HÃY CÂN NHẮC THẬT KỸ
VỀ QUYẾT ĐỊNH NGHỈ VIỆC, NẾU…
1. Bạn đã đạt được mục đích trên con đường sự nghiệp
Mỗi người khác nhau sẽ có mục đích làm việc khác nhau. Người thì muốn thăng quan tiến chức, người chỉ cần lương cao là đủ, người thì muốn trau dồi kiến thức, người lại khao khát gặt hái được càng nhiều thành công càng tốt. Vậy mục đích của bạn là gì? Nếu nó không phải là học hỏi thêm nhiều điều mới, hoặc bạn tự cảm thấy bản thân đã tích lũy đủ lượng kiến thức như mong muốn rồi, thì cớ sao lại phải chọn nghỉ việc nhỉ?
2. Công việc hiện tại mang lại cho bạn nhiều điều như ý
Ai cũng muốn mình giỏi hơn, nhưng đôi khi ở một mức nào đó mà bản thân cảm thấy hài lòng thì ta tự khắc dừng cái ước muốn của mình lại. Ví dụ, lúc mới ra trường, bạn mong tìm được việc làm tốt, lương ổn, có điều kiện để phát triển bản thân và trau dồi kiến thức, do đó bạn liên tục “nhảy việc”, tìm mọi cách để đạt được nguyện vọng của mình; tuy nhiên ở độ tuổi 30-40, khi bạn đã có trong tay một việc làm lương cực cao, môi trường làm việc cực tốt, bạn cũng đã được đảm nhiệm vị trí “đầu tàu”, kinh nghiệm của bạn cũng đã nhiều vô kể thì tâm lý ngại thay đổi bỗng dưng xuất hiện vì bạn đã hài lòng với những gì mình có. Do đó, chỉ vì muốn học hỏi thêm mà từ bỏ mọi lợi ích tuyệt vời hiện tại thì thật sự rất tiếc!
3. Thời điểm hiện tại chưa phù hợp để bạn nghỉ việc
Sống trong thời đại mà cái gì cũng cần tiền để mua, thì chuyện nghỉ việc không phải là chuyện dễ. Nghỉ việc đồng nghĩa với việc không còn được nhận lương. Vì vậy trước khi quyết định nghỉ việc, bạn cần xác định xem đâu là thời điểm phù hợp. Ví dụ như bạn đang mua nhà, đang là trụ cột gia đình,…thì nếu nghỉ việc, bạn có đảm bảo được cho bản thân và gia đình một cuộc sống ổn định không?
4. Bạn vẫn còn cơ hội học hỏi
Hãy thử trò chuyện với cấp trên để chia sẻ cho họ biết điều mà bạn đang muốn. Trong cuộc sống, nếu muốn mang lợi ích về cho bản thân, bạn buộc phải chủ động. Vì nếu bạn không nói ra, không thực hiện thì chẳng ai biết bạn cần gì, huống chi giúp đỡ bạn. Do đó, hãy cho sếp biết bạn muốn được trau dồi thêm kiến thức. Có thể là qua việc đảm nhiệm thêm công việc mới, cùng tham gia hỗ trợ đồng nghiệp ở một mảng công việc mà bạn chưa từng được làm thử,…
VÀ HÃY NGHỈ VIỆC NGAY, KHI…
1. Bạn khao khát được phát triển bản thân hơn nữa
Làm đi làm hoài một công việc nhàm chán, trong khi lượng kiến thức mà bạn có vẫn còn hạn chế, bạn vẫn còn muốn bản thân có thể tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp nữa, vậy còn chần chờ gì mà không tìm cho mình cơ hội mới?
2. Bạn đã chắc chắn tìm được công việc như ý
Nghỉ việc ở công ty cũ không có nghĩa là bạn sẽ tìm ngay được công ty mới có thể đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng cá nhân của mình. Đáng e ngại hơn, bạn tìm được nơi làm việc lí tưởng rồi nhưng được nhận vào làm hay không lại là chuyện khác. Vì vậy trước khi nghỉ việc, hãy chắc chắn rằng mình đã trúng tuyển để tránh bị rơi vào tình trạng “thất nghiệp” kéo dài vì chẳng thể tìm được một công ty vừa ý.
3. Đây là thời điểm phù hợp để nghỉ việc
Thực tế, một lí do duy nhất như không còn học hỏi được gì từ công việc hiện tại vẫn chưa đủ khả năng khiến một người đưa ra quyết định nghỉ việc. Nhưng nếu trong cùng thời điểm đó, bạn đang cảm thấy chán nản vì lương quá thấp, không thể hòa hợp cùng sếp và đồng nghiệp, ngoài ra bạn có đủ khả năng duy trì cuộc sống ổn định sau khi nghỉ công việc này, thì quyết định nghỉ việc để có thể tìm được công việc phù hợp với mong muốn của bạn hơn là điều hợp lý.
>>> Xem thêm: Khi đam mê đồng nghĩa với thất nghiệp?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.