Ai trong chúng ta cũng có tâm trạng hồi hộp và lo lắng trong buổi phỏng vấn đầu tiên. Vậy trong các buổi phỏng vấn thông thường, nhà tuyển dụng hay đưa ra những câu hỏi phỏng vấn gì? Và bạn nên trả lời như thế nào để chiếm được thiện cảm từ nhà tuyển dụng? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây.
1/ Lý do khiến bạn từ bỏ công việc trước đây để ứng tuyển vào đây là gì?
Câu hỏi này thường xuất hiện trong những buổi phỏng vấn, bởi bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng muốn biết tại sao bạn chọn họ, từ đó có thể nhận định được mức độ phù hợp của bạn đối với vị trí ứng tuyển.
Khi gặp phải câu hỏi này, hãy nói với nhà tuyển dụng những thành tích mà bạn đạt được trong quá trình công tác ở công ty cũ. Bạn thay đổi công việc mới vì muốn tìm kiếm cho mình một cơ hội phát triển tốt hơn và học hỏi thêm nhiều điều thú vị tại quý công ty. Hoặc bạn có thể nói, bạn nhận thấy công ty là môi trường làm việc mà bạn muốn thử sức và gắn bó lâu dài.
Lưu ý:
- Đừng bao giờ nói với nhà tuyển dụng lý do bạn thay đổi công việc vì không hài lòng với sếp cũ, điều này không hay chút nào. Bởi, nhà tuyển dụng có thể nghĩ bạn đang nói xấu sếp cũ và có phần e dè khi cân nhắc tuyển dụng bạn.
- Cũng đừng nói do vị trí việc làm có mức lương quá thấp nên muốn đổi công việc mới, họ sẽ nghĩ bạn thích tiền hơn là đam mê công việc…
2/ Câu hỏi phỏng vấn – Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu?
Câu hỏi về lương là câu hỏi khá nhạy cảm, nếu trả lời không thỏa đáng, rất có thể bạn sẽ mất đi cơ hội việc làm mà mình mong muốn.
Ở câu hỏi này, sẽ chia theo hai trường hợp để trả lời:
- Trường hợp đã có nhiều năm kinh nghiệm và tự tin với kinh nghiệm việc làm của bản thân: Bạn có thể đề ra mức lương mà mình mong muốn và thuyết phục họ bằng lý lẽ và dẫn chứng cụ thể (chẳng hạn như đảm bảo sau bao nhiêu tháng đạt được doanh thu bao nhiêu %, đem về lợi nhuận cho doanh nghiệp như thế nào…)
- Trường hợp bạn là nhân viên thử việc, chưa có kinh nghiệm nhiều trong công việc: Tôi cam kết sẽ hoàn thành tốt công việc được quý công ty giao phó và mong rằng sẽ nhận được mức lương tương ứng. Mong rằng quý công ty sẽ cho tôi cơ hội để chứng minh năng lực của bản thân.
3/ Câu hỏi phỏng vấn – Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Thành thật là tốt, tuy nhiên đừng thành thật đến nỗi nói với nhà tuyển dụng điểm yếu mà khiến họ không muốn tuyển bạn nữa. Hãy trình bày những điểm yếu có khả năng khắc phục, những điểm yếu không liên quan quá sát với công việc mà bạn ứng tuyển.
Đừng nói điểm yếu của tôi là tính toàn khi đang ứng tuyển ở vị trí kế toán, hay tôi rất ngại giao tiếp với người khác khi đang xin vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng…
Hãy nói: Tôi là một người cầu toàn, đôi khi nó cũng là điểm yếu lớn bởi nó gây cho tôi áp lực và hay nổi cáu với những người xung quanh. Tuy nhiên, tôi vẫn đang khắc phục nó mỗi ngày bằng cách điều chỉnh cảm xúc phương thức làm việc.
4/ Câu hỏi phỏng vấn – Anh chị nghĩ mình có thể làm gì cho công ty chúng tôi?
Khi gặp câu hỏi này, trước hết hãy nói đến mục tiêu công việc của bạn là gì.
- Ví dụ như: Mục tiêu mà tôi hướng đến chính là muốn trở thành một nhân viên kinh doanh giỏi của công ty trong vòng 1 năm. Tôi muốn phấn đấu trở thành trưởng phòng kinh doanh trong năm thứ 3 công tác. Tôi muốn tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp từ …% lên …%
Tiếp đó, hãy nói đến những kinh nghiệm mà bạn đang có và kỹ năng nghiệp vụ liên quan. Hãy dùng nó để thuyết phục cho những điều bạn đang nói ở phần trên.
Cuối cùng, đừng quên nói “Tôi rất mong được phục vụ vì lợi ích của doanh nghiệp, rất mong quý công ty cho tôi cơ hội được chứng minh khả năng của bản thân”.
5/ Bạn có khả năng chịu đựng được áp lực công việc không?
Nếu trả lời là không, thì bạn đã bị đánh rớt rồi đấy. Bất cứ công việc nào cũng tồn tại những áp lực riêng biệt. Nếu bạn không thể chịu đựng được thì làm sao có thể thành công?
Vì thế, hãy nói với nhà tuyển dụng bạn có kỹ năng giải quyết áp lực như: tập thể thao, quản lý thời gian, ngồi thuyền,…Bạn có thể điều chỉnh tâm trạng và điều phối công việc nếu gặp phải áp lực. Do đó, bạn tự tin mình có thể giải quyết được áp lực công việc một cách tốt nhất.
Câu hỏi phỏng vấn khó thường gặp đều sẽ trở nên đơn giản khi bạn chuẩn bị tốt cho mình tâm lý vững vàng và vốn kiến thức cần thiết. Hãy hít thở thật sâu, uống một ngụm nước để lấy bình tĩnh trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn. Chúc bạn thành công trong buổi phỏng vấn của mình.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.