Khi nghe đến câu hỏi “Hãy giới thiệu về bản thân bạn”, có phải bạn định liệt kê từ tên tuổi, năm sinh, nơi cư trú, tính cách bản thân hay không? Nó không sai, nhưng nó không phù hợp. Bạn đang ngồi trước nhà tuyển dụng, những người quan tâm đến bạn có điểm mạnh gì, có phù hợp với vị trí phỏng vấn hay không, họ không muốn nghe bạn kể lể đủ điều. Vì thế, chọn lọc là điều bạn cần làm.
Các bước giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn
Bước 1: Dành khoảng 1 phút của cuộc phỏng vấn để nói về bạn hiện tại
Đầu tiên, bạn hãy giới thiệu đôi chút về bản thân ở thời điểm hiện tại. Có rất nhiều điều để bạn trình bày, chẳng hạn như: Bạn có những điểm mạnh gì, bạn có bao nhiêu năm kinh nghiệm, dự định trong tương lai của bạn là gì, sở thích của bạn là gì, bạn có những yếu tố nào phù hợp với công việc ứng tuyển…
Ví dụ: Tôi là Trương Mỹ An, tôi là người con của mảnh đất Thái Bình. Tôi tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngành Báo chí. Tôi là người thích học hỏi, thích nghi nhanh và không chịu từ bỏ. Từ nhỏ, tôi đã thích đọc sách và khám phá văn hóa của các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, tôi có nhiều kiến thức và có thể áp dụng vào việc viết báo cho chuyên mục Văn hóa – Xã hội của quý công ty.
>>> Xem thêm: Những câu hỏi phỏng vấn việc làm thường gặp, cách trả lời bằng tiếng Anh & tiếng Việt
Bước 2: Chia sẻ một chút về công việc trong quá khứ
Kinh nghiệm làm việc, kỹ năng được rèn luyện, các xử lý tình huống trong thực tế là minh chứng tốt nhất cho năng lực của bạn và sau khi kết thúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ bám vào đó để đánh giá bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không.
Ví dụ: Từ khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc ở 2 công ty. Công ty thứ nhất, tôi đảm nhận vị trí Copywritter trong 1 năm, công việc chính là chịu trách nhiệm các bài viết trên website và báo chí. Ở công ty tiếp theo, tôi vận dụng kinh nghiệm trong 1 năm trước để đảm nhận vị trí Biên tập của mục Đời sống cho báo MYP trong 2 năm. Và tôi đã đạt được một số thành tích tốt giúp công ty tạo được uy tín cũng như nhận những phản hồi tích cực từ độc giả.
Bước 3: Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ làm được gì khi được nhận vào làm
Đây là cơ hội để các ứng viên thể hiện định hướng nghề nghiệp của bản thân và những giá trị bạn có thể mang lại cho nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, đừng quên trình bày lý do vì sao bạn lựa chọn công ty nữa nhé!
>>> Xem thêm: 30 câu hỏi phỏng vấn thường gặp và cách trả lời [Phần 1]
Một số lưu ý giới thiệu bản thân khi đi phỏng vấn
- Hạn chế tối đa các chi tiết cá nhân không cần thiết: Hãy rõ ràng việc câu hỏi phỏng vấn là giới thiệu bản thân chứ không phải chuyện cá nhân, nên bạn không thể trình bày những điều riêng tư. Ví dụ: Tình trạng hôn nhân, mối quan hệ với các đồng nghiệp trước, kỷ niệm thời đi học…
- Đừng trình bày những điều đã có trong CV: Rất nhiều ứng viên chọn cách đọc lại những gì có trong CV nhưng điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng không đánh giá cao bạn. Vì thế, bạn cần cân nhắc nên đưa thông tin gì vào CV và nên trình bày những điểm thu hút nào để thúc đẩy nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về bạn nhiều hơn.
- Giữ vững thái độ tự tin và vui tươi: Phong thái cũng là điều quan trọng ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn. Vì vậy, bạn nên tập luyện trước khi ở nhà để giữ được gương mặt tươi cười tự nhiên khi trả lời phỏng vấn.
>>> Xem thêm: 7 điều ứng viên có kinh nghiệm nên “phỏng vấn” ngược lại nhà tuyển dụng
Trên đây, là cách giới thiệu bản thân trong vòng phỏng vấn mà các ứng viên cần lưu ý để có được một buổi phỏng vấn thật sự hiệu quả. Bạn cũng nên dành nhiều thời gian chuẩn bị chu đáo và lường trước các câu hỏi để quá trình phỏng vấn diễn ra suôn sẻ nhé!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.