Định nghĩa và nguồn gốc của thuật ngữ cừu đen
Cừu đen có tên gọi tiếng Anh là Black Sheep, cụm từ này ám chỉ những cá nhân dị biệt, khác biệt giữa những cá nhân khác trong một cộng đồng, gia đình, công ty,… Giống với việc một chú cừu lông đen nổi bật khác lạ giữa bầy cừu lông trắng.
Trong từ điển về di sản Hoa Kỳ có giải thích, do ảnh hưởng của đột biến gen nên lông cừu màu đen bị coi rẻ về giá trị kinh tế, ngày đó chưa có các loại thuốc nhuộm màu nên chúng thường bị mang đến lò mổ lấy thịt. Đó là lý do người bị gắn mác cừu đen thường bị xem thường và không được coi trọng trong xã hội và gia đình.
Từ thế kỷ 16, cụm từ cừu đen nhằm ám chỉ dấu hiệu của quỷ. Vào thế kỷ 18 thì cụm từ mới dùng để ám chỉ những người khác biệt. Phạm trù khác biệt được sử dụng ở nhiều mặt: giới tính, nghề nghiệp, phong cách cá nhân, tư tưởng chính trị, mối quan hệ,…
Những yếu tố tạo nên một cừu đen
Ngày nay, cừu đen cũng được dùng để nói về một hiệu ứng tâm lý. Hiệu ứng này thể hiện khi một cá nhân trong nhóm thường khắt khe với nhau hơn các cá nhân của nhóm khác.
Ví dụ: nếu chị họ trong họ hàng nhà bạn đi nhuộm tóc, bố mẹ bạn sẽ đánh giá trong tư tưởng và không nói gì. Thế nhưng nếu bạn là người đi nhuộm tóc thì họ sẽ là người phản đối gay gắt và bắt bạn phải nhuộm lại màu tóc như cũ.
Dựa theo thuyết nhận diện xã hội, hiệu ứng cừu đen chỉ ra rằng: con người thường có xu hướng đi theo phong cách, hình ảnh bản thân với một nhóm xã hội họ thuộc về, thế nhưng khi trong nhóm xuất hiện một cá nhân đi ngược lại với tập thể thường sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực, bài trừ.
Bạn hãy tưởng tượng về việc trong gia đình có giáo dục học vấn cao như bố làm bác sĩ, mẹ làm giáo viên, anh/chị làm cảnh sát, nhưng người em lại chọn làm thợ xăm. Đây là điều mà các thành viên trong gia đình và họ hàng khó có thể chấp nhận được, họ sẽ ngăn cản và thậm chí là quát mắng.
Những đứa trẻ cừu đen thường bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ, đặc biệt là các kiểu gia đình dưới đây:
- Gia đình bất hòa (dysfunctional family): Đây là kiểu gia đình phổ biến nhất và có nhiều vấn đề xã hội nhất. Nếu đứa trẻ cừu đen tồn tại trong gia đình này, chúng dễ trở thành tâm điểm để trút giận của các thành viên trong gia đình.
- Gia đình khắt khe (unacepting family): Gia đình này chỉ chấp nhận những thành viên đáp ứng đúng kỳ vọng và mong muốn của số đông. Họ tránh việc tự đặt mình vào những mâu thuẫn với quan niệm sẵn có của các thế hệ trước.
- Gia đình cứng nhắc (inflexible family): Kiểu gia đình này sẽ nhẹ nhàng hơn với những đứa trẻ cừu đen, họ vẫn cởi mở vui vẻ ngoài mặt, bên trong tư tưởng vẫn chưa thể chấp nhận được. Họ không bỏ rơi những đứa trẻ khác biệt nhưng mất nhiều thời gian để hai bên thấu hiểu nhau.
Vẫn có nhiều người cho rằng cừu đen là những đứa trẻ hư hỏng, phá phách, nổi loạn khiến gia đình gặp nhiều rắc rối. Hình tượng cừu đen đối lập hoàn toàn với những đứa trẻ “kiểu mẫu”, “con nhà người ta” (the hero/the golden child). Chúng là những đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh và được các thành viên gia đình quan tâm, chăm sóc.
Đặt những đứa trẻ kiểu mẫu trong hoàn cảnh gia đình bất hòa, chúng có thể là nguyên nhân gây xích mích, bắt nạt những đứa trẻ cừu đen. Cha mẹ sẽ thường bênh vực chúng vì cho rằng đứa trẻ này không bao giờ gây rắc rối.
Xem thêm: Năm của “Thiên nga đen” và những tác động không thể lường trước
Những dấu hiệu cho thấy bạn là một “con cừu đen” ở chốn công sở
Không phải ai cũng mong muốn sinh ra trở thành một “con cừu đen” khác biệt, việc này hoàn toàn không dễ dàng. Để xác định bản thân có phải là cừu đen hay không, bạn có thể xem qua những dấu hiệu nhận biết dưới đây:
- Trong tập thể công sở, bạn là người duy nhất lẻ loi và luôn cảm thấy bản thân không thuộc về nơi đó.
- Những điều bạn làm không đúng với mong muốn và kỳ vọng của tập thể, thậm chí là đi ngược lại với những tiêu chuẩn đặt ra, họ không biết phải làm gì với bạn.
- Bạn ghét bản thân bắt buộc phải làm theo đám đông, bạn luôn được đánh giá là người nổi bật hoặc kỳ quặc nhất trong công sở.
- Bạn thích làm việc độc lập ngay cả khi sống trong tập thể, lúc nào cũng suy nghĩ làm cách nào để thoát khỏi nơi đó, bạn không thích phải chịu trách nhiệm trong một nơi nào đó.
- Người khác không thể chịu đựng được bạn và ngược lại, luôn luôn có sự đối đầu giữa hai bên.
- Người khác tiếp xúc với bạn bằng thái độ e ngại, kiêng nể, hạn chế lại gần bạn nhiều nhất có thể.
Là một cừu đen trong gia đình và xã hội, bạn cần làm gì?
Việc bạn cần làm lúc này đó là hiểu chính mình. Thay vì phải thuyết phục những người xung quanh chấp nhận sự khác biệt của bản thân mình, thì bạn nên dành thời gian để tìm hiểu chính mình. Bạn không thể nào thay đổi bản thân trở thành “cừu trắng”, vì nó không phải là con người thật của bạn.
Bạn không thể nào sống mỗi ngày chỉ để che đậy bản thân, vì nó dễ khiến bạn mệt mỏi hơn. Mỗi người đều có quyền được sống và lựa chọn theo ý mình, bạn không cần phải thay đổi để làm hài lòng người khác.
Điều bạn nên thay đổi đó là suy nghĩ của bạn, hãy học cách chấp nhận bản thân rằng bạn không phải kẻ lạc lõng. Sẽ luôn có những nơi thuộc về bạn, nơi có những chú cừu đen giống bạn.
Những chú cừu đen chỉ khác với bầy cừu trắng là bộ lông màu đen. Còn lại chúng vẫn có các cơ quan giống với cừu trắng. Và đặc biệt hơn, lông cừu đen lại có giá trị cao trong công nghiệp thời trang, bạn cũng vậy. Đừng đánh giá thấp giá trị bản thân qua những lời phán xét của người khác chỉ vì bạn có bộ lông cừu màu đen.
Bạn nghĩ sao về ý nghĩa “cừu đen”? Bạn có phải là một chú “cừu đen” không? Hy vọng những thông tin bổ ích trên đã giúp bạn hiểu rõ thêm về bản thân. Đừng quên theo dõi thêm nhiều bài viết hay của VietnamWorks nhé!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.