Bánh xe cuộc đời là gì?
Bánh xe cuộc đời – Wheel of Life – là công cụ được chia thành nhiều khía cạnh khác nhau, bao gồm: sức khỏe, sự nghiệp, gia đình, mối quan hệ, cảm xúc, phát triển bản thân, tài chính,…
Công cụ này được nhiều chuyên gia tâm lý, huấn luyện và tư vấn sử dụng để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về bản thân và cuộc sống, hướng đến cuộc sống tích cực, cân bằng và có ý nghĩa.
Mỗi khía cạnh trong bộ công cụ sẽ có thang điểm từ 1-10, từ tâm vòng tròn ra bên ngoài, thể hiện mức độ hài lòng của mỗi người. Thông qua cách cho điểm từng khía cạnh, bạn có cái nhìn tổng quan về mọi mặt trong cuộc sống hiện tại.
Nguyên lý bánh xe cuộc đời
Bánh xe cuộc đời thể hiện những vấn đề nền tảng mà mỗi cá nhân đều gặp phải. Dựa vào đó, bạn có thể hiểu thêm về những khía cạnh trong cuộc sống hiện tại và định hướng trong tương lai. Thang điểm trong bộ công cụ giúp chúng ta đánh giá những điểm đã làm tốt và những điểm cần cải thiện.
Mỗi thời điểm trong cuộc đời, chúng ta sẽ ưu tiên những điều khác nhau. Thứ tự ưu tiên sẽ luôn thay đổi. Việc sử dụng công cụ bánh xe cuộc đời giúp bạn xác định đâu là yếu tố quan trọng và đâu là điều thứ yếu trong cuộc sống hiện tại. Khi đã thấu hiểu, bạn sẽ bớt cảm giác tham lam, sợ hãi khi không thể chu toàn được tất cả mọi thứ. Thay vào đó, bạn sẽ tập trung thời gian, công sức vào điểm cốt lõi, từ đó lan tỏa và cân bằng những khía cạnh còn lại.
Nếu không nhận diện được những khía cạnh khác nhau trong bánh xe cuộc đời, bạn sẽ sao nhãng cuốn theo nhiều yếu tố mà bỏ mặc những thứ quan trọng khác trong cuộc sống, làm ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ, tình cảm, và những điều giá trị thuộc về tinh thần, cảm xúc.
Đối với những điều chưa thực sự hoàn thiện, chí ít bạn cũng đã nhìn nhận ra và dành thời gian để cải thiện. Đó là ý nghĩa quan trọng khi sử dụng bộ công cụ ý nghĩa này.
Cách áp bánh xe cuộc đời vào kế hoạch cuối năm
Với những ý nghĩa quan trọng như trên, mỗi người cần thiết kế bánh xe cuộc đời cho riêng mình. Dưới đây là các bước đơn giản để bạn thực hiện:
Bước 1: Bạn nên thực hiện trong thời gian yên tĩnh để tập trung và có sự cảm nhận sâu sắc hơn. Vẽ vòng tròn và chia đều thành 6-8 khía cạnh. Bạn có thể tham khảo những bài viết của các chuyên gia tâm lý để xác định các khía cạnh quan trọng này.
Bước 2: Tiến hành đánh giá mức độ hài lòng đối với những khía cạnh trên theo thang điểm từ 1 đến 10. Đây là bước quan trọng nên bạn cần trung thực, tập trung và suy nghĩ sâu sắc.
Bước 3: Kết quả sau khi chấm điểm cho từng khía cạnh phản ánh cuộc sống hiện tại của bạn, giúp bạn nhận ra vấn đề quan trọng đang dành nhiều thời gian, công sức và những điều đang bỏ bê khiến cho cuộc sống giảm chất lượng.
Bước 4: Xác định những tiêu chí bạn cho là quan trọng nhất trong hiện tại, cùng với mục tiêu trong tương lai ngắn hạn và dài hạn. Bạn nên viết ra những mục tiêu trên làm cơ sở để cải thiện.
Bước 5: Hành động. Ở bước này, bạn cần thực hiện những giải pháp để cân bằng lại cuộc sống, tập trung vào những điều thiết yếu, cải thiện những điểm hạn chế và bỏ bớt những điều khiến bạn sao nhãng.
Bước 6: Rà soát định kỳ mỗi tháng hoặc mỗi năm để nhận ra sự thay đổi của bản thân, tiếp tục điều chỉnh để đạt đến mục tiêu mà bạn đã viết ra trước đó.
Trong suốt quá trình thực hiện các bước, bạn nên ghi lại nhật ký bánh xe cuộc đời để theo dõi những sự thay đổi tích cực từ bên trong. Nhật ký là những trang viết soi chiếu vào chính bản thân, giúp bạn ngày càng hoàn thiện, là phiên bản của chính bạn chứ không phải là một ai khác.
Xem thêm: Khủng hoảng Burnout cuối năm và cách quản lý đúng mực để nhân viên không kiệt sức
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.