Thất nghiệp luôn là nỗi ám ảnh của bất kỳ ai khi đi làm. Không ai mong muốn khi ra trường tìm mãi vẫn không thấy bến đỗ cho bản thân. Có người sẵn sàng vì “cơm áo gạo tiền”, chấp nhận lấn sân sang bất kỳ một lĩnh vực nào khác để trang trải cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm làm việc. Nhưng cũng có những người, chấp nhận chờ đợi ngày qua tháng nọ để tìm được một công việc hợp với chuyên môn của mình. Vậy đâu mới là sự lựa chọn tốt nhất? “Cuốn theo guồng quay sự nghiệp” hay chờ đợi cho đến khi tìm được “công việc trong mơ”?
Làm việc trái ngành: Được gì và mất gì?
Bạn học kinh tế nhưng ra trường lại làm Marketing? Bạn học du lịch – khách sạn nhưng tốt nghiệp lại dấn thân vào con đường truyền thông – báo chí? Có rất nhiều câu chuyện muôn hình muôn vẻ về nghề nghiệp “trái ngành” như thế ở giới trẻ hiện nay. Không phải ai cũng may mắn có một khởi đầu suôn sẻ, tìm được công việc như ý ngay khi vừa mới bước ra trường. Nhiều người lựa chọn tìm đến những công việc trái ngành như một giải pháp tạm thời trong quá trình tìm kiếm việc khác hợp ý hơn. Thế nhưng, đôi khi thời gian lại đẩy họ đến một kết quả khác. Họ dần rời xa chuyên môn của mình, lún sâu hơn vào công việc trái ngành bởi nhiều cám dỗ và quên đi mục đích ban đầu của mình.
Làm việc trái ngành có khó không? Câu trả lời chắc chắn là không dễ dàng! Có người khả năng thích nghi nhanh, hòa nhập tốt nhưng cũng phải lao đao vì vấn đề về kiến thức và chuyên môn. Có người mất nhiều thời gian để từ “người ngoài cuộc” bước chân vào cuộc chơi của những người trong ngành. Họ phải học từ phong cách làm việc, ứng biến với các kỹ năng mới, thích nghi với môi trường và sẵn sàng đánh đổi nhiều lợi ích, thậm chí chấp nhận đi chậm hơn đồng nghiệp vài bước. Không những thế, với những cá nhân trái ngành, sẽ rất hiếm hoặc rất khó khăn khi muốn leo lên những vị trí cao hơn. Nhiều lãnh đạo ở các công ty lớn vẫn đòi hỏi bằng cấp, kinh nghiệm hoặc thậm chí nền tảng kiến thức vững vàng khi chọn lựa các vị trí cấp cao trong công ty.
Thế nhưng, không phải cứ làm trái ngành thì 90% là thất bại! Cũng có những người khi làm trái ngành lại có “cơ duyên” tiếp xúc với một công việc phù hợp với khả năng của họ. Đôi khi công việc bạn yêu thích chưa chắc đã phù hợp với bạn. Ngược lại, có những công việc bạn dự định để kiếm sống nhưng lại vô tình giúp bạn khai phá ra những tiềm năng mới của bản thân. Nếu bạn biết nắm bắt cơ hội, biết đâu bạn vẫn sẽ đứng vững trên một lĩnh vực mình hoàn toàn không có nền tảng? Ngoài ra, không có việc nào là hoàn toàn thừa thải. Bạn vẫn sẽ luôn học được một điều gì đó từ những gì mình đang làm. Nếu một ngày bạn muốn quay trở lại “sàn đấu chuyên môn” của mình, hãy cố gắng mang theo từ công việc trái ngành những kỹ năng, kinh nghiệm quan trọng bạn đã tích góp được. Đây sẽ là điểm sáng khiến CV của bạn trở nên nổi bật hơn hẳn so với các ứng viên khác.
Chấp nhận đợi công việc yêu thích: Chờ đến khi nào?
Khác với những bạn trẻ muốn nhanh chóng lao vào thị trường việc làm một sớm một chiều, có những bạn vô cùng đam mê với những gì mình học được hoặc khao khát được phát huy sở trường trong những việc mình yêu thích. Tìm thấy công việc mình đam mê sẽ có động lực để đi làm mỗi ngày, tiềm năng phát triển cũng cao hơn và cơ hội để thăng tiến cũng nhanh chóng hơn so với những người không thật sự hiểu và yêu thích công việc.
Tuy nhiên, thực trạng lại cho thấy rằng, không phải ai cũng nhanh chóng có được công việc mà mình yêu thích tức thì. Bạn tìm thấy một vị trí phù hợp, nhưng chưa chắc bạn sẽ là ứng cử viên số 1 cho vị trí này. Bạn sẵn sàng ở nhà để ôn luyện kĩ năng, chờ đợi cho đến khi công ty trong mơ của mình mở ra cơ hội việc làm mới, nhưng đồng thời, bạn cũng sẽ phải trăn trở và áp lực mỗi ngày về gánh nặng tài chính. Không chỉ thế, trong thời gian đợi chờ công việc yêu thích, có thể những người bạn đồng trang lứa đã đi được rất xa và thậm chí phát triển lên được những vị trí đáng kể ở những công việc khác nhau. Bạn sẽ rất dễ gặp phải cảm giác thất vọng và hoài nghi về năng lực của bản thân mình.
Đâu mới là lựa chọn đúng đắn?
Sau tất cả, nếu bạn chấp nhận đợi chờ công việc yêu thích, bạn cần hiểu rằng bạn cũng đang thỏa hiệp với rất nhiều rủi ro về tài chính, thời gian, cơ hội việc làm, sự đánh giá tiêu cực từ những người xung quanh,… Thay vào việc “ăn không ngồi rồi”, tại sao bạn không thử tranh thủ thời gian chờ đợi tìm kiếm những công việc freelance hoặc ngắn hạn liên quan đến ngành nghề yêu thích của mình? Không chỉ có được khoản trợ cấp về tài chính, bạn còn tích lũy được thêm kha khá kinh nghiệm cho CV của mình, và quan trọng hơn, biết đâu bạn sẽ có nhiều mối quan hệ tốt để đưa mình tiến đến công việc yêu thích sau này?
Hoặc nếu bạn lựa làm việc trái ngành, hãy xác định rõ mục tiêu của bạn sau 5 năm tới. Bạn sẽ phát triển lên vị trí cao hơn với công việc này hay đây chỉ là lựa chọn tạm thời trong lúc bạn đợi chờ công việc yêu thích? Nếu chỉ là tạm thời, đừng quên trau dồi kiến thức để không bỏ quên những kĩ năng bạn yêu thích. Khi bạn tiến quá sâu với một công việc tạm thời, bạn sẽ rất khó để quay trở lại với đam mê ban đầu. Hãy luôn cập nhật các trang tuyển dụng uy tín như VietnamWorks để tìm kiếm cơ hội cho bản thân bất kỳ lúc nào.
Nói tóm lại, dù làm trái ngành hay được làm công việc yêu thích, chỉ cần bạn cảm thấy thoải mái với việc đi làm mỗi ngày, bạn có nhiều cơ hội để học hỏi thì dần dần, bạn sẽ tìm thấy cảm giác hứng thú với việc bạn đang làm. Có thể bạn phải đi đường vòng hoặc tốn nhiều thời gian hơn để đến được công việc yêu thích, nhưng nếu bạn cảm thấy điều đó là xứng đáng, đừng ngần ngại đầu tư thời gian và công sức cho đam mê này!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.