Khoảng cách kiến thức giữa 2 người quá lớn khiến nội dung cần truyền tải không tới được người nghe. Vô tình tạo nên khoảng cách trong giao tiếp, tạo nên tình trạng ấp úng vì giải thích nhiều chẳng mấy ai hiểu. Theo tâm lý học, hiện tượng “Lời nguyền kiến thức” này được gọi là “Curse of knowledge”.
Khái niệm “Curse of knowledge”
Con người chúng ta thường vô thức nghĩ rằng, người khác cũng có kiến thức giống bạn về một vấn đề nào đó. Lúc trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực bất kỳ, bản thân chúng ta quên mất tâm thế của một người chưa hiểu biết gì về lĩnh vực này.
Từ đó dẫn tới việc chia sẻ không hiệu quả. Nói đơn giản hơn thì có thể bạn hiểu sâu vấn đề, nhưng chưa chắc đã dạy được người khác hiểu.
Chẳng hạn trong việc học thiết kế đồ họa. Người học thiết kế nửa năm có thể dạy cho người mới hiểu được. Nhưng người học chục năm lại khó truyền đạt được kiến thức cho người mới hiểu.
Cơ chế hoạt động và ảnh hưởng của “Curse of knowledge”
Não bộ con người phản ứng mãnh liệt với mọi điều mới lạ. Tuy nhiên cũng nhanh chóng quen thuộc khi những điều mới lạ đó lặp lại đủ quen.
Vì vậy lúc thành thạo kỹ năng nào đó rồi, thì chúng ta thường quên mất cảm giác lúc mới bắt đầu học. Từ đó khó đặt bản thân vào vị trí và tâm thế của người mới chưa biết gì.
Chính thiên kiến đó tạo nên khoảng cách lớn trong giao tiếp. Bạn có xu hướng nghĩ rằng người khác đã có hiểu biết cơ bản về vấn đề. Nên bạn thường dùng ngôn ngữ chuyên ngành để truyền đạt và gây khó hiểu cho người nghe.
Mặt khác, ở phía người nghe thì chẳng phải lúc nào cũng lên tiếng. Phần lớn vì ngại, hay vì niềm tin sẵn có với bạn. Bên cạnh đó thì não bộ người nghe còn cần thêm thời gian để xử lý lượng thông tin mới lạ khó hiểu vừa nghe được.
Chưa kể, còn có tình trạng người nghe nghĩ rằng bản thân đã hiểu ý bạn nói. Nhưng thực tế lại không phải vậy, thậm chí là hiểu sai vấn đề. Phổ biến nhất với trường hợp những người đến từ những ngành nghề không giống nhau. Khiến trải nghiệm về cùng một vấn đề cũng khác nhau.
“Nghệ thuật” vượt qua “Curse of knowledge”
Dùng từ ngữ dễ hiểu
Bạn thường có xu hướng dùng ngôn ngữ chuyên ngành hay khái niệm trừu tượng trong giao tiếp. Vì bạn càng hiểu sâu vấn đề thì càng muốn khái quát hóa vấn đề. Chính điều này khiến người nghe khó hiểu được những từ bạn nói.
Mẹo nhỏ đơn giản là hãy sử dụng những từ ngữ phổ thông dễ hiểu bạn nhé. Có thể viết lại bằng ngôn ngữ phổ thông trước khi truyền đạt đến người khác. Trường hợp các khái niệm nặng tính chuyên môn thì phải lấy ví dụ dẫn kèm, giúp người nghe dễ hình dung hơn.
Khích lệ người nghe đặt câu hỏi
Nhiều người nghe có tâm lý ngại đặt câu hỏi dù chưa hiểu vấn đề. Nhất là ở lớp học hay văn phòng công ty. Nhưng chính việc đặt câu hỏi là cách quan trọng giúp giao tiếp đạt hiệu quả cao hơn.
Vậy nên bạn cần khích lệ người nghe đặt câu hỏi khi chưa hiểu vấn đề. Lưu ý tránh tạo cảm giác tự ti khi người nghe cảm thấy mình chậm hiểu mới đặt câu hỏi. Hãy tạo giao lưu 2 chiều hỏi đáp vui vẻ, để người nghe thoải mái cởi mở đặt câu hỏi hơn.
Đặt bản thân vào vị trí người nghe
Hãy thường xuyên hỏi người nghe xem họ đã nắm được ý bạn đang truyền đạt chưa nhé. Nếu người nghe có vẻ khó hiểu vấn đề bạn nói, nên điều chỉnh tốc độ nói chậm lại và cách truyền tải thông tin dễ hiểu hơn. Chỉ cần đặt bản thân vào tâm thế người nghe là bạn có thể hiểu được những gì người nghe cần.
Ngoài ra, có thể nhờ người nghe trình bày lại chính vấn đề bạn vừa nói theo cách họ hiểu. Lúc bạn nghe vấn đề ở phiên bản ngôn ngữ phổ thông, sẽ dễ nhận ra những lỗ hổng cần khắc phục.
Trên đây là “nghệ thuật” vượt qua “Curse of knowledge” cho nỗi ấp úng khi giải thích nhiều nhưng chẳng mấy ai hiểu. Chỉ cần vận dụng những cách trên là bạn có thể truyền đạt thông tin đến người nghe một cách dễ hiểu nhất. Chúc bạn sớm vượt qua “lời nguyền kiến thức” này nhé!
Xem thêm: Tasks – món quà Sếp trao nếu nhận thì không biết, không nhận thì tiếc
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.