Tôi làm việc tại bộ phận Nhân Sự của một công ty nước ngoài. Lúc mới ra trường, tôi cảm thấy đây là nơi phù hợp với bản thân mình bởi cơ hội học hỏi được mở rộng. Tuy nhiên, sau khoảng hơn 3 năm làm việc tại công ty, tôi dường như cảm giác mình không thật sự tiến bộ cả về chuyên môn lẫn năng lực. Tôi không học hỏi được nhiều từ vị trí này và cấp trên cũng không có nhiều thời gian để huấn luyện và trao đổi cùng tôi. Mỗi ngày tôi chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình, đến tháng nhận lương đều đặn. Dường như sự êm đềm này dần biến tôi thành một chiếc máy tự động, làm những việc đã được lên chương trình sẵn. Tôi hoàn toàn không còn động lực hay những sáng kiến năng nổ như ban đầu. Mọi kiến thức tôi học hỏi được vẫn chỉ dừng ở lúc tôi mới “chân ướt chân ráo” bước vào công ty.
Tôi không cảm thấy được thử thách bản thân
Rona Borre, người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của cơ quan nhân sự có trụ sở tại Chicago, cho biết rằng: “Sự nghiệp của bạn sẽ bị “giậm chân tại chỗ” nếu những yêu cầu trong công việc không đi đôi với tài năng của bạn.” Điều này có nghĩa là công việc của bạn sẽ tạo cảm giác thụt lùi nếu bạn không còn cảm giác thử thách nữa. Tôi biết bản thân có thể học hỏi và phát triển nhiều hơn nếu tôi có nhiều cơ hội được tham gia những nhiệm vụ mang tính thử thách hơn. Khi bạn vượt qua giới hạn của bản thân, bạn sẽ khám phá được một kỹ năng mới mà bạn chưa bao giờ có được.
Tôi không được giao những nhiệm vụ quan trọng
Nhà tuyển dụng dường như đã quên mất lí do khi họ nhận tôi vào công ty. Họ có thể đánh giá cao năng lực của bạn nhưng điều đó là chưa đủ. Bạn sẽ không thể leo cao hơn hoặc gặt hái được nhiều kinh nghiệm hơn nếu không được tham gia vào những dự án hay những công việc quan trọng trong bộ phận mình làm việc. Những công việc càng đòi hỏi sự đầu tư sẽ càng cho bạn cơ hội trải nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Tiếc thay suốt những năm qua, tôi chỉ có thể dừng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng ngày. Số lần tôi được thử sức trong những dự án lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Sếp ngó lơ những điều họ đã hứa với tôi
Không có gì khiến tôi cảm thấy mất mát hơn việc tôi luôn nỗ lực làm tốt việc của mình, hoàn thành mục tiêu sếp đề ra nhưng sếp lại chỉ coi những gì đã nói với tôi là lời “hứa suông”. Sếp đã từng cân nhắc sẽ thăng tiến cho tôi nếu tôi đạt đủ KPIs quý này. Hay sếp từng đề nghị để tôi được tham gia các khóa học nâng cao kĩ năng, sẵn sàng trở thành lãnh đạo tương lai. Thế nhưng ngày tháng cụ thể hoặc một email quyết định chính thức thì đến nay vẫn “bặt âm vô tín”! Mỗi ngày trôi qua, tôi lại càng mất niềm tin vào công việc và cấp trên của mình.
Tôi đang làm việc trong bộ phận hoặc ngành tăng trưởng chậm
Nếu nhìn ở một mức độ khách quan hơn, doanh nghiệp tôi đang làm việc tuy lớn nhưng ở bộ phận của tôi lại không được chú trọng phát triển nhiều như nhân sự ở các bộ phận khác. Mỗi tháng công ty luôn có các khóa huấn luyện nhưng sẽ tập trung ở các bộ phận chủ chốt. Các đồng nghiệp ở phòng ban khác của tôi luôn có nhiều “sân chơi” để thể hiện và học hỏi lẫn nhau. Riêng với bộ phận tôi làm việc, chỉ cần hoàn thành đúng nhiệm vụ, quan tâm đến việc chăm sóc và truyền đạt chính sách công ty đến nhân viên thì đã xem như ổn định. Tôi chỉ cần làm đúng việc của mình, thế là hết!
Nếu bạn có đầy đủ các dấu hiệu trên như tôi, có lẽ đến đây bạn sẽ có cảm giác chán nản và muốn nghỉ việc. Tuy nhiên, đừng vội nộp đơn tức thì nếu như bạn chưa cân nhắc các câu hỏi dưới đây:
Bây giờ có phải là thời điểm thích hợp rời công ty? Chẳng hạn bây giờ đã sắp tới thời điểm tổng kết quý, hết năm khen thưởng. Bạn rời đi liệu có phải thiệt không? Hoặc bạn đang nắm giữ một vị trí khó tìm người thay thế tức thì, hay bạn không thể lập tức rút chân khỏi một dự án bạn đang tham gia. Hãy thử cân nhắc đến vấn đề thời điểm để có thể ổn thỏa cho cả bạn và phía công ty.
Bạn đã tìm được nơi phù hợp khi xác định nghỉ việc? Bạn đã biết nơi nào phù hợp hơn cho bạn khi nghỉ việc chưa? Liệu bạn sẽ tiếp tục làm trong ngành hiện tại hay chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới? Và khả năng bạn sẽ tìm việc thành công là bao nhiêu phần trăm? Nếu tương lai phía trước của bạn còn khá mơ hồ, nhưng bạn đã vội vã chuyển việc thì đó sẽ không phải là một quyết định khôn ngoan.
Bạn có đang từ bỏ cơ hội này quá sớm không? Với những ai có ý định tìm việc mới, đây một câu hỏi tương đối khó khăn. Bạn đang cảm thấy không có cơ hội để phát triển, tuy nhiên hãy suy nghĩ thật kỹ, liệu đến một môi trường khác thì cơ hội sẽ có thể đến hay không hay lại rơi vào trang thái mông lung và phải bắt đầu sự nghiệp lại từ đầu. Đôi khi, cơ hội là do bản thân mình tạo ra. Bạn đã chủ động đề cử bản thân vào những dự án quan trọng? Bạn đã có buổi trò chuyện trực tiếp và thẳng thắn với lãnh đạo của mình chưa? Bạn có tự học hỏi để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cho mình nếu như công ty không có điều kiện đào tạo? Nếu bạn đã thử mọi cách nhưng vẫn không thể thành công ở vị trí hiện tại, đó mới là lúc bạn nên quyết định rời đi.
Sau cùng, hãy luôn nhớ rằng có thể điều kiện bên ngoài không cho bạn nhiều cơ hội học hỏi. Nhưng quan trọng là bạn luôn ở trong tâm thế muốn học hỏi nhiều hơn và bản thân sẽ không ngừng thử thách, cố gắng để làm tốt hơn. Cuối cùng, cho dù bạn thấy mình có bao nhiêu mục tiêu, bạn phải tin rằng bạn có thể trở nên tốt hơn mỗi ngày.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.