Khi bạn thực hiện một lượt tra cứu google nhỏ về mẹo viết CV ấn tượng, chắc hẳn bạn có thể thấy được hàng trăm ngàn các gợi ý khác nhau. Chẳng hạn như: Có nên để phần tóm tắt lên trên đầu không? Có nên thêm vào sở thích cá nhân không?
CV nói cách khác là cơ hội cho bạn tao ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng, liệu bạn có chắc chắn đang nắm trong tay một bản CV hoàn hảo? Hãy cùng lắng nghe ý kiến từ các nhà tuyển dụng hàng đầu về một CV thật chất lượng!
Các chuyên gia nói gì về một bản CV ấn tượng?
Jane Heifetz – một chuyên gia và cùng là sáng lập của công ty chuyên tư vấn về hồ sơ lý lịch “Right Resumes” nói rằng: “Tạo ra một bản lý lịch hoàn hảo là một việc chẳng hề dễ dàng và rất mất thời gian”. Một bản CV chuẩn không phải là việc mà bạn chỉ cần dành cho nó 1 tiếng là có thể hoàn thành được.
“Bạn phải suy nghĩ thật kĩ về những gì bạn muốn trình bày và thể hiện như thế nào để nhà tuyển dụng có thể nhận ra rằng bạn là mảnh ghép thích hợp cho vị trí của họ.”
John Lees, một nhà tư vấn chiến lược nghề nghiệp còn cho rằng “Nói cho cùng thì CV không đơn giản là bản trích ngang thông tin của bạn, nó là một bài marketing cho chính bản thân bạn. Còn nhà tuyển dụng là khách hàng, và bạn chính là sản phẩm. Bạn cần phải cho họ thấy lý do để họ mua bạn”. Và sau đây là một số điểm cần lưu ý để có một bản CV thật ấn tượng.
Mở đầu CV thật mạnh mẽ
CV ấn tượng phần lớn nhờ vào đoạn mở đầu. 15-20 từ đầu tiên trong hồ sơ của bạn sẽ đóng vai trò then chốt bởi nếu bạn thất bại từ câu đầu tiên, bạn sẽ đánh mất sự quan tâm từ nhà tuyển dụng. Hãy bắt đầu với một dòng tóm lược về khả năng của bạn. Bạn sẽ còn cả trang giấy để nói về kinh nghiệm của mình, vì vậy hãy bắt đầu thật ngắn gọn súc tích. Heifetz bổ sung thêm rằng “Hãy trình bày thật rõ ràng rằng bạn sở hữu những điều mà công việc cần”. Nên bao gồm vào cụ thể vị trí mình từng làm, thí dụ như “chuyên viên bảo mật thông tin”, những vị trí và kinh nghiệm bạn đề cập nên phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển.
CV ấn tượng cần có một thứ tự thông tin hợp lý
Nếu bạn đang mong muốn đổi ngành nghề của mình, không nên bắt đầu với kinh nghiệm đó vì chúng sẽ không giúp ích được nhiều cho bạn. Thay vì vậy hãy tạo ấn tượng bằng cách nêu lên những thành tựu, thành tích của bạn ngay sau mục mở đầu. Thông tin đó sẽ là chiếc cầu nối để nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng của bạn và từ đó bạn có thêm cơ hội để được phỏng vấn trực tiếp.
Tiếp sau mục thành tích đạt được (nếu bạn quyết định thêm vào), tiếp theo, hãy liệt kê ngắn gọn những công việc từng làm và kinh nghiệm của bạn, lưu ý chỉ nên nêu những kinh nghiệm thật sự liên quan đến công việc bạn đang muốn xin thôi nhé. Kế tiếp đó là nêu những trường học, các khóa học bạn đã từng học qua. Sẽ có những người sẽ đặt việc học tập lên đầu, nhưng nó chỉ thật sự có ý nghĩa khi bạn xin vào một trường học, còn khi bạn đang xin vào một doanh nghiệp kinh doanh, tốt nhất là hãy để kinh nghiệm làm việc lên đầu và để dành bằng cấp vào mục cuối.
Một số người còn có xu hướng liệt kê những “kĩ năng” mình có? Heifetz khuyên rằng chúng ta nên bỏ hẳn chúng đi. Thay vì liệt kê một cách sáo rỗng và chẳng có gì chứng minh được những kĩ năng của bạn, hãy lồng ghép nó vào kinh nghiệm làm việc của bạn. Ngoài ra, nếu kĩ năng đó là một yêu cầu bắt buộc của công việc, hãy để nó lên đầu tiên.
Hãy biết chọn lọc những thông tin để đưa vào CV
Ai cũng đều muốn đem tất cả những gì mình đã từng làm vào CV của mình, nhưng theo các chuyên gia, chuyện đó không phải là ý kiến hay. Một CV chất lượng cần phải biết chọn lọc thông tin cần thiết, nếu nó chẳng liên quan gì đến công việc, đừng để nó vào. Kể cả bạn có một thành tích tình nguyện đáng ngưỡng mộ, chỉ thêm vào những công việc tình nguyện liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển và nó cần phải để trong mục kinh nghiệm làm việc.
Đôi khi bạn rất tự hào về một số thứ mình đã đạt được và bạn thật sự muốn để nó vào CV?
Lees nói rằng:
“Nhà tuyển dụng đôi khi cũng thích thú với những thứ không liên quan đến công việc mà bạn sở hữu, tuy nhiên hãy xem xét kĩ tính chất công việc bạn muốn ứng tuyển.”
Nếu công việc bạn xin vào tại một công ty đề cao về sự cân bằng giữa cuộc sống xã hội và công việc, chẳng hạn như một số công ty truyền thông, hãy chèn vài dòng về sở thích của mình vào để thể hiện bạn là một con người biết cân bằng cuộc sống. Tuy nhiên với những công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, bài bản hơn, những gì cá nhân là thứ bạn không nên thêm vào.
Biết phân biệt rõ giữa thành tích và trách nhiệm
“Tôi từng quản lý một nhóm 10 người” – điều này chẳng nói lên được gì về những gì bạn làm được. Hãy nêu rõ rằng những nhân tố trong nhóm của bạn đều làm việc hiệu quả, có được sự thăng tiến, đều thực hiện tốt mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, điều đó sẽ giúp ích cho bản CV của bạn. Ngoài ra, bạn có thể miêu tả sơ lược về cách thức quản lý của bạn. Nếu có thể, hãy bao gồm một số những con số cụ thể chẳng hạn như % phát triển về tài chính của công ty, hay là doanh số bán hàng của bạn. Như vậy nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ hơn về khả năng của bạn thông qua những gì thật sự cụ thể.
Hãy làm cho CV của bạn thật dễ đọc
CV ấn tượng còn là một CV dễ đọc. Việc hồ sơ của bạn chỉ nên gói gọn trong một trang đã quá cũ rồi, vì vậy đừng cố nhồi nhét thông tin vào một trang với những con chữ lí nhí chẳng ai đọc nổi. Ngày nay, đa số CV đều từ 2 đến 3 trang, và đó cũng là giới hạn. Nếu bạn là một con người tài năng, giàu kinh nghiệm và có nhiều điều hay ho, một trang sẽ chẳng bao giờ là đủ. Ngoài ra bạn có thể chèn thêm một số liên kết trang web bên ngoài vào, trích dẫn đến những công việc của bạn từ làm, tuy nhiên hãy dành một dòng để thuyết phục nhà tuyển dụng vì sao việc họ bấm vào đường dẫn đó là cần thiết, đừng chỉ để đó rồi thôi.
Hạn chế sử dụng các kiểu chữ màu mè, điều quan trọng là hồ sơ của bạn thật gọn gàng, dễ đọc và đơn giản. Hãy cố điều chỉnh khoảng cách các dòng và độ dài từng dòng sao cho nội dung của bạn nhìn thật thoáng, đừng gây cho nhà tuyển dụng “hoảng sợ” về khối lượng đồ sợ thông tin mà chẳng có phần phân tách nào.
Tham khảo thêm ý kiến của những người xung quanh khi viết CV
Những gì bạn viết về bản thân đôi khi sẽ thiếu chính xác và một chiều vì chẳng ai nghĩ rằng mình có điểm xấu cả, điều này dẫn đến thông tin trong hồ sơ của bạn thiếu đi tính khách quan. Việc có người trợ giúp sẽ giúp bạn hoàn thiện thông tin của mình một cách chuẩn xác hơn, ngoài ra họ còn có thể giúp bạn lựa chọn từ ngữ cho phù hợp nhất. Có một chuyên gia về viết CV hay đơn giản chỉ là một người bạn thân sẽ cho bạn động lực để hoàn thiện hồ sơ.
Hãy có những sự điều chỉnh nhất định khi bạn ứng tuyển vào các vị trí khác nhau
Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng chỉ cần hoàn thiện một bản CV thật tốt là đủ. Tuy nhiên bản chất của CV là sự hội tụ những thông tin quan trọng nhất cho công việc bạn đang ứng tuyển. Vì vậy khi bạn nộp vào những vị trí khác nhau, hãy xem xét thêm bớt nhưng thông tin không cần thiết, và bổ sung vào những thông tin mà bạn nghĩ rất quan trọng với vị trí đó. Điều này không có nghĩa là bạn cần thiết phải viết lại hoàn toàn một hồ sơ mới, nhưng hãy cố chỉnh sửa để phù hợp với từng tình huống.
Những điều nên nhớ
Nên:
- Hãy bắt đầu với đoạn tóm gọn bạn là ai và vì sao bạn là người thích hợp cho vị trí ứng tuyển
- Hãy thể hiện thành tích mà bạn đã đạt được hơn là những “trách nhiệm” bạn từng thực hiện
- Hãy cố thay đổi những phiên bản CV khác nhau với mỗi ngành nghề, vị trí khác nha
Không nên:
- Sử dụng các từ ngữ sáo rỗng – hãy thể hiện bạn có năng lực quan những từ ngữ chi tiết, số liệu cụ thể
- Nhồi nhét thông tin và sử dụng cỡ chữ nhỏ – hồ sơ của bạn cần dễ đọc, dễ theo dõi
- Chỉ đơn thuần sao chép CV của bạn sang LinkedIn – hãy tận dụng LinkedIn làm một bệ phóng cho bản thân mình
— HR Insider / Theo Havard Business Review —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.