Chính vì vậy, chúng tôi sẽ giúp bạn nhận diện một vài vấn đề thường xảy ra trong môi trường làm việc và một vài phương pháp xử lý để quá trình làm quen với văn hóa công ty trở nên dễ dàng hơn.
1. Quản lý vi mô
Thời phổ thông còn ở với bố mẹ, mỗi khi tôi học bài, cứ một lát là mẹ tôi lại đi vào xem tôi học tới đâu rồi. Việc mẹ tôi liên tục kiểm tra tiến độ, hoặc nhìn chằm chằm khi tôi đang học như vậy tạo cho tôi một cảm giác “bị theo dõi” và thiếu tin tưởng rất khó chịu.
Việc luôn bị quản lý gắt gao, “kè kè từng bước một” như vậy gọi là quản lý vi mô (micro-management). Theo từ điển Merriam-Webster định nghĩa, đó là “cách quản lý với sự kiểm soát quá mức hoặc quá chú ý vào tiểu tiết”. Trong môi trường làm việc, dấu hiệu của quản lý vi mô là một người cấp trên hạn chế ủy thác công việc cho nhân viên, một mình ôm đồm tất cả, hoặc yêu cầu quá nhiều báo cáo với những tiểu tiết không cần thiết.
Nguyên nhân của quản lý vi mô xuất phát từ sự thiếu tin tưởng vào nhân viên, đồng thời còn là tâm lý thích kiểm soát hết mọi thứ. Để giải quyết vấn đề này, bạn nên góp ý chân thành với người sếp đó, đồng thời cần tăng mức độ tín nhiệm của mình trong mắt sếp. Bạn có thể chứng minh năng lực bằng doanh số hoặc hiệu quả công việc. Tác phong và thái độ chủ động trong công việc cũng là một điều thiết yếu để trấn an tâm lý sếp. Từ đó, bạn sẽ được trao nhiều sự tự do hơn trong công việc.
Công sở là một môi trường làm việc giữa người với người, vì vậy chia sẻ (sharing) là một hoạt động cần thiết để kết nối với nhau, cũng là một cách để giải toả áp lực và mệt mỏi sau hàng giờ làm việc liên tục . Tuy nhiên, ranh giới giữa ‘chia sẻ’ và ‘chia sẻ quá đà’ là rất mong manh.
Theo nhà tâm lý trị liệu Julie de Azevedo Hanks, chia sẻ quá nhiều xuất phát từ mong muốn xây dựng mối quan hệ. Họ muốn thể hiện bản thân và kết nối với người khác, nhưng lại không biết cách đặt giới hạn. Đôi khi, họ chia sẻ nhiều hơn mức cần thiết vì cảm thấy thiếu an toàn, sợ mối quan hệ của mình sẽ tồn tại xa cách về mặt cảm xúc.
‘Chia sẻ’ biến tướng thành ‘chia sẻ quá đà’ là khi người mọi người bắt đầu cảm thấy không thoải mái và khó làm việc chung với nhau. Người nghe sẽ trở nên mệt mỏi do phải nhận quá nhiều thông tin không cần thiết. Ngoài ra, đó có thể là những thông tin khiến người nói hối hận về sau vì đã lỡ chia sẻ ra ngoài.
Để tránh tiết lộ quá nhiều, trước khi chia sẻ bạn nên tự hỏi liệu đây là thông tin người khác nói cho bạn thì bạn có muốn biết không. Nếu là người mới bước vào môi trường đó, hãy dành thời gian quan sát xem những người khác chia sẻ về bản thân ở mức độ như thế nào để tự điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu xung quanh bạn có một đồng nghiệp thường xuyên vượt quá giới hạn tiếp nhận thông tin của bạn, hãy nói rõ với họ. Bạn có thể bắt đầu bằng “Tôi rất vui vì anh đã tin tưởng chia sẻ những thông tin này với tôi, nhưng phải bàn luận chủ đề này ở công ty khiến tôi không thoải mái cho lắm…”
3. Đặt giới hạn
Bên cạnh việc “bội thực thông tin”, môi trường công sở còn tồn tại những “ca khó” khác, chẳng hạn không nỡ từ chối công việc dù cảm thấy quá sức. Dù nguyên nhân khiến bạn khó nói “không” là gì thì đều dẫn đến một kết quả chung, đó là bạn dần mất kiểm soát trong công việc.
Vậy nên, việc thiết lập giới hạn (boundary setting) là không thể thiếu. Việc này không hề biến bạn trở thành một người “lạnh lùng”, “khó gần” hay “dễ gây mất lòng” gì cả. Nó chỉ bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị quá tải thôi.
Đây là một số cách xây dựng ranh giới mà bạn có thể tham khảo, được tổng hợp từ tạp chí Forbes và trang PsychCentral:
1. Thiết lập ranh giới ngay từ đầu. Rất khó để thay đổi một cái gì đã thân thuộc, vì vậy hãy làm ngay khi bạn còn là tân binh.
2. Luyện tập cách nói “không”.
3. Giao tiếp cụ thể, rõ ràng về những điều làm bạn không thoải mái. Tránh vòng vo.
4. Ủy thác hoặc chia sẻ công việc cho đồng nghiệp mà bạn tin tưởng nếu cảm thấy quá sức.
4. “Văn hóa gọt xoài” hay thói quen hóng hớt chốn văn phòng
Khung giờ xế chiều là thời gian mọi người nghỉ giải lao sau nửa ngày làm việc. Thời điểm này cũng là lúc bàn luận các phi vụ nóng hổi, từ trong công ty mở rộng ra toàn ngành, đi kèm với hình ảnh gọt trái cây (hay cụ thể là xoài – loại trái cây phổ biến nhất chốn văn phòng).
Theo nhà thôi miên lâm sàng Kilan Relangi, việc “hít hà drama” có sức cuốn hút mãnh liệt như bất kỳ cơn nghiện nào. “Chúng ta buôn chuyện vì không muốn bị nhắc tới nỗi bất an, thất bại và trống trải của mình. Buôn chuyện phiếm về người khác không chỉ giúp ta tự đánh lạc hướng bản thân khỏi những suy nghĩ nội tâm kể trên, mà còn giúp ta cảm thấy an toàn hơn, tốt đẹp hơn.”
Văn hóa hóng hớt không chỉ làm tốn thời gian, mà còn khiến góc nhìn của bạn trở nên tiêu cực và phiến diện, bởi thông thường bạn chỉ được nghe từ một phía. Giải pháp để thoát ra khỏi vòng xoáy buôn chuyện không hồi kết này là lấy cớ cần làm việc và rút lui. Mục đích của giờ giải lao là để vui vẻ. Nếu có thể, hãy hướng cuộc trò chuyện xoay quanh những chủ đề tích cực: đi ăn ở đâu thì ngon, đi chơi ở đâu thì vui,…
5. Văn hóa nhậu
Việc tụ tập uống bia rượu vốn là một hoạt động giao tiếp lâu đời tại Việt Nam với cái tên dân dã khác là “nhậu”. Ngày nay, nhậu thậm chí còn được xem là một loại “kỹ năng mềm” chốn công sở. Tuy không sách vở hay buổi chia sẻ kinh nghiệm nào đề cập, nhưng ai cũng ngầm hiểu đây là yếu tố căn bản để quá trình “nhập gia tùy tục” được suôn sẻ hơn.
Tuy vậy, đằng sau bàn nhậu tồn tại nhiều hậu quả khôn lường, chẳng hạn như ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ và hình ảnh của bản thân. Gác lại những mời mọc và cả nể, bảo vệ bản thân an toàn khỏi những cuộc nhậu là điều trên hết.
Trước hết bạn cần xác định lập trường và nguyên tắc của mình với đồng nghiệp. Đồng thời, cần phân định rạch ròi mối quan hệ xung quanh bàn nhậu để không “vui quá trớn” với đồng nghiệp và đặc biệt là cấp trên. Cuối cùng, từ chối khéo là một điều cần thiết khi bạn thấy có dấu hiệu đi quá giới hạn.
Chia sẻ từ HR Insider |
---|
Dù là “chân ướt chân ráo” bước vào môi trường công sở hay là “kẻ lão làng” thì việc phạm sai lầm dẫn đến hình ảnh cá nhân trong mắt đồng nghiệp và cấp trên xấu đi là điều không thể tránh khỏi. Nhưng bạn nên nhớ, có những sai lầm sẽ được tha thứ nhưng có những sai lầm thì sẽ không. Đặc biệt là việc “ngồi lê đôi mách” thay vì chú trọng vào cải thiện công việc. Vì thế, hãy luôn tỉnh táo và giữ mình hòa động, thân thiện chứ đừng biến thành “bà cô nhiều chuyện” hay “chuyên viên drama” nhé! |
— HR Insider/ Theo Vietcetera—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.