Cải cách tiền lương tại nghị định 27 vừa được ban hành với nhiều đổi mới. Hãy cùng nhìn qua 5 điểm mới nổi bật trong lần cải cách này.
Tại Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Khóa XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương hiện nay và nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận bởi chính sách tiền lương là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế- xã hội , liên quan trực tiếp đến nhiều khía cạnh từ thị trường lao động đến đời sống người hưởng lương từ đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hãy cùng điểm qua một vài điểm sáng khác biệt từ Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.
1. Tiếp tục điều chỉnh cải cách tiền lương cơ sở và tiền lương tối thiểu vùng
– Nghị quyết 27 đã nêu rất rõ, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương cơ sở ở khu vực nhà nước và bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
– Không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề và hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, tinh giản biên chế.
– Đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy theo nghị quyết của TW. Tuy nhiên, đến năm 2021 mức lương cơ sở sẽ hoàn toàn được bãi bỏ.
– Trong khu vực doanh nghiệp, thực hiện tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
2. Nghị quyết 27 sẽ bãi bỏ hàng loạt phụ cấp, khoản chi ngoài lương và gộp nhiều loại phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức
- Sẽ tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động đồng thời sẽ bãi bỏ các loại phụ cấp khác như: phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội, phụ cấp công vụ ,… là những giải pháp cải tiến mà Nghị quyết 27 mang lại
- Bên cạnh đó, Nghi quyết còn nêu rõ sẽ gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp về giáo dục và đào tạo, y tế,…Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
- Đồng thời bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
3. Xây dựng 2 bảng lương mới theo chức vụ, vị trí việc làm bao gồm
- 1 bảng lương chức vụ: Áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp.
- 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ: Áp dụng chung với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo; được xây dựng trên nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau…
4. Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách theo cơ cấu mới
- Cơ cấu tiền lương mới đối với khu vực Nhà nước sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
- Hệ thống bảng lương mới được xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm tiền lương sau thay đổi không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
5. Đến năm 2021 cải cách tiền lương nhà nước sẽ bằng lương doanh nghiệp
– Từ năm 2021 mức lương cơ sở và hệ số lương được bãi bỏ, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể, đảm bảo mức lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức phải bằng mức lương thấp nhất bình quanh các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
– Đến năm 2025 tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
– Đến năm 2030 tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Trên đây là 5 điểm mới nổi bật trong Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương có ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.