Khi tìm được một công việc mới, bạn sẽ hào hứng pha lẫn chút lo âu khi phải từ bỏ những điều quen thuộc, thậm chí có thể là một vài người bạn tốt. Ngay cả khi bạn đang bỏ lại đằng sau những phiền toái trong công việc, việc ra đi một cách đường hoàng và gây được ấn tượng tốt vẫn là một ý hay. Trên thực tế, nếu bạn bàn giao công việc một cách chu đáo, nhà tuyển dụng (NTD) cũ có thể xem việc bạn thăng tiến ở chỗ làm mới là việc tất yếu. Hãy thực hiện 6 bước sau để giúp bạn thu xếp ổn thỏa công việc cũ và bắt đầu công việc mới.
Trung thực về lý do nghỉ việc
Thư từ nhiệm của bạn phải trình bày rõ ràng lý do khiến bạn rời bỏ công việc một cách trung thực và thỏa đáng. Dù bạn nghỉ việc do đã tìm được môi trường làm việc khác lành mạnh hơn, một mức lương tốt hơn hay để thoát khỏi vị sếp không thể chịu đựng nổi, hãy thành thật khi viết thư từ nhiệm. Nhiều người có xu hướng “thêm thắt” vào câu chuyện của mình. Nếu bạn nói dối, bạn có thể tự gây khó khăn cho chính mình. Sếp của bạn đủ sắc sảo để phát hiện bất kỳ sự thiếu trung thực nào.
Liệt kê tất cả công việc
Hãy tạm quên đi những bản mô tả công việc, vốn hiếm khi cho biết chính xác công việc hằng ngày của một cá nhân. Thế nên, hãy đối xử tốt với sếp và đồng nghiệp bằng cách liệt kê một danh sách thật cụ thể mọi công việc mà bạn đảm nhận cùng những chỉ dẫn thật chi tiết về cách thực hiện những công việc đó. Đồng nghiệp của bạn hẳn sẽ rất cảm kích khi nhận được bản hướng dẫn cặn kẽ này, đồng thời đánh giá cao năng lực của bạn vì bạn đã làm được rất nhiều việc trong thời gian gắn bó với công ty.
Giúp người mới nắm vững công việc
NTD thường yêu cầu nhân viên thông báo ít nhất một tháng trước khi nghỉ việc. Tuy nhiên, phần lớn các công ty đều đánh giá cao việc bạn ở lại thêm để giúp nhân viên mới làm quen với công việc.
Có thể NTD mới đang rất sốt ruột đợi bạn bắt tay vào việc và cũng có thể bạn muốn nghỉ ngơi một tuần trước khi bắt đầu công việc mới. Tuy nhiên, bạn nên dành nhiều thời gian nhất có thể cho người thay thế vị trí của bạn hoặc đồng nghiệp tạm thời gánh thay công việc cho bạn; giúp họ thành thạo với công việc này. Nếu bạn làm thế, sếp của bạn sẽ rất biết ơn bạn. Đồng thời, bạn cũng gửi đi một thông điệp rằng bạn mong muốn các đồng nghiệp và NTD cũ luôn thành công.
Thân thiện với bộ phận nhân sự
Bạn có thể sẽ muốn tìm hiểu một số thông tin về tiền thưởng, tiền lương của tháng cuối cùng và trợ cấp thôi việc. Thế nhưng, cũng không nên trông đợi bộ phận nhân sự sẽ ngay lập tức đáp ứng cho bạn. Nên chủ động tìm hiểu các chính sách của công ty và cho họ thời gian để trả lời các thắc mắc của bạn. Phòng nhân sự là một trong những phòng ban bận rộn nhất, bởi họ phải đạt được năng suất làm việc cao nhất và những hạn chót khắt khe với số nhân lực giới hạn.
Giúp sếp tìm người thay thế
Bạn cũng nên tận dụng những mối quan hệ xung quanh để giúp sếp tìm kiếm người sẽ thay thế vị trí của mình. Nếu đề cử được ứng viên phù hợp với công việc, bạn còn có thể nhận được một khoản tiền thưởng.
Gửi lời chúc tốt đẹp đến mọi người
Hãy dành thời gian để chào tạm biệt những đồng nghiệp của bạn trong công ty. Bắt tay, mỉm cười và gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người, đặc biệt là cấp trên của bạn. Bày tỏ lòng trân trọng đến mọi sự hỗ trợ mà họ dành cho bạn trong suốt quá trình làm việc. Nên giữ mối liên lạc với đồng nghiệp cũ – họ có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển cá nhân và sự nghiệp của bạn trong tương lai. Nên nhớ, điểm mấu chốt quyết định việc bạn ra đi có để lại ấn tượng tốt đẹp hay không tùy thuộc vào thái độ lịch sự, hòa nhã của bạn.
Theo Hà Khánh – Báo Người Lao Động
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.