Áp lực là một yếu tố thiết yếu của cuộc sống. Bất cứ công việc gì, trong mọi lĩnh vực đều không thể thiếu áp lực. Nó có thể là bạn thân và cũng có thể là kẻ thù. Bạn thân khi áp lực thúc đẩy bạn, khiến bạn tập trung hoàn thành công việc, giúp bạn tiến bộ, phát triển và thăng tiến; ngược lại, nếu bạn không kiểm soát tốt áp lực, nó sẽ trở thành kẻ thù tiêu diệt hết mọi thứ của bạn!
Để đối phó và “sống hòa thuận” với áp lực thật sự không khó. Bạn nên chuẩn bị thật tốt trong mọi tình huống căng thẳng áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống. Hãy tự trang bị cho mình và giải quyết những căng thẳng đó thật nhẹ nhàng, bình tĩnh để thể hiện phong thái chuyên nghiệp của bản thân bạn nhé!
Thực hiện lần lượt những bước sau đây sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc giải tỏa căng thẳng và áp lực. Cùng xem nhé:
Bước 1
Tự chuẩn bị cho mình những tình huống căng thẳng có thể xảy ra trong công việc và cách bạn sẽ đối mặt với nó như thế nào để giảm bớt tác động của áp lực lên công việc của bạn. Ngoài ra, một việc bạn cần làm nữa đó là lên kế hoạch. Nếu trong tháng sắp tới có những dự án dài, phức tạp, stress liên miên thì tốt nhất bạn nên chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi thật nhiều và chuẩn bị tinh thần thật tốt cho dự án sắp tới.
Cụ thể là bạn có thể tranh thủ cuối tuần đi du lịch cùng bạn bè hoặc về quê thăm gia đình – những hoạt động khiến bạn thoải mái nhất. Bạn hãy tận hưởng một cách trọn vẹn nhất vì nó sẽ giúp bạn khởi động năng lượng chuẩn bị cho giai đoạn căng thẳng phía trước.
Bước 2
Hãy tập trung và bắt tay vào làm việc. Phác thảo dự án lớn và chia nhỏ ra những công việc bạn có thể quản lý tốt nhất. Bạn nên có Danh sách những việc cần làm – To do list và chỉ tập trung cho những công việc trong danh sách – không lan man. Mỗi ngày, bạn nên ưu tiên những công việc cần làm và hoàn thành nó – tránh những việc không quan trọng làm phiền đến bạn.
Bước 3
Dành một chút thời gian nghỉ ngơi, đó có thể là dạo vài bước ngoài hành lang, lắng nghe một bản nhạc ưa thích hoặc một vài động tác thể dục đơn giản ngay tại bàn làm việc. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước, hít thở thật sâu bất cứ khi nào bạn bắt đầu thấy căng thẳng và lo lắng cho công việc đang dần mất kiểm soát của mình.
Bước 4
Mặc dù bạn đã chuẩn bị rất kỹ nhưng áp lực căng thẳng có thể ghé thăm bạn bất cứ lúc nào. Hãy nhớ rằng đừng để áp lực đề nén bạn, làm chủ mọi thứ của bạn. Trong trường hợp đó, bạn nên nhanh chóng đánh giá những yếu tố mới đang tác động đến bạn, tìm cách thích nghi với nó nhanh nhất và đi tiếp. Đừng dừng lại quá lâu với những việc bạn không thể kiểm soát bạn nhé!
– HR Insider/VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.