Đánh giá năng lực và kỹ năng của bản thân
Trước khi bắt đầu viết CV, bạn nên tự đánh giá năng lực và kỹ năng của mình để có thể đưa ra những thông tin thật sự đáng chú ý và phù hợp với vị trí công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển vào. Nếu bạn là một sinh viên mới ra trường, thì bạn có thể liệt kê những môn học chính trong ngành học của mình, các dự án, hoạt động ngoại khóa, hay kinh nghiệm làm việc thực tế (nếu có) để làm nổi bật kỹ năng của mình.
Các kỹ năng có thể chuyển giao
Nếu bạn là một người mới hoàn toàn trong lĩnh vực này thì cũng đừng nên quá lo lắng. Bạn hoàn toàn có thể tìm cách liên kết những kỹ năng trong công việc trước kia với công việc hiện tại.
Ví dụ như, bạn từng làm Tư vấn tài chính muốn chuyển hướng sang làm Marketing. Tại đây bạn có thể tìm những điểm chung giữa hai nhóm ngành nghề này: Kỹ năng phân tích và đánh giá thị trường; Khả năng đàm phán và thuyết phục; v.v. Những điểm tương đồng này dù không quá mật thiết, nhưng nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy khả năng phát triển của bạn đối với công việc mới.
Sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp
Viết CV trái ngành cần phải sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp và phù hợp với công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển. Nên tránh sử dụng những từ lóng, ngôn ngữ tình cảm hay quá cứng nhắc. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các từ vựng chuyên ngành và cố gắng mô tả những kỹ năng và kinh nghiệm của mình một cách rõ ràng, cụ thể và logic.
Có một Objective ngắn gọn, ấn tượng
Bạn nên nhớ nhà tuyển dụng thường chỉ dành 15s – 30s để xem một CV xin việc. Vì vậy những CV xin việc ấn tượng khi tiếp cận sẽ là những ứng viên được lưu lại. Phần đầu tiên họ nhìn vào sẽ là Objective của bạn, đây chính là chìa khóa thu hút nhà tuyển dụng. Vì vậy hãy viết một cách ngắn gọn và cố gắng thể hiện điều tốt nhất để gây chú ý. Bạn không cần viết một đoạn văn dài miêu tả bản thân và mục tiêu nghề nghiệp của mình, hãy để nó cho buổi phỏng vấn. Phần này bạn chỉ nên viết khoảng 150 từ.
Trong trường hợp bạn đang muốn bắt đầu công việc là một content writer, hãy ghi cụ thể mục tiêu như “trở thành content leader sau 2 năm” thay vì đưa vào những mục tiêu mơ hồ và không đo lường được như “học hỏi, phát triển kỹ năng”.
Liệt kê các kinh nghiệm làm việc
Khi bạn đã có kinh nghiệm làm việc thì dù là trái ngành cũng sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao miễn là bạn biết cách liên kết các kinh nghiệm, kỹ năng bạn có được với vị trí hiện tại. Khi đề cập đến kinh nghiệm, bạn nên viết rõ nhiệm vụ và mình đã học được những gì – ví dụ bạn muốn chuyển nghề sang Digital Marketing (trái ngành) nhưng từng làm báo điện tử hoặc thiết kế đồ họa thì kỹ năng thiết kế, viết nội dung chắc chắn sẽ có ích trong vai trò mới. Bắt đầu các gạch dòng về kinh nghiệm bằng động tự sẽ giúp CV của bạn tạo được ấn tượng mạnh hơn.
Gợi ý: Công ty CP XYZ (1/2020 – 10/2021)
Vị trí: Nhân viên thiết kế đồ họa
- Thiết kế logo sản phẩm, banner, hình ảnh quảng cáo, truyền thông và tiếp thị;
- Tìm kiếm ý tưởng và viết content đơn giản, chuẩn SEO;
- Năm bắt các xu hướng mới.
Tập trung vào những thông tin quan trọng
Trong CV, bạn nên tập trung vào những thông tin quan trọng nhất và phù hợp nhất với vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển. Nên tránh đưa những thông tin không liên quan hay quá dài dòng. Bạn nên tóm tắt những thông tin quan trọng trong phần mô tả công việc của mình, tập trung vào những thành tựu, kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn đã đạt được.
Đưa ra một tầm nhìn chiến lược dài hạn
Nếu bạn muốn ứng tuyển vào vị trí trái ngành, bạn nên đưa ra một tầm nhìn chiến lược dài hạn cho bản thân và giải thích tại sao bạn quyết định thay đổi ngành học hoặc ứng tuyển vào vị trí trái ngành. Điều này sẽ giúp các nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về động lực và sự đam mê của bạn đối với công việc mà bạn đang ứng tuyển vào.
Cập nhật và chỉnh sửa thường xuyên
Cuối cùng, bạn nên cập nhật và chỉnh sửa CV của mình thường xuyên để đảm bảo rằng nó phù hợp với vị trí công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển. Giới hạn độ dài của CV cũng phù hợp với yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Bạn cũng nên đọc lại CV của mình nhiều lần để đảm bảo rằng nó không có lỗi chính tả hay ngữ pháp và tránh sai sót không đáng có.
Viết CV trái ngành không phải là điều dễ dàng, nhưng nó hoàn toàn có thể đạt được nếu bạn thực hiện các bước trên một cách chuyên nghiệp và tập trung vào những điểm mạnh của bản thân. Đừng quên thể hiện sự tò mò, đam mê và sẵn sàng học hỏi trong CV của mình, vì điều này sẽ giúp bạn nổi bật trước các nhà tuyển dụng và có cơ hội được gặp gỡ và phỏng vấn.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng việc ứng tuyển vào một vị trí trái ngành có thể gặp nhiều thử thách, nhưng cũng là cơ hội để bạn học hỏi thêm nhiều kiến thức và trở thành một chuyên gia đa năng và linh hoạt. Chúc bạn thành công trong việc viết CV và tìm kiếm công việc mơ ước của mình!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.