống. Ý định của câu hỏi như “liệu bạn đang có các offer khác?” nhằm muốn hiểu được bạn đang đi tìm điều gì và liệu công ty có khả năng “mất bạn” nếu không nhanh chóng đưa ra quyết định hay không. Vì vậy, trước khi hiểu rõ được ý định của câu hỏi, hãy cân nhắc trao đổi thêm với nhà tuyển dụng để nắm bắt chính xác mục đích của câu hỏi nhé.
4. Có cái nhìn tổng thể
Mức lương tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả. Hãy đến với buổi đàm phán với một khoản lương mà bạn có thể chấp nhận thay vì duy nhất một con số. Những yếu tố như giờ làm việc, văn hóa công ty, cơ hội phát triển cũng quan trọng không kém. Ngoài mức lương, có những phúc lợi khác mà chính sách của một công ty tốt sẽ chú trọng phát triển để giữ nhân viên như gói bảo hiểm, ngày phép, chính sách đào tạo và phát triển, chính sách công nhận, khen thưởng,… Vì vậy, khi quyết định đàm phán, bạn nên đàm phán nhiều yếu tố cùng một lúc, thay vì khía cạnh phúc lợi này rồi mới đến khía cạnh phúc lợi khác.
5. Đàm phán là để đôi bên cùng có lợi
Không nên đến với buổi đàm phán lương trong tâm thế “phải thắng.” Đây là quan niệm mà nhà tuyển dụng, những người có kinh nghiệm, sẽ nhận thấy và không đánh giá cao. Vì khi đi tìm đồng nghiệp, họ sẽ cần những ứng viên biết lắng nghe và chia sẻ đối với những khó khăn hiện hữu của công ty. Càng nắm bắt tốt điểm mạnh và điểm yếu của đôi bên, bạn sẽ càng có những đề nghị hợp tình, hợp lý. Điều này không những giúp việc đàm phán trở nên hiệu quả, mà còn đảm bảo quá trình đồng hành cùng công ty của bạn được bền vững.
Tinh thần
1. Hãy tự tin
Việc đưa ra những quan điểm và lập luận với sự tự tin trong lúc đàm phán sẽ làm tăng “trọng lượng” của các lập luận này. Bạn càng tự tin truyền đạt, nhà tuyển dụng sẽ càng tự tin trong việc lắng nghe ý kiến của bạn. Hãy nhớ rằng bạn đang chia sẻ cụ thể năng lực và kinh nghiệm của bạn sẽ có đóng góp quan trọng như thế nào cho tổ chức.
2. Biết trân trọng
Hãy giữ cho mình niềm tin và thái độ tích cực về cơ hội được trao đổi với nhà tuyển dụng. Dù kết quả ra sao, bạn đã có may mắn được trải nghiệm và học hỏi được cách mà các nhà tuyển dụng tư duy. Vì vậy, hãy luôn tinh tế thể hiện rằng bạn trân trọng và biết ơn trước cơ hội được gặp gỡ, trao đổi.
3. Kiên trì và bình tĩnh
Trong lúc đàm phán, nhà tuyển dụng cũng sẽ đưa ra các lập luận và quan điểm của họ. Hãy lắng nghe thận trọng và chọn cho mình những thời điểm thích hợp để phản biện. Đứng trước một lời đề nghị, đừng cảm thấy áp lực phải phản hồi ngay, nếu thực sự cảm thấy cần thời gian để suy nghĩ, bạn hãy bình tĩnh xin họ đôi phút để có thể cân nhắc được nhiều khía cạnh bạn nhé.
4. Tránh đưa ra các đề nghị một chiều
Những câu nói mang tính được và mất như “nếu anh không làm điều này, thì tôi sẽ không…” Những cách nói như vậy e là sẽ giống “tối hậu thư”. Đôi khi, không cố tình nhưng chúng ta vẫn làm vậy để cố gắng thể hiện và giành cho mình lợi thế. Những lúc khác, vô thức chúng ta vẫn có biểu hiện tương tự nhất là khi thấy thất vọng vì quá trình đàm phán đang dần đi sai hướng. Hoặc cũng có thể chính nhà tuyển dụng đưa ra những câu nói như vậy. Việc bạn nên làm đơn giản là phớt lờ nó. Đến một lúc nào đó, nhà tuyển dụng cũng ít nhiều nhận ra rằng cách nói như vậy không hay, và có thể phá vỡ cơ hội hợp tác tiềm năng.
5. Sẵn sàng từ bỏ khi cần
Trong trường hợp nhà tuyển dụng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu về lương tối thiểu của bạn hay đưa ra các lợi ích đền bù khiến bạn cảm thấy xứng đáng, hãy tự suy xét xem vị trí ứng tuyển này có đủ làm bạn thỏa hiệp không. Nếu các yếu tố như trách nhiệm sắp tới sẽ vừa sức bạn, công ty thì gần nhà hoặc có sự linh hoạt về giờ giấc, hãy cân nhắc chấp nhận mức lương thấp hơn. Tuy nhiên, nếu các yếu tố trên cũng không đủ thuyết phục, đừng do dự mà hãy sẵn sàng tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, bạn hãy nhớ việc lập ra cho mình kế hoạch đàm phán và sự chuẩn bị trước là vô cùng quan trọng. Thêm vào đó, việc cân bằng giữa nguyên tắc và tính linh hoạt trong đàm phán là cả một kỹ năng cần tập luyện. Hy vọng với 5 bước chuẩn bị và 10 lưu ý trong đàm phán phúc lợi, bạn sẽ sớm tìm cho mình các mức đãi ngộ xứng đáng, góp phần vào thành công trong sự nghiệp và cơ hội thăng tiến của bạn.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.