Nếu có, hãy lưu ý 6 điều cần tránh này để “rút lui” mà vẫn khiến mọi người có cái nhìn tốt đẹp về mình sau khi nghỉ việc.
1. Lưỡng lự, không dứt khoát
Một số người sử dụng sự nghỉ việc như một công cụ để “mặc cả”, mục đích để được tăng lương, thăng chức hoặc đạt được những quyền lợi khác. Không may, không phải lúc nào cách này cũng có hiệu quả mà nó chỉ thể hiện với cấp trên của bạn rằng bạn chẳng còn mấy “mặn mà” với công việc này nữa. Và kể cả khi đạt được mục đích của mình thì mối quan hệ và cái nhìn của cấp trên dành cho bạn cũng không còn tốt đẹp như cũ.
Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng về quyết định thôi việc của mình. Lý do của bạn là gì? Nếu như mức lương hoặc chức vụ có thể thuyết phục bạn ở lại, hãy trao đổi về vấn đề này với sếp trước khi đề cập đến vấn đề nghỉ việc. Còn nếu bạn đã sẵn sàng với quyết định này, hãy thực hiện nó một cách dứt khoát, không do dự, không mặc cả.
2. “Tám” chuyện nghỉ việc với đồng nghiệp trước
“Buôn chuyện” là thú vui thường thấy của các anh chị em công sở, tuy nhiên việc tiết lộ cho đồng nghiệp về ý định nghỉ việc của mình trước khi thông báo cho cấp trên có thể khiến quãng thời gian còn lại của bạn ở công ty trở nên khó xử, gượng gạo hơn bao giờ hết. Kể cả khi bạn hoàn toàn tin tưởng vào đồng nghiệp của mình, bạn vẫn nên giữ kín chuyện , vì trao đổi vấn đề này với người quản lý của mình trước cũng là cách thể hiện sự chuyên nghiệp và lòng tôn trọn của bạn đối với họ.
3. Xin nghỉ việc quá muộn
Khoảng thời gian tối thiểu để bạn đưa ra quyết định thôi việc với cấp trên là hai tuần trước ngày bắt đâu nghỉ. Với người có thâm niên làm việc lâu hơn, ba hoặc bốn tuần là thời điểm hợp lý. Điều này sẽ giúp cấp trên có đủ thời gian để rà soát công việc của bạn và tìm người phù hợp để thay thế vị trí ấy.
Bạn có thể sử dụng khoảng thời gian này để giải quyết nốt những tồn đọng trong công việc và đào tạo nhân viên kế nghiệm. Hãy thể hiện bạn là người có trách nhiệm cho đến ngày cuối cùng. Phong cách làm việc chuyên nghiệp sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt cấp trên, ngay cả khi bạn không còn là nhân viên công ty nữa.
4. Ra đi trong thầm lặng
Trước hoặc trong ngày cuối cùng làm việc, hãy gửi tin nhắn hoặc email đến toàn bộ nhóm của bạn, bao gồm cả sếp và những người đồng cấp. Trong đó bày tỏ rằng bạn cảm thấy mình đã trưởng thành như thế nào trong khoảng thời gian làm việc tại đây và nó có ý nghĩa ra sao. Đồng thời đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng đối với những vấn đề còn tồn đọng nhưng không nói một cách quá tiêu cực. Để lại ấn tượng tốt có thể là cách “mở đường” trong trường hợp bạn muốn quay trở lại làm việc.
5. Khoe khoang về công việc mới
Một điều chắc chắn là đồng nghiệp sẽ rất tò mò về công việc mới sắp tới của bạn. Bạn hoàn toàn có thể chia sẻ về nơi làm việc và đặc thù công việc tương lai, nhưng đừng quá đi sâu vào những đặc quyền và lợi ích nghe có vẻ quá hấp dẫn ở nơi mới. Hành động đó như thể bạn đang chê bai, chỉ trích công ty cũ một cách gián tiếp vậy.
Hãy khiêm tốn với câu trả lời của minh, nếu đồng nghiệp cứ ép bạn phải kể sâu vào vấn đề, bạn chỉ cần mỉm cười chân thành và nói rằng bạn thật sự biết ơn khoảng thời gian làm việc ở công ty cũ thế nào.
6. Nói xấu công ty cũ
Kể cả khi đã nghỉ một thời gian dài, bạn cũng không nên nói lời “cay đắng” về sếp cũ. Trong lúc “tám” chuyện vui vẻ với đồng nghiệp mới, đôi lúc bạn sẽ “nhỡ miệng” bàn tán, phàn nàn về nơi mình từng làm việc. Điều này có thể gây ra những hệ quả khó lường, đặc biệt khi những gì bạn nói bị truyền miệng đến nhiều người khác trong công ty.
Những điều không hay bạn nói có thể ảnh hưởng đến công việc mới. Nếu có ai đó hỏi: “Bạn thấy công việc cũ của mình thế nào?”, có một mẹo nhỏ để đáp lại những câu hỏi kiểu này: Nếu không có gì tốt đẹp để chia sẻ, hãy đừng kể gì cả. Hành động này cho thấy bạn là người có lòng biết ơn, biết tôn trọng nơi tạo điều kiện công ăn việc làm cho mình, dù cho bạn không hài lòng với nó đi nữa.
— HR Insider / Theo cafebiz —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.