Ai rồi cũng sẽ có những nốt trầm trong công việc của mình, và sẽ luôn cân nhắc nghỉ việc khi đã cảm thấy chán nản với công việc hiện tại. Tuy nhiên, liệu bạn có nhận ra đâu là chỉ là những cơn “tụt mood” nhất thời và đâu là dấu hiệu của sự “chia lìa sắp tới”? Làm thế nào để biết rằng đã đến lúc bạn cần phải “tiếp bước” và ra đi trong êm đềm?
Ý kiến của chuyên gia
Cân nhắc nghỉ việc, dù ít hay nhiều, cũng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, làm gián đoạn đời sống của bạn. Tuy nhiên, việc cứ thu mình trong một nơi mà bản thân thấy không phù hợp thì còn tệ hơn.
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp bất lực dù cảm thấy không hề hạnh phúc với công việc hiện tại của mình”. Leonard Schlesinger, hiệu trưởng trường Đại Học Babson, đồng tác giả quyển sách Just Start: Take Action, Embrace Uncertainty, Create the Future chia sẻ. Daniel Gulati, doanh nhân công nghệ và đồng tác giả quyển Passion & Purpose: Stories from the Best and Brightest Young Business Leaders lại cho rằng: “Hầu hết mọi người phải cam chịu quá lâu vì vốn dĩ môi trường doanh nghiệp được tạo ra nhằm hoạch định và đào tạo mọi nhân viên theo những khuôn khổ, chuẩn mức nhất định, thay vì khuyến khích họ được làm những công việc phù hợp”.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn chấp nhận với nghịch cảnh. Cùng tham khảo những giải pháp sau đây, giúp bạn có thể “nhẹ nhõm” rời khỏi công việc hiện tại mà vẫn không tạo ra những tác động tiêu cực đến xung quanh.
Quan sát những dấu hiệu
Bắt đầu bằng việc nhận ra bản thân đang ngày càng chán chường với những việc làm hằng ngày. Tuy nhiên, thông thường khi được hỏi tâm trạng của bạn như thế nào thì câu trả lời lại thường sẽ là: “Vâng! Tôi ổn, nhưng thật sự bên trong tôi là một mớ hỗn độn.” Bên cạnh đó, một số dấu hiệu “đáng báo động” khác mà có thể bạn không để ý bao gồm:
- Cứ tự hứa với lòng là sẽ cân nhắc nghỉ việc, nhưng mãi cứ bám trụ. Theo Gulati, đây đơn thuần là một lời biện hộ cho mọi vấn đề tiềm tàng đang chờ đợi bộc phát.
- Bạn không còn muốn ngồi thay ghế của cấp trên. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn không còn hứng thú với con đường sự nghiệp ở tổ chức hiện tại.
- Hiệu suất công việc ngày càng trì trệ. Dù rằng bạn luôn cố gắng hết mình, nhưng kết quả lại chẳng đến đâu. Đã đến lúc cần phải xác định lại: Bạn tiếp tục với công việc này vì điều gì? Vì cơ hội phát triển của bản thân hay vì những người đồng nghiệp tốt tính xung quanh?
Nếu đã mắc phải một hay nhiều dấu hiệu trên, đã đến lúc cần nghiền ngẫm lại xem: cái giá để tiếp tục với công việc hiện tại liệu có còn xứng đáng với bạn, và liệu bạn có chấp nhận đánh đổi chúng bằng những cơ hội mới đang chờ đợi?
Hỏi dò, thu thập nguồn tin xung quanh
Để dễ dàng xác định xem liệu bản thân đã sẵn sàng để nghỉ việc, bạn có thể bắt đầu bằng việc dò la tin tức, thái độ của mọi người xung quanh.
Thử ngồi xuống đối diện với cấp trên và chia sẻ toàn bộ những góc nhìn và mong muốn của bạn trong công việc. Trong trường hợp cấp trên của bạn không mở lòng cho những buổi nói chuyện như thế này, hãy nhìn lại bản đánh giá và nhận xét năng lượng thường niên gần nhất mà bạn nhận được. Liệu những lời nhận xét được ghi có khiến bản cảm thấy bị tổn thương? Hay liệu bạn có cố gắng đến bao nhiêu nhưng hiệu quả lại những được bấy nhiêu.
Hiểu và chấp nhận rủi ro
Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, bạn cũng cần phải xác định được những mặt trái của việc “thoát khỏi công việc hiện tại”. Những mối quan hệ, dòng thu nhập ổn định hay con đường sự nghiệp bền vững phía trước. Mọi yếu tố cần phải được suy xét thận trọng trước khi đi đến quyết định cuối cùng, để tránh ảnh hưởng về sau.
Xác định rõ ràng mục tiêu tiếp theo
Không cần phải nhất thiết là một bản danh sách những công việc bạn cần phải làm tiếp theo, nhưng chí ít đó bạn cần phải hiểu rõ bạn cần phải đi đâu tiếp theo. Gulati nhấn mạnh rằng: “Việc lựa chọn cân nhắc nghỉ việc không phải để lẩn trốn khỏi những cảm xúc tiêu cực, mà là để bảo đảm những cảm xúc tích cực luôn hiện hữu trong bạn. Nếu bạn không thích công việc hiện tại, cứ mạnh dạn nộp đơn nghỉ việc. Nhưng trước đó, hãy xác định cho mình một nước đi tiếp theo – một nước đi mà bạn tin là sẽ phù hợp với năng lực & cá tính bản thân mình”.
Đừng “dứt áo ra đi” mà không nói lời từ biệt
Hay chí ít là hãy cho cấp trên và tổ chức thấy được sự tôn trọng của bạn, dù không còn làm việc ở đây. “Hãy rời đi vào ngày cuối như cách mà bạn bước vào văn phòng ngày đầu tiên”, Schlesinger nói. Hãy chia sẻ vấn đề này với những người mà bạn cảm thấy tin tưởng nhất. Thậm chí, hãy mạnh dạn chia sẻ với cấp trên của mình. Không chỉ giúp sếp của bạn nắm rõ được tình hình, mà đó còn là biểu hiện của sự tôn trọng đôi bên dành cho nhau.
Những điều quan trọng cần ghi nhớ
Nên:
- Tự hỏi bản thân liệu bản thân có phù hợp với công việc hiện tại
- Kiểm tra lại xem thực trạng có còn hi vọng, hay đã đến lúc để bạn ra đi.
- Xác định rõ điểm dừng tiếp theo trước khi quyết định nghỉ việc
Không nên:
- Đừng tiếp tục với công việc nếu bạn không yêu thích những gì mà cấp trên hay những người xung quanh đang đối xử với bạn
- Đừng làm điều gì dại dột, gây ảnh hưởng đến danh tiếng & sự nghiệp phía trước
- Đừng nghỉ việc quá nhiều vì sẽ làm ảnh hưởng đến CV của bạn
–HR Insider/ Theo HBR Ascend–
VietnamWorks.com – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.