Mỗi chúng ta đều sẽ tìm thấy cho bản thân một công việc ổn định. Có người may mắn tìm được một công việc lí tưởng, vừa thỏa sức với đam mê, vừa giải quyết được vướng bận vật chất hàng ngày. Có người lao đao tìm kiếm một nơi thuộc về, để rồi vì chuyện “cơm áo gạo tiền” mà lựa chọn một công việc không mấy hứng thú. Có người yêu viết tiểu thuyết nhưng rồi kết cục trở thành một biên tập viên. Có người đam mê xê dịch, nhưng rồi lại chịu bó gối nơi văn phòng tù túng. Tất cả chỉ vì những đồng lương ổn định qua ngày.
Nhưng liệu mỗi sáng thức dậy, chúng ta có cảm thấy vui vẻ khi nghĩ đến công việc hiện tại của mình? Mỗi ngày đi làm, trừ ngày nhận lương thì 29 ngày còn lại bạn có thật sự cảm thấy hạnh phúc? Nếu bạn vẫn chưa tìm được câu trả lời cho mình, hãy thử tự hỏi bản thân những vấn đề dưới đây.
Công việc chiếm hơn 1/3 thời gian trong ngày của bạn
Trừ cuối tuần và ngày lễ, công việc hàng ngày dường như ngốn của bạn khoảng 1/3 cho đến tận ½ thời gian trong ngày. Với một công việc bạn không yêu thích, liệu bạn có thể làm được trong bao lâu? Việc lặp đi lặp lại chuỗi nhiệm vụ trong khoảng thời gian dài, cho dù nó thật sự mới mẻ với bạn lúc đầu, nhưng rồi bạn sẽ bắt đầu cảm thấy nhàm chán sau khi hứng thú qua đi. Nếu bạn không thật sự bắt đầu công việc với đam mê, chẳng mấy chốc công việc này sẽ biến thành một “bát cơm” bạn chỉ muốn ăn cho no, chứ chẳng buồn hưởng thụ bữa ăn ngon miệng nữa.
Bạn thiếu đi nguồn động lực để đi làm mỗi ngày
Đam mê của bạn với công việc này là gì? Ngoài tiền lương thì liệu còn điều gì ở công việc khiến bạn cảm thấy hứng thú? Rõ ràng việc phải thức dậy mỗi sáng để đến chỗ làm không phải là điều mà ai cũng muốn. Nhưng nếu bạn có động lực, đó lại là một câu chuyện khác. Bạn có học được điều gì thú vị trong công việc mỗi ngày? Bạn có gặp gỡ được nhiều đồng nghiệp tuyệt vời? Sếp của bạn có phải là một lãnh đạo đáng tin cậy và bạn có thể học hỏi từ họ nhiều điều? Khi bạn làm việc với niềm hứng khởi, thời gian sẽ trôi nhanh hơn và ngày dường như ngắn lại. Còn nếu bạn chẳng tìm được chút động lực nào để đi làm, đã đến lúc bạn nên tự hỏi liệu bạn có thật sự cần công việc hiện tại này.
Bạn không có khả năng phát triển công việc
Bạn có công việc ổn định lâu dài, mức lương hấp dẫn. Nhưng sau đó thì lại không có sau đó! Mọi thứ vẫn tiếp tục dậm chân bình lặng như hiện tại. Bạn không được cấp trên chú ý, bạn không có cơ hội thể hiện mình trong những dự án quan trọng. Thậm chí, đã rất lâu bạn chưa được đề xuất thăng chức. Dù công việc ban đầu có “ngon” đến mấy, lâu dần bạn sẽ bắt đầu cảm thấy không hài lòng với bản thân và mong muốn một vị trí cao hơn. Thế nhưng, bạn chẳng được phát triển đúng với những gì bạn muốn. Bạn vẫn tiếp tục những hoạt động lặp đi lặp lại mỗi ngày. Về lâu dài, bạn sẽ mất đi tinh thần “chiến đấu” của mình. Thái độ bạn dành cho công việc sẽ chỉ là hời hợt, là tạm bợ. Đúng giờ đến công ty, đúng giờ về, hoàn thành những việc được giao. Tất cả chỉ có thế.
Bạn không thuộc về nơi này
Một trong những nguyên nhân nhỏ nhưng hậu quả lại to vô cùng đó là môi trường và văn hóa công ty. Nếu bạn cảm thấy mình không phải là một mảnh ghép ở nơi này, bạn sẽ mau chóng trở nên lạc lõng và buồn chán dù công việc có hấp dẫn với bạn đến thế nào. Bạn không hòa hợp với sếp hay đồng nghiệp. Bạn không có ai để gắn bó hoặc trò chuyện mỗi giờ ăn trưa. Bạn không quen với những nguyên tắc hoặc quy trình làm việc cứng nhắc của công ty. Thế là sự mất kết nối diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn. Lâu dần, bạn sẽ có cảm giác muốn buông bỏ tất cả mọi thứ. Sao phải níu kéo một điều gì đó mà vốn dĩ bạn không thuộc về?
Bệnh chán làm: Kê đơn chữa trị thế nào cho phải?
Nếu bạn đã tìm hiểu mọi nguồn cơn gây ra căn bệnh “ai cũng một lần mắc phải” này, vậy bước tiếp theo bạn nên suy nghĩ là tìm ra một liều thuốc chữa trị cho mình. Hãy thử áp dụng một số hướng giải quyết dưới đây để cải thiện tình hình của bạn:
Tư động viên và suy nghĩ tích cực. Một cách đơn giản để bạn hết chán đó là hãy tự thôi miên bản thân rằng bạn không còn chán nữa. Hãy cố gắng tìm một niềm vui nho nhỏ nào đó trong công việc hàng ngày, như những bài hát bạn sẽ nghe trên đường đi làm, món ăn ngon ở căn tin công ty, một bài học nào đó bạn rút ra được từ công việc hàng ngày, hay thử bắt chuyện với đồng nghiệp vào giờ nghỉ trưa xem sao. Vậy nên, nếu bạn bắt tay vào tìm cách ngăn chặn những suy nghĩ chán chường thì nó sẽ dần dần chuyển hoá thành năng lượng tích cực cho chính bản thân bạn.
Ghi chép lại những điều bạn không hài lòng về công việc. Mặc dù có vẻ tiêu cực nhưng khi bạn có dấu hiệu buồn chán, hãy cố gắng ghi ra giấy những điều khiến bạn mau chóng “tuột mood”. Một khi đã biết được cảm xúc đó xuất phát từ đâu, bạn có thể kiểm soát nó tốt hơn và không tạo điều kiện để nó lặp lại theo chu kỳ.
Tạo thời gian buông xõa cho bản thân. Nếu bạn đang cảm thấy chán chường trong một khoảng thời gian dài, có lẽ đây là là lúc bạn nên có một chuyến du lịch ngắn hạn để xả stress và lấy lại năng lượng làm việc. Sau khi đã lấy lại cân bằng, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và tích cực hơn, biết đâu suy nghĩ của bạn về công việc trở nên mới mẻ và thoải mái hơn.
Bắt đầu tiết kiệm khoản lương mỗi tháng. Bạn không thích thú với công việc hiện tại, nhưng nó lại cho bạn một mức lương đáng mơ ước. Đừng vội tiêu xài hết, hãy tranh thủ tích góp một khoản kha khá cho chính mình. Bạn sẽ cảm thấy thành tựu hơn khi nhìn lại tài khoản bạn đã dành dụm được cho tương lai và có thêm động lực để đi làm mỗi ngày.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, nếu bạn đã thử mọi cách trên nhưng vẫn không thể lấy lại niềm đam mê với công việc hiện tại, có lẽ đã đến lúc để bạn nên rời đi. Chẳng có công việc nào hoàn hảo, bất kì công việc nào cũng có những khó khăn, thử thách riêng. Nhưng nếu bạn thật sự cảm thấy bế tắc với vị trí bạn đang làm, hãy thử chia sẻ với cấp trên để tìm hướng giải quyết trước tiên hoặc đề nghị chuyển đến bộ phận bạn cảm thấy hứng thú. Nếu thật sự không còn cách nào khác, một bến đỗ mới sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho bạn trong tương lai.
— HR Insider —
VietnamWorks.com – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.