Nếu muốn chế ngự và kiểm soát lười biếng, đầu tiên bạn cần hiểu rõ nguyên nhân nó được hình thành cũng như sức mạnh “phá hủy” ghê gớm nó tạo ra, từ đó mới tìm ra được phương án tối ưu nhất. Trên thực tế, lười biếng được chia thành 3 loại:
1. Lười biếng thiên hướng thoải mái
Đây là loại lười biếng phố biến nhất mà con người thường mắc phải, dựa trên xu hướng tránh né sự bất tiện.
Chúng ta muốn nghỉ ngơi, vậy là chúng ta nghỉ ngơi, dù một núi công việc vẫn đang chất đống chờ giải quyết.
Chúng ta muốn đi ngủ, vậy là chúng ta đi ngủ, dù chỉ còn 2 ngày nữa là deadline bài tiểu luận.
Trời mưa, chúng ta xin nghỉ phép ở nhà vì không muốn ra ngoài để bị ướt. Ngay ngày nắng nóng đầu tiên vừa tới, chúng ta vội bật máy điều hòa cho thoải mái.Trời vừa bắt đầu chớm lạnh, chúng ta liền bật máy sưởi… Cứ thế, không biết từ khi nào, để thỏa mãn cảm giác tiện nghi, thoải mái, dễ chịu, con người dần đánh mất kết nối với cuộc sống tự nhiên và trở nên quen dần với việc “không phải chịu đựng bất kỳ một bất tiện nào cả”.
Điều tệ hại nhất của loại lười biếng này không phải là giảm hiệu suất làm việc của con người mà chính là nó khiến họ trở nên hung dữ. Vâng, chính là hung dữ!
Khi xe bất ngờ bị hỏng giữa đường, khi đột ngột bị mất nước hoặc bị cúp điện, người ta sẽ gần như phát điên lên.
Khi ai đó không làm theo ý họ hoặc không đạt sự kỳ vọng, họ sẽ rất dễ khó chịu, cáu bẳn, thậm chí không thương tiếc nói ra những lời tổn thương.
2. Lười biếng chán nản
Có những lúc, bạn ngồi trước màn hình TV hàng giờ liền và xem những chương trình biểu diễn mình không hứng thú hay xem một bộ phim nhạt nhẽo vô vị chỉ bởi bạn không biết làm gì khác ngoại trừ việc… giết thời gian!
Bạn ăn uống, nhậu nhẹt, thậm chí hút thuốc (những điều mà có thể trước đây bạn chưa từng hoặc không muốn làm) bởi bạn không biết làm gì để giải thoát bản thân khỏi cảm giác mất mát trong trái tim. Bạn cảm thấy tuyệt vọng, nghèo nàn và khổ sở rồi tự than thân trách phận “Khổ thân tôi”. Bạn tự cho rằng mình là một kẻ tồi tệ, không có khả năng, luôn thất bại và chẳng bao giờ làm đúng…
Tôi chắc chắn bạn vừa trải qua một biến cố quá lớn, hoặc là một thất bại vô cùng đau đớn, đến mức đã thực sự quên đi cách tự giúp mình và quên đi những điều ý nghĩa trong cuộc sống – những thứ có thể giúp bạn tự cứu rỗi cuộc đời.
Và điều đáng buồn nhất ở đây là, với loại lười biếng chán nản, bạn đang không thực sự nghỉ ngơi. Ít nhất với loại lười biếng thiên hướng thoải mái, bạn còn cảm thấy dễ chịu khi tận hưởng nó, nhưng với loại này thì không. Bạn chỉ mệt mỏi hơn mà thôi!
3. Lười biếng không quan tâm
Đây chính là đặc trưng của sự oán hận và họ tìm đến lười biếng như một cách trả thù (trả thù chính bản thân hoặc ai đó hay cuộc đời? – có thể ngay cả họ cũng chẳng biết!). Những người thuộc loại lười biếng này thường quay lưng lại với cả thế giới – tương tự như lười biếng chán nản nhưng phức tạp hơn nhiều.
Với lười biếng chán nản, con người ta thường dễ tổn thương và yếu đuối, nhưng với lười biếng không quan tâm, họ trở nên bất cần và thách thức. “Thế giới này thật là rối rắm và chẳng mang lại cho tôi bất cứ điều gì tôi muốn. Vậy sao tôi lại phải bận tâm?” Đó là cách nghĩ của họ! Bất cứ ai đến bắt chuyện, họ đều mặc kệ. Nếu ai đó cố gắng cổ vũ hoặc giúp đỡ, họ sẽ nổi đóa lên: “Đi chỗ khác ngay đi. Tôi không cần ai cả!”
Loại lười biếng này tất nhiên không thuộc về bản chất hay tính cách con người. Nó chỉ là một trạng thái tâm lý (xảy ra sau khi người ta phải chịu một cú sốc tinh thần quá lớn), tuy nhiên rất nguy hiểm, bởi nó có thể dễ dàng biến thành trầm cảm bất lực.
Vậy chúng ta cần làm gì để chế ngự lười biếng một cách lâu dài?
Câu trả lời chính là: Có mục đích sống rõ ràng!
Khi có một mục đích sống rõ ràng, bạn sẽ không chán nản. Cho dù phải chịu đựng mất mát hay thất bại lớn đến đâu, bạn cũng sẽ đứng dậy và đi tiếp. Cho dù người khác đối xử với bạn ra sao, cuộc đời bất công thế nào, bạn cũng không oán hận. Bởi bạn đã biết rõ mình cần gì, muốn gì và sẽ kiên định theo đuổi lý tưởng của bản thân. Khi có mục đích sống rõ ràng, tất nhiên, bạn cũng sẽ chẳng truy cầu sự thoải mái nhất thời nữa. Bởi bạn đã cảm nhận được niềm hạnh phúc thực sự khi mỗi ngày đều tiến gần hơn đến mục tiêu của mình, mà không còn bị “ru ngủ” bởi những ảo giác của sự tiện nghi mang lại.
Nếu đã có một mục đích sống rõ ràng, xin chúc mừng bạn, bởi bạn đã nắm giữ được một nửa ý nghĩa của đời người. Nửa còn lại chính là hưởng thụ hạnh phúc trong quá trình gieo trồng, chăm sóc để chờ hái quả ngọt mà thôi (dù quá trình này có gian nan, tôi vẫn tin bạn chắc chắn sẽ hạnh phúc). Tất nhiên, lúc này lười biếng chẳng còn đủ sức mạnh để cản trở bạn nữa. Nó đã quá nhỏ bé rồi!
Còn nếu bạn chưa có một mục đích sống rõ ràng, chưa biết mình đến với thế giới này để làm gì, mình tồn tại vì điều gì, bạn hãy đi tìm nó! Hãy dồn hết sức để đi tìm nó! Bởi khi còn chưa trả lời được ý nghĩa sinh mệnh của mình là gì, bạn không sống mà chỉ đang tồn tại mà thôi!
Theo Hiểu Minh/dkn.tv
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.