Hố đen thực tế nhiều người mắc phải
Hôm trước, một người bạn có chia sẻ rằng cậu ấy hiện tại “mỗi giây mỗi phút đều rất vội vã”, buổi sáng vội vã đi làm, vội vã ăn sáng, đến công ty thì vội vã làm việc, tan làm lại vội vã về nhà…. Buổi sáng vừa mở mắt ra là vội vã, đến tối nhắm mắt, may mắn thì ngủ được một giấc ngon lành, không may thì mất ngủ, vừa mất ngủ vừa lo lắng hơn…
Tôi hỏi, sao phải thế, có chuyện gì khiến cậu vội vã thế? Cậu ấy nói: “Đi làm có máy chấm công, không vội ư? Công việc nhiều mà không hoàn thành xong, không vội ư? Bằng này tuổi đầu rồi mà cuộc sống vẫn chưa ra đâu vào với đâu, không vội ư?” Tôi ngẩn ra. Sau khi bình tĩnh lại tôi hỏi, vội vàng như vậy có giúp cậu làm tốt được mọi việc không?
Cậu ấy đáp: “Tất nhiên là không! Càng làm càng loạn, ngược lại tỷ lệ hỏng việc còn cao hơn! Càng làm không tốt càng lo lắng, càng lo lắng lại càng làm không tốt. Nhưng cũng chẳng làm sao khác được!”
Thực ra “vội vã, lo lắng” là một trạng thái tâm lý mà rất nhiều người trong chúng ta gặp phải, khi mà một việc gì đó vẫn chưa ra ra đâu vào với đâu, chúng ta thường lo lắng rồi luôn nghĩ cách làm sao để làm việc đó tốt hơn. Chỉ là, có nhiều người không ý thức được rằng hầu hết những “lo lắng, vội vã” trong cuộc sống của mình đến cuối cùng đều không thể đem lại một kết quả tích cực hơn, mà nó hầu hết lại đều là những “vội vã không đem lại hiệu quả“.
Cái bẫy của “làm nhiều việc một lúc”.
Khi cảm thấy vội vã chúng ta thường làm nhiều việc cùng một lúc: vừa gửi tin nhắn vừa viết báo cáo lại còn trả lời email. Cách làm việc như vậy sẽ khiến chúng ta cảm thấy “bận rộn” hơn rất nhiều, từ đó cũng trở nên “vội vã” hơn, nhưng chúng ta lại luôn cho rằng làm như vậy sẽ giúp chúng ta xử lý được nhiều việc hơn.
Nhưng sự thật lại cho bạn một cái bạt tai.
Một người một ngày chỉ làm một công việc so với người một ngày làm nhiều công việc thì dù lượng công việc có như nhau, người thứ hai vẫn sẽ luôn cảm thấy mình bận rộn hơn người thứ nhất. Hơn nữa, xử lý nhiều việc cùng một lúc càng khiến chúng ta cảm thấy gấp rút hơn vì vậy mà cũng tốn nhiều sức lực hơn. Vấn đề là ở chỗ không phải ai cũng có thể làm nhiều việc cùng một lúc một cách hiệu quả, để làm được như vậy, bạn cần đến một khả năng quản lý và sắp xếp công việc cực kỳ cao. Một khi chúng ta chỉ vì vội vã mà mù quáng lựa chọn phương thức làm việc này thì thứ đem lại rất có thể chỉ là cảm giác thành tựu “giả” mà thôi.
“Vội vã” nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ có lẽ chỉ là để làm giảm sự bất an gây ra bởi sự “không thể kiểm soát”.
Rõ ràng đến công ty cũng chỉ để lướt điện thoại thôi nhưng vẫn cứ không chịu ăn sáng, vội vội vàng vàng đi sớm trước những 40 phút. Rõ ràng deadline nộp kế hoạch là thứ 6 nhưng cứ phải vội vàng làm xong trước thứ 4, có vậy mới yên tâm được. Không giống những người có tính hay trì hoãn, có những người làm việc lúc nào cũng như đang “ngồi trên đống lửa”, thậm chí ngay từ khi nhận được nhiệm vụ đã bắt đầu rơi vào trạng thái “vội vã” rồi.
Những người như vậy thường vô cùng vội vã, muốn làm xong việc trước thời gian quy định càng sớm càng tốt. Dù làm như vậy đem lại được hiệu quả nhưng nó đồng nghĩa với áp lực lớn và chất lượng có lẽ sẽ không được như ý muốn. Nguyên nhân họ làm như vậy thường là bởi nó khiến bản thân cảm thấy sự việc được kiểm soát và chắc chắn hơn, khi mọi việc đều đã được sắp xếp hết rồi hoặc là sớm đã hoàn thành rồi, ta sẽ cảm thấy mọi thứ đều trong tầm kiểm soát của mình, cảm giác “an tâm” mới thực sự là cái chúng ta cần.
Vẫn còn một loại “vội vã” nữa, vội vã chỉ để giảm bớt sự hoài nghi của bạn về cuộc sống.
Làm sao để làm tốt hơn? Làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn? Làm sao để chăm sóc con cái… những chuyện này luôn khiến chúng ta rất mệt mỏi, nhưng chúng lại là thứ cấu thành nên ý nghĩa của cuộc sống. Khi một người không tìm ra được việc có thể khiến mình cố gắng, nỗ lực, họ sẽ rất dễ trở nên lo lắng, nôn nóng, sốt ruột và bắt đầu hoài nghi ý nghĩa cuộc sống của chính mình, cảm thấy mình rất vô dụng, không có thành tựu gì.
Để chống lại những cảm xúc đó, chúng ta sẽ vội vội vàng vàng khiến bản thân trở nên “bận rộn”, giả vờ rằng cuộc sống của mình rất tuyệt vời, mình rất chăm chỉ, nỗ lực. Vội vã đi làm, vội vã về nhà chăm sóc con cái, vội vã đi họp mặt… thậm chí đi đường cũng vội vội vàng vàng vượt đèn đỏ.
Trong quá trình này, chúng ta vội vã hoàn toàn không phải bởi những việc sắp tới thực sự cấp bách mà chỉ là muốn xoa dịu đi những hoài nghi của chúng ta về chính bản thân và cuộc sống của mình. Chúng ta giả vờ để bản thân bận rộn, làm như vậy chúng ta sẽ không còn phải suy nghĩ quá nhiều về cuộc sống.
Làm sao để thoát khỏi những “vội vã tiêu cực” này?
Suy nghĩ một chút, bạn có phải cũng đã từng rơi vào trạng thái này?
Những cảm giác “vội vã” này, ngoài việc khiến chúng ta lo lắng hơn, thường không có quá nhiều tác dụng tích cực đến kết quả cuối cùng cho lắm. Trái lại, điều thực sự giúp ta hoàn thành công việc và nhận ra giá trị của cuộc sống thường là sự ổn định về cảm xúc. Vậy, chúng ta có thể làm gì để ngăn mình rơi vào cái bẫy “vội vã không đem lại hiệu quả” và để bản thân giữ được tâm trạng ổn định? Đó là:
Khi bạn cảm thấy mình cực kì vội vã, lo lắng hãy thả lỏng, không làm gì trong 15 phút
Khi chúng ta lo lắng, bất an và sợ hãi sẽ khiến chúng ta bỏ ra những nỗ lực vô ích, ngủ một giấc ngắn là một phương pháp hữu hiệu xua tan đi những bất an và sợ hãi đó. Nghiên cứu phát hiện, giấc ngủ ngắn khoảng 15-30 phút có thể giúp “dọn sạch” đại não. Dù cho không ngủ thì hãy ép bản thân không làm gì cả, nằm sấp xuống bàn, thả lỏng trong khoảng 15 phút cũng giúp não chúng ta suy nghĩ lại từ đầu. Khi bạn tỉnh dậy, một bộ não “sạch sẽ” sẽ giúp bạn xử lý các thông tin hiệu quả hơn.
Đối với những việc mà bạn “không thể kiểm soát”
Rất nhiều “vội vã” đều xuất phát từ cảm giác lo lắng khi chúng ta bận rộn vô nghĩa và không thể kiểm soát được sự việc. Lúc này, việc cần làm không phải là vội vã đi làm việc ngay để có được cảm giác an toàn mà đó là bình tĩnh lại, thả lỏng, và phân tích xem đâu là những việc mình có thể kiểm soát, xem xem mình có thể thay đổi được những gì, không thay đổi được những gì, từ đó có lại được cảm giác kiểm soát được sự việc.
Đối với những việc mà mình thực sự không kiểm soát được, nên từ bỏ thì hãy từ bỏ. Đôi khi, vào giây phút quyết định “từ bỏ”, bạn sẽ phát hiện ra rằng nó không kinh khủng như bạn nghĩ, đồng thời có thể giúp bạn nhận ra thứ thực sự khiến mình lo lắng, vội vã như vậy là gì, bạn sẽ có thể hiểu mình hơn và dần dần khắc phục được sự lo lắng, vội vã trong mình.
Nhớ rằng, người chậm nhất nhưng có một mục tiêu xác định luôn nhanh hơn những người chậm nhưng lại không có mục đích gì cả. Đừng chỉ dùng 10% năng lượng để nỗ lực và 90% cho vội vã, lo lắng vô ích bạn nhé!
— HR Insider / Theo Cafebiz —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.