• .
adsads
chuyen ve co gai hai phong chua bao gio chun buoc 3
Lượt Xem 35 K

Văn phòng Confessions – Chia sẻ trải nghiệm tại công sở

Bài viết dưới đây được gửi về chương trình “Văn Phòng Confessions”. Các bạn cũng có thể chia sẻ câu chuyện của mình để có cơ hội nhận quà của HR Insider – VietnamWorks. Click vào đây để chia sẻ. Đọc thể lệ tại đây.

Nó của ngày xưa – Cô bé người Hải Phòng giữa Sài Gòn rộng lớn

Tốt nghiệp phổ thông trung học xong, nó quyết định khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh. Bỏ lại thành phố cảng sau lưng, gạt nước mắt chào bố mẹ, các anh em , người thân, bạn bè để bắt đầu bước vào một trang mới trong cuộc đời nó.

 

Cô bạn thân và thằng em họ tiễn nó lên tàu từ ga Hà Nội. Ngồi trên tàu, nó nghe ai đó mở nhạc, lời bài hát thật buồn “một mình giữa đêm tối, thương nhớ ai về nơi xứ người, một mình giữa đêm tối nghe nỗi đau lạc loài biển khơi….”, nó đã khóc rất nhiều, khóc vì lời bài hát đúng với tâm trạng và hoàn cảnh của nó lúc đó. Nó chỉ muốn dừng tàu lại để chạy ngay về Hải Phòng, chạy về với bố mẹ.

 

Nhưng rồi lý trí làm cho nó trấn tĩnh lại, nó nhớ lại bố mẹ nó đã vất vả như thế nào để nuôi bốn anh chị em nó ăn học, nó nhớ như in cuộc sống vất vả của gia đình nó. Mẹ đã phải vay mượn hằng ngày để nuôi nó ăn học. Nó nhớ hình ảnh mẹ vất vả  nhọc nhằn khất nợ người ta. Nhớ mẹ trằn trọc, thở dài từng đêm để nghĩ xem ngày mai phải tìm ai vay nợ để trả người này người kia. Nhớ mái tóc đen của bố mẹ ngày nào nay đã lấm tấm bạc đi từng ngày. Nó thương bố mẹ lắm và cảm thấy có lỗi với bố mẹ vô cùng. Dù khó khan, bố mẹ vẫn cố gắng lo cho nó ăn học bằng bạn bằng bè. Thi tốt nghiệp phổ thông trung học xong mẹ đã phải bán con lợn và vay thêm tiền để cùng nó lên Hà Nội thi đại học, vậy mà nó lại làm cho bố mẹ thất vọng vì đã trượt đại học.

 

Đơn giản là vì nó muốn vậy, nó muốn trượt để được đi làm, nó muốn hàng tháng có tiền phụ cho bố mẹ nó để bố mẹ nó bớt khổ, do vậy nó đã không làm bài thi. Cuối cùng kết quả thi đại học cũng có, bố mẹ nó buồn nhưng vẫn an ủi: “Học tài thi phận, thôi cố gắng để sang năm thi lại”. Nó cười buồn và dắt xe đạp chạy vòng vòng trên đường phố Hải Phòng. Nó đạp xe qua các con phố để tìm kiếm tin tức tuyển dụng, nộp hồ sơ nhưng chẳng có công ty nào gọi. Nó nghe bạn bè nói muốn có công việc thì phải có tiền đưa cho người ta. Buồn lắm vì muốn đi làm mà không có ai gọi. Nhà lại khó khăn thì lấy đâu ra tiền để chạy việc.

 

Nó thở dài nhiều hơn. Rồi tối hôm đó chị gái nó trong miền Nam gọi ra hỏi thăm tình hình và gợi ý muốn nó vào để phụ chị trông cháu, chị sẽ lo cho nó học. Bố mẹ quyết liệt phản đối vì sợ con gái vào trong đó dễ bị lợi dụng, bị sa ngã. Mấy ngày liền trằn trọc với rất nhiều suy nghĩ, cuối cùng nó cũng quyết định đánh cược với số phận, khăn gói quần áo lên tàu vào thành phố Hồ Chí Minh.

 

Vào trong Nam với anh chị, nó sướng hơn ở nhà, nó phụ anh chị đưa đón cháu đi học, nấu ăn dọn dẹp nhà cửa. Chị mua xe đạp cho nó, cho nó đi học thêm tiếng anh ở trung tâm, cho nó đi học nghề và cho nó đi theo hỗ trợ giới thiệu chương trình bảo hiểm nhân thọ. Thế nhưng, cứ tối đến nó lại khóc, nó khóc vì nhớ bố mẹ, nhớ những việc đã hứa với bản thân khi quyết định vào trong này. Nó vẫn làm ra tiền giúp bố mẹ. Chị khuyên nó nên tập trung vào việc học và bổ sung kiến thức trước rồi hãy nghĩ đến chuyện đi làm.

 

Nhưng tính nó bướng bỉnh, cứng đầu nên không nghe. Hằng ngày sau khi làm xong công việc nhà là chạy đi mua báo Tuổi Trẻ và tập trung vào những mẩu tin tuyển dụng. Tất cả những công việc lễ tân đều được nó đánh dấu một cách kỹ càng vì nó biết nó sẽ chẳng làm được công việc nào khác. Không kinh nghiệm, chỉ có mỗi ngoại hình làm vốn, lễ tân dường như là sự lựa chọn cuối cùng đối với nó. Nó chuẩn bị những bộ hồ sơ xin việc, đạp xe tới từng nơi đã được đánh dấu để gửi, rồi lại đạp xe về Gò Vấp.

 

Thế rồi trời không phụ lòng nó vì hầu hết những nơi nó gửi hồ sơ đều gọi nói nó tới phỏng vấn. Mỗi ngày nó phỏng vấn ít nhất hai đến ba chỗ nhưng chỗ nào cũng từ chối, vì nó là người Hải Phòng. Nó phỏng vấn nhiều đến nỗi không còn buồn vì bị người ta từ chối, thay vào đó nó thấy vui. Vui vì sau mỗi cuộc phỏng vấn, nó lại được học hỏi thêm được một ít kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn sau. Sau bao cuộc phỏng vấn thất bại, cuối cùng nó cũng đã có trong tay một công việc, vị trí Promotion Girl (PG) giới thiệu dầu gội đầu trong siêu thị. Vậy là nó đã có tiền gửi về cho bố mẹ, cảm giác thật vui sướng!

 

… Và Nó bây giờ – Thành công đền từ sự nỗ lực, từng chút nhưng không ngừng nghỉ

Bằng sự nỗ lực không ngừng, nhiệt huyết tuổi trẻ, sự thẳng thắn và chân thành từ một người không biết gì về khách sạn, không kinh nghiệm, không bằng cấp, không tiền chạy chọt, nó vẫn từng bước từng bước được thăng tiến trong nghề nghiệp của mình. Nó cảm ơn Khách sạn P.H.S nổi tiếng vì đã cho nó cơ hội  phát huy được hết khả năng của mình. Đây là nơi nó được hướng dẫn bài bản từ vị trí lễ tân. Để rồi với nỗ lực không ngừng, cứ 6 tháng đến 1 năm là nó lại được thăng chức. Nó thầm cảm ơn môi trường làm việc của người nước ngoài, họ nhìn nhận khả năng thực sự của nó chứ không phải quan tâm đến bằng cấp của nó. Nó cũng không phải luồn cúi để đi lên mà có thể tự tin, thẳng thắn, ngẩng cao đầu mà bước tới. Sau gần 6 năm ở P.H.S, nó đã đi tìm kiếm những cơ hội mới.

 

Trong khoản thời gian tìm kiếm cơ hội đó, nó đã từng thử sức với nhiều vai trò là Trưởng phòng, Quản lý ở các Bệnh viện, Ngân hàng có tiếng tại Sài Gòn. Đi một vòng thật dài, bây giờ  nó lại quay về với ngành khách sạn với vị trí trưởng bộ phận lễ tân của Khách sạn S.S.S thuộc một hàng đầu tại Việt Nam.

 

Nó có quyền tự hào về bản thân nó, nó đã làm và đã đạt được tất cả những kế hoạch mà năm xưa đặt ra. Nó đã giúp được bố mẹ suốt 15 năm qua và đã có gia đình nhỏ của riêng mình. Mảnh đất phương nam đã soi sáng đường cho nó đi, giúp nó đạt được những ước mơ hoài bão. Nó luôn dặn lòng, chỉ cần mày có quyết tâm cao, niềm tin, thái độ và suy nghĩ tích cực thì mày sẽ luôn thành công. Thành phố Hồ Chí Minh luôn là nơi đáng tới, đáng sống và đáng được cống hiến!

 

Người Sếp đầu tiên – Lời nhắc nhở về cách đối nhân xử thế

 “Trong hai bộ phận FO và F&B em cảm thấy em phù hợp với vị trí nào?”

Chị trưởng phòng đào tạo đặt câu hỏi khi phỏng vấn nó, hơi đắn đo suy nghĩ rồi nó quyết định trả lời “Dạ, FO”. Đó là buổi phỏng vấn đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời nó, đánh dấu việc nghề nghiệp đã chọn nó chứ không phải nó chọn nghề. Nó là đứa từ Hải Phòng vào, nó không được học đại học, cũng không biết tí gì về du lịch và khách sạn, chỉ tình cờ và may mắn đi phỏng vấn cho biết. Do vậy khi được hỏi chọn FO và F&B, nó chọn đại FO vì chẳng biết chị ấy đang hỏi về cái gì? Sau ngày đó mới biết FO là Front Office, còn F&B là Food & Beverage.

 

Nó được chọn làm thực tập sinh bên bộ phận tiền sảnh, vì không được học qua trường lớp nên nó gặp khó khăn rất nhiều. Quản lý ca trực khiển trách nó rất nhiều thậm chí còn dùng những lời nói nặng, từ ngữ thậm tệ để chửi mắng. Không có ngày nào là nó không trốn vào toilet khóc, đến nỗi chị nó đã khuyên thôi đừng làm ở chỗ này nữa, nhưng nó vẫn quyết tâm làm và học hỏi.

 

Nó học và tiến bộ rất nhanh, mặc dù trong sâu thẳm tâm trí nó vẫn bị ám ảnh bởi người sếp nữ có thể vừa mắng chửi nhân viên, vừa có thể quay ngoắt 360 độ để ngọt ngào với khách hàng trong vòng một giây. Nó cố gắng học hỏi các anh chị từng ngày, từng giờ và thầm hứa với bản thân rằng nếu sau này là sếp, mình chắc chắn sẽ không như chị ấy.

 

Rồi nó chuyển sang khách sạn P.H.S – nơi đã giúp nó chắp cánh sự nghiệp. Nó đã là sếp và chịu trách nhiệm đào tạo tất cả các nhân viên mới của bộ phận lễ tân. Nó luôn đặt mình vào vị trí của nhân viên để thấu hiểu họ hơn, để hướng dẫn họ làm công việc một cách tốt nhất có thể. Mỗi khi đào tạo nhân viên mới, nó đều nhớ về người sếp cũ để cố gắng không phạm phải sai lầm như người ấy.

 

Mười mấy năm trong nghề, nó đã làm trưởng bộ phận của nhiều khách sạn và công ty, lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Nó đã đào tạo và hướng dẫn rất nhiều lớp nhân viên. Ai trong số họ đều đã trưởng thành, đã thành công, có vị trí cao trong công việc. Dù không còn làm việc chung, nhưng họ vẫn nhớ đến nó với sự chân thành. Cứ tới ngày 20/11, nó vẫn nhận được những lời chúc mừng từ rất nhiều lớp đàn em. Đồng nghiệp cũ vẫn gọi nó là “cô giáo”. Nó đã thực sự nhận được sự tôn trọng của họ, nó hết mình trong việc đào tạo, thấy vui khi nhân viên của nó được thăng chức. Nó tận tình chia sẻ tất cả những kinh nghiệm và sẵn sàng đứng sau để hỗ trợ nhân viên, xem thành công của nhân viên chính là một phần thành công của mình. Trong những buổi đào tạo, nó luôn nhấn mạnh với nhân viên hãy đối xử với mọi người như cách mình mong được người khác đối xử. Nó muốn truyền cảm hứng, để những người sếp tương lai sẽ không như người sếp đầu tiên của nó.

— Chia sẻ từ một bạn độc giả ẩn danh —

adsads
Bài Viết Liên Quan

Xây dựng tình huống ứng biến nơi công sở với 4 nhóm tính cách D.I.S.C

Trong môi trường công sở, mỗi người đều mang một đặc điểm tính cách riêng biệt, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cách họ...

Vì sao kỹ năng phân tích dữ liệu lại quan trọng trong mọi ngành nghề

"Dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21" - cụm từ này không còn xa lạ trong thế giới kinh doanh. Nhưng điều thú...

Con đường sự nghiệp năm 2025 sẽ mù tịt nếu không cải thiện những kỹ năng này

"85 triệu việc làm sẽ biến mất vào năm 2025" - con số này từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang khiến nhiều người...

Tìm việc hợp ý, hợp cả vị trí với tính năng tìm việc gần bạn trên ứng dụng VietnamWorks

Tìm một công việc lý tưởng không chỉ phụ thuộc vào mức lương, chế độ hay môi trường làm việc, mà còn nằm ở vị...

Trở thành nạn nhân của "lạm quyền chốn công sở" và những điều cần phải lưu tâm

Trong môi trường công sở, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới luôn đóng vai trò quan trọng để duy trì một không...

Bài Viết Liên Quan

Xây dựng tình huống ứng biến nơi công sở với 4 nhóm tính cách D.I.S.C

Trong môi trường công sở, mỗi người đều mang một đặc điểm tính cách riêng...

Vì sao kỹ năng phân tích dữ liệu lại quan trọng trong mọi ngành nghề

"Dữ liệu là dầu mỏ của thế kỷ 21" - cụm từ này không còn...

Con đường sự nghiệp năm 2025 sẽ mù tịt nếu không cải thiện những kỹ năng này

"85 triệu việc làm sẽ biến mất vào năm 2025" - con số này từ...

Tìm việc hợp ý, hợp cả vị trí với tính năng tìm việc gần bạn trên ứng dụng VietnamWorks

Tìm một công việc lý tưởng không chỉ phụ thuộc vào mức lương, chế độ...

Trở thành nạn nhân của "lạm quyền chốn công sở" và những điều cần phải lưu tâm

Trong môi trường công sở, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới luôn...

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers