Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, có thể thấy BHXH là một trong những chính sách an sinh hữu ích đối với người tham gia, do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện dựa trên các văn bản pháp lý. Trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH, người tham gia sẽ được bù đắp một phần thu nhập khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập chính do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động.
Hiện nay có 2 hình thức để người dân có thể đăng ký tham gia, tùy theo nhóm đối tượng bắt buộc tham gia và tham gia tự nguyện. Với mỗi hình thức, người tham gia sẽ được hưởng những quyền lợi và chế độ khác nhau.
Chính sách bảo hiểm mới nhất của người lao động
Tăng tiền lương tháng đóng BHXH
Với việc lương tối thiểu vùng năm 2022 tăng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc tối thiểu kể từ ngày ngày 01/07/2022 cũng sẽ tăng.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiền lương tháng tối thiểu tháng từ ngày 01/7/2022 được quy định theo 4 vùng như sau:
- Vùng I là 4.680.000 đồng/tháng;
- Vùng II là 4.160.000 đồng/tháng;
- Vùng III là 3.640.000 đồng/tháng;
- Vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.
Như vậy, từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng của các đối tượng này được xác định như sau:
- Người lao động đóng 1% tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
- Người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Từ 01/7/2022, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa (đối với người lao động làm việc theo hợp đồng làm việc) theo từng vùng tăng lên như sau:
– Vùng I: Không quá 23.400.000 (Hiện nay là 22.100.000 đồng);
– Vùng II: Không quá 20.800.000 (Hiện nay là 19.600.000 đồng);
– Vùng III:Không quá 18.200.000 đồng (Hiện nay là 17.150.000 đồng);
– Vùng IV: Không quá 16.250.000 đồng (Hiện nay là 15.350.000 đồng).
Trở lại mức đóng 0,5% hoặc 0,3% nộp vào quỹ tai nạn lao động
Căn cứ Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/7/2022 sẽ được áp dụng như sau:
- Doanh nghiệp đủ điều kiện đóng vào Qũy tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn, có văn bản đề nghị gửi tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và được chấp nhận: Đóng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
- Doanh nghiệp còn lại: Đóng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Trên đây là thông tin về chính sách mới về bảo hiểm xã hội mà ai cũng nên biết. Mong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ và chúc bạn thành công nhé!
Xem thêm: Những điều khoản phải nắm thật rõ trong Hợp đồng lao động
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.